Định nghĩa và phân loại sữa

Độ tan của sữa: Hiểu thế nào cho đúng

Sữa là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu được của trẻ nhỏ. Nhưng đôi khi với một việc tưởng chừng rất đơn giản là pha sữa cũng gây nên những mối bận tâm nhất định cho các bậc cha mẹ, nhất là đối với sữa bột công thức cho trẻ em, khi pha vẫn còn một lượng nhỏ không hoàn toàn tan hết, khiến nhiều người lầm tưởng là sữa "có cặn" và có thể tiêu hóa không tốt.

Đâu là chuẩn của sữa công thức

Nếu người mẹ có thể nuôi con bằng chính dòng sữa của mình thì sữa mẹ vẫn là lựa chọn hàng đầu, vì không có loại sữa công thức nào có thể thay thế ngang bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu vì nhiều lý do buộc phải chọn một sự thay thế sữa mẹ thì các bậc cha mẹ nên tham vấn bác sĩ và chọn sữa từ những nhà sản xuất uy tín, mà công thức sữa của họ đã chứng minh được hiệu quả qua nhiều năm tại các nước trên thế giới.

Để có được một loại sữa công thức (sữa bột) phù hợp với trẻ, các nhà dinh dưỡng thường lấy cơ sở thành phần sữa mẹ để làm chuẩn rồi chế biến, bổ sung thêm những dưỡng chất khác nhau nhằm đem lại những lợi ích tương tự như ở trẻ bú mẹ. Chính nhờ điều này mà sữa công thức có thể đáp ứng sự tăng trưởng của bé, nếu biết chọn đúng loại sữa phù hợp với độ tuổi của

bé (trong năm đầu tiên của bé có 2 loại sữa được dùng để thay thế sữa mẹ: đó là sữa công thức số 1 và sữa công thức số 2) và pha chế đúng cách.

Phần lớn sữa bột được chế biến từ sữa bò nhưng các nhà sản xuất không chỉ đơn giản là cô đặc sữa bò tươi, vì nếu làm như vậy thì những thiên thần bé bỏng của chúng ta chỉ được uống loại sữa ngang bằng với… mấy con bê. Để có được loại sữa chất lượng cao phù hợp với sự phát triển của trẻ nhỏ, các nhà sản xuất còn thêm vô số thứ “bổ béo” vào trong sữa bò, chẳng hạn: các loại vitamin, khoáng chất, các chất giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của hệ xương, cơ, thần kinh… Những thành phần này có thể thay đổi tùy theo công thức chế biến sữa của từng nhà sản xuất, nhưng tựu trung chúng đều nhằm đến việc cung cấp dinh dưỡng tối ưu, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Có nên "gạn đục khơi trong"?

Tuy nhiên, trong khi sữa tươi (sữa mẹ và sữa bò tươi) có độ tan hoàn hảo thì trong quá trình cô đặc để chuyển sữa từ dạng lỏng sang dạng bột, độ hòa tan ban đầu sẽ bị ảnh hưởng một phần. Vì vậy, khi pha bất kỳ loại sữa bột nào, bạn cũng sẽ thấy những bợn sữa nhỏ bám trên thành ly sau khi uống. Những bợn sữa này chính là một số thành phần nhỏ khoáng chất được bổ sung vào sữa, có thể không tan hoàn toàn trong nước, đơn giản chỉ vì … chúng là khoáng chất khó tan. Khoáng chất có thể đọng lại dưới đáy ly, chúng có thể cứng và nhám giống như một loại cát rất mịn. Phân tích của các nhà khoa học đã cho thấy loại chất lắng này thường là muối khoáng canxi và phosphor ít tan trong nước, nhưng chúng lại là những thành phần không thể thiếu được cho hệ xương trong cơ thể, đặc biệt là xương của trẻ đang phát triển. Như vậy, đây là loại muối khoáng có ích nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là khi không tan trong nước thì đưa vào cơ thể có được hấp thu tốt?

Thực chất, hàng ngày người lớn cũng như trẻ nhỏ tiêu thụ khá nhiều loại khoáng chất không tan trong nước. Một số thuốc cung cấp canxi ở dạng lỏng (như Cancigenol chẳng hạn) đều có in trên bao bì: “Lắc đều trước khi dùng” đã hàm ý là các khoáng chất bên trong có thể lắng dưới đáy. Cơ chế của các chất lắng này là ít tan trong nước nhưng tan tốt trong dịch vị dạ dày, vì vậy, việc uống các “chất lắng” loại này không gặp trở ngại gì về mặt tiêu hóa và nên “lắc qua lắc lại” để uống hết những thành phần này, để cơ thể có đủ khoáng chất chứ không cần “gạn đục khơi trong” làm gì.

Như vậy, pha sữa bột công thức có thể sẽ có những hiện tượng khác với sữa tươi. Vì vậy, cần chú ý tuân thủ đúng hướng dẫn pha chế của nhà sản xuất in trên bao bì. Cho ít nước quá hay nước quá nóng khi pha chế sữa cũng là một lý do làm sữa khó tan hơn.

Nguồn: Suckhoedoisong
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác