Giải pháp cho các trang trại lớn
Khơi dòng sữa sạch trên vùng đất cằn
Ý tưởng xanh hoá vùng đất khô cằn, tạo ra dòng sữa tươi sạch, góp phần cải tạo dáng vóc con người Việt Nam đã được bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (với vai trò Nhà tư vấn đầu tư cho Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An") trăn trở, ấp ủ từ rất lâu. Là một người con xứ Nghệ, việc Ngân hàng TMCP Bắc Á tư vấn đầu tư cho dự án giúp bà thực hiện được ước mơ đóng góp công sức xây dựng quê hương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, đưa Nghệ An trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về ngành sữa.
Cơ giới hoá quy trình sản xuất, chế biến thức ăn
Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An" của TH Milk được đầu tư trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, theo Giấy chứng nhận đầu tư số 27111000013, chứng nhận lần đầu ngày 15/9/2009. Đây là dự án nông nghiệp, quy mô lớn, áp dụng hoàn toàn quy trình công nghệ cao, khép kín và đồng bộ của Israel về chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tiên tiến nhất trên thế giới. Công nghệ này nhằm mục đích thu được sản lượng sữa cao từ bò sữa thông qua việc mang đến cho gia súc các điều kiện môi trường, dinh dưỡng và vệ sinh tối ưu.
Dự án được phân thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn I, từ năm 2009-2012, xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi tập trung, xây dựng nhà máy chế biến sữa tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới. Trong giai đoạn này, dự án sử dụng 8.100 ha đất nông nghiệp để làm vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi bò sữa, tổng đàn bò 45.000 con, trong đó 20.000 con cho sữa, cung cấp cho nhà máy chế biến công suất 560.000 lít/ ngày. Giai đoạn I với tổng mức đầu tư 350 triệu USD.
Mới gần 3 năm thực hiện đầu tư trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ, Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp trên địa bàn Nghệ An" của TH Milk đã nhanh chóng làm thay đổi hoàn toàn diện mạo lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên một vùng đất rộng lớn. Những lô cam kém hiệu quả, những vùng cà phê, cao su thưa thớt, hoang tàn đã được thay thế bằng hệ thống trang trại khép kín, hoàn chỉnh và những vùng sản xuất theo phương thức thâm canh công nghiệp với các loại cỏ, ngô làm thức ăn cho bò sữa bạt ngàn, xanh ngút.
Các công việc như xây dựng trang trại, triển khai nhập khẩu bò về nước và thực hiện đền bù, thu hồi đất theo quy hoạch để tập trung cày xới, làm đất, sản xuất thức ăn cho bò được đồng thời thực hiện.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, giữa các chuyên gia và kỹ sư, công nhân trong nước giữa các khâu, các công đoạn đã cho thấy năng lực đầu tư của dự án. Đến thời điểm này, công ty đã nhập khẩu bò từ New Zealand với tổng số 15.000 con, trong đó có 6.000 con đã sinh bê và cho sữa nguyên liệu với năng suất đạt 28 lít sữa/ con/ ngày. Toàn bộ bò đã và đang nhập khẩu đều được kiểm tra và chứng nhận "đúng giống loài" bởi Hiệp hội Holstein Friesian (HF), New Zealand. Trên cơ sở nghiên cứu dự án, Công ty Cổ phần thực phẩm Sữa TH lựa chọn phương án đầu tư xây dựng liên tục các trang trại bò sữa với quy mô mỗi trang trại 2.400 con bò cho sữa, với số bò ban đầu là 45.000 con vào cuối năm 2011, phát triển lên đến 80.000 con vào cuối năm 2015 và đạt quy mô tối đa 137.000 con vào cuối năm 2020.
Các chuyên gia nước ngoài và kỹ thuật TH Milk kiểm tra, trao đổi quá trình sinh trưởng của đàn bò nhập ngoại tại trang trại
Vận hành hệ thống vắt sữa tự động
Giai đoạn I quy hoạch xây dựng 8 trang trại được chia thành 3 cụm. Hiện nay đã hoàn thành cụm trang trại số 1 gồm 3 trang trại liền kề và 1 trung tâm thức ăn tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn; đang tập trung triển khai xây dựng cụm số 2 tại xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 1/2011. Các trang trại đã và đang xây dựng theo quy hoạch sẽ cung cấp sữa tươi cho các nhà máy chế biến sữa hiện đại được xây dựng gần các trang trại. Toàn bộ kế hoạch phát triển và mở rộng quy mô trang trại trong dự án này cũng đề cập tới việc đáp ứng các điều kiện đảm bảo cho môi trường theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Sử dụng hệ thống xe tự động phân phối thức ăn cho bò tại các trang trại
Song song với việc khẩn trương triển khai xây dựng trang trại, nhập khẩu bò về nước, trồng cỏ, xây dựng các trung tâm chế biến thức ăn, công ty cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến công suất 1.700 tấn/ ngày tại huyện Nghĩa Đàn với sự tư vấn quản lý dự án của các công ty tư vấn hàng đầu của Đức và Thụy Điển.
Đến nay, 3 môđun công suất 1.500 tấn/ngày tại Nghĩa Đàn đang được công ty tập trung triển khai lắp đặt, dự kiến hoàn thành vào quí 4/2013. Việc lắp đặt các môđun chế biến sữa đã cho ra đời sản phẩm sữa sạch TH True milk đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sữa tươi của xã hội. Mới chỉ hơn 10 tháng có mặt chính thức trên thị trường, TH True milk đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Với việc khai trương và đi vào hoạt động chuỗi 64 cửa hàng TH True Mart và hệ thống phân phối bán hàng trên phạm vi toàn quốc, công ty đã góp phần tích cực đưa sản phẩm đến các vùng miền. Doanh thu từ tháng 12/2010 đến tháng 9/2011 đạt trên 500 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ đạt 1.000 tỷ đồng.
Thương hiệu sữa tươi tiệt trùng TH TRUE MILK đã được bảo hộ về thương hiệu, thiết kế độc quyền trên toàn thế giới. Bà Thái Hương cho biết: "Việc Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH quyết định đầu tư vào Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa là nhằm góp phần thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2001-2010 và chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
Dự án này đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước, từng bước thay thế sữa nhập khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, dự án này cũng góp phần phủ xanh đồi trọc, xử lý chất thải từ chăn nuôi thành các sản phẩm phân vi sinh và phục vụ cho việc trồng các loại rau củ thực phẩm khác, góp phần bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm".
Có thể nói, với định hướng đầu tư đúng đắn, rõ ràng và năng lực tài chính mạnh, ngay từ đầu, dự án đã được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện, phối hợp triển khai đẩy nhanh tiến độ.
Đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 11 quyết định thu hồi đất phục vụ cho việc đầu tư phát triển dự án với tổng diện tích đất 4.025 ha, chủ yếu là đất của các nông- lâm trường trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Theo Quyết định số 2860/QĐ-UBND.ĐT ngày 22/7/2011 của UBND tỉnh Nghệ An, quy hoạch diện tích đất sản xuất thức ăn cho bò sữa trải rộng trên địa bàn 8 huyện, thị xã với tổng diện tích 11.493,96 ha. Hiện tại, TH Milk đang phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng vùng dự án theo quy hoạch trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Yên Thành...
Bên cạnh tập trung đầu tư xây dựng trang trại, lắp đặt nhà máy chế biến quy chuẩn theo kế hoạch thì TH Milk cũng phối hợp với cấp uỷ đảng, địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Công ty đang triển khai quy hoạch toàn bộ vùng Phủ Quỳ, gắn công tác tái định cư với việc xây dựng nông thôn mới; tập trung đào tạo và tuyển dụng lao động, ưu tiên lao động vùng quy hoạch phát triển của dự án. Hiện tại, công ty đã có gần 800 lao động, chủ yếu trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, đặc biệt là lao động ở một số vùng đã thu hồi đất sản xuất.
Như vậy, với Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An", Tập đoàn TH dần trở thành nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam trong ngành hàng thực phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Theo baonghean