Các thiết bị sử dụng trong chăn nuôi bò sữa
Máy vắt sữa bò đôi
I/ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Máy vắt sữa xét về mặt kỹ thuật có thể coi là tương đối đơn giản. Nguyên tắc hoạt động của nó mô phỏng gần đúng quá trình bú sữa của con bê con là hút tạo chân không và kích thích vú mẹ để bò mẹ tiết sữa. Bê con khi ngậm được núm vú của bò mẹ sẽ tạo áp lực chân không trong miệng, lưỡi bê làm công tác đóng (pha đóng), mở (pha mở); khi lưỡi bê hạ xuống thì sữa sẽ không xuống miệng (không khí sẽ vào – pha đóng ), khi lưỡi bê đẩy lên thì sữa sẽ vào từ tuyến sữa theo núm vú vào miệng bê ( tạo áp lực chân không –pha mở). Khi sữa trong một chu trình hết thì lưỡi bê đóng lại. Quá trình như thế cứ lập đi lập lại liên tục.
II/ CẤU TẠO MÁY VẮT SỮA BÒ
Máy vắt sữa cơ bản gồm hai hệ thống chính : Hệ thống
tạochân không vả hệ thống hút sữa.
2.1/ Hệ thống tạo chân không:
Gồm:
-Mô tơ: là bộ phận khởi động và duy trì sự hoạt động của máy vắt sữa. Tuỳ theo số lượng hệ thống ống hút được sử dụng hoặc tuỳ bơm chân không của từng nông hộ, trang trại mà ta sử dụng mô tơ có công suất phù hợp .
-Bơm chân không: khi mô tơ quay làm cho bơm chân không hoạt động nhờ dây cua roa truyền động. Bơm chân không thường là bơm cánh gạt, làm kín bằng dầu. Thân bơm có thể đúc bằng gang, rôto bơm có bốn rảnh khía để lắp cánh gạt . Tuỳ theo lưu lượng bơm mà các kich thước đường kính lòng thân bơm, khoảng cách lệch tâm, chiều dài thân bơm, kích thước các cánh gạt thay đổi.
-Bình chân không: Bơm chân không được nối với bình chân không bằng ống mềm. Bình chân không là bộ phận không thể thiếu trong máy vắt sữa, bình chân không chứa áp lực chân không để tạo nên lực hút và điều tiết chân không khi máy làm việc
(thường gọi là bình điều áp ).
-Đồng hồ chân không: dùng để chỉ áp lực chân không trong quá trình vắt sữa và kiểm tra máy. Đồng hồ có chứa vạch từ 0 –760 mm Hg ( hoặc từ 0 - 100 kPa ). Thông thường khi vắt sữa, áp lực chân không chỉnh ở mức 375mmHg .
-Van điều áp: Đây là van tự động, có nhiệm vụ điều hoà và duy trì áp lực chân không theo mức đã chỉnh (735mmHg ), nếu lên quá áp suất điều chỉnh thì van tự mở. Có vít hoặc đai ốc để điều chỉnh áp lực chân không này.
-Van khóa trên bình điều áp hoặc trên đường ống: van này đóng ngắt dòng chân không . Trước khi khởi động máy hay tắt máy những van này phải được mở để khởi động máy dễ dàng hơn. Trong khi máy vận hành hệ thống chân không phải kín.
2.2/ Hệ thống hút sữa:
Bao gồm các chi tiết cơ bản sau: bộ tạo nhịp (nhịp tim ), cổ góp sữa, bộ vòi hút sữa, các ống nhịp, bình đựng sữa.
-Bộ tạo nhịp (nhịp tim): là một bộ phận rất quan trọng của máy vắt sữa, có nhiệm vụ tạo ra các pha hút (pha chân không), pha nghỉ (pha không khí). Hai pha cứ hoạt động, liên tiếp nhau đều đặn khiến sự vắt sữa được thực hiện. Quá trình diễn ra liên tục đến khi vắt sữa hoàn thành.
-Cổ góp sữa gồm 2 tầng: tầng trên có hai loại; loại nhịp đơn chỉ có một buồng với 4 nhánh rẽ về vòi hút, loại nhịp kép có hai buồng, mỗi buồng hai nhánh rẽ cùng nhịp về vòi hút; tầng dưới được nối với bình đựng sữa và vòi hút. Áp suất chân không từ bình điều áp qua bộ tạo nhịp trở thành áp suất chân không biến thiên và được dẫn vào bộ cổ góp. Tầng trên cổ góp là tầng có áp lực chân không biến đổi, tầng dưới luôn có áp lực chân không ổn định để hút sữa.
-Vòi hút sũa: gồm có ruột bằng ống cao su và vỏ bằng inox. Phần vỏ cao su có hình dạng tương đối phức tạp cho việc chế tạo, chất lượng cao su vừa phải bền, cơ tính không độc, và phải kín khít khi lắp ráp.
-Các ống nhịp: bao gồm ống nhịp ngắn và ống nhịp dài. Ống nhịp dài nối từ nhịp tim đến cổ góp sữa. Ống nhịp ngắn nối từ cổ góp sữa tới vỏ inox của vòi hút.
-Bình đựng sữa: bằng inox có nắp đậy làm kín miệng bằng gioăng.
KS. Quang Mẫn