Giải pháp cho các trang trại lớn

Phát triển chăn nuôi trang trại : Bước đột phá trong ngành chăn nuôi

Cả nước hiện có 17.721 trang trại chăn nuôi, tăng gấp 10 lần so với năm 2001, trong đó miền Nam chiếm 64,4% và miền Bắc 35,6%. Chăn nuôi trang trại phát triển nhanh cả về số lượng, chủng loại và quy mô đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.


Hiệu quả mô hình trang trại chăn nuôi

Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong những năm qua, phương thức chăn nuôi trang trại đã mang lại hiệu quả đáng kể, tạo điều kiện cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là xử lý dịch bệnh và giải quyết ô nhiễm môi trường.

Hiện nay loại hình này có xu hướng ngày càng phát triển, trong đó chăn nuôi lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 7.475 Trang Trại ( chiếm 42,2% tổng số Trang Trại ); kế đến là chăn nuôi bò, với 6.405 Trang Trại ( chiếm 36,1% ); chăn nuôi gia cầm đứng vị trí thứ 3, với 2.838 Trang Trại ( chiếm 16% )… Vốn đầu tư cho mỗi Trang Trại từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tuỳ theo quy mô và loại hình Trang Trại. Trong đó, vùng Đông Nam bộ bình quân khoảng 358 triệu đồng/Trang Trại; Tây Nguyên gần 182 triệu đồng/Trang Trại; Duyên hải Nam Trung bộ 137 triệu đồng/Trang Trại. Cũng có một số Trang Trại đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Phần lớn các giống gia súc, gia cầm cao sản trên thế giới được nhập vào nước ta và nuôi ở các Trang Trại đều đạt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật xấp xỉ so với các nước trong khu vực và bằng 85 - 90% so với các nước tiên tiến. Một số Trang Trại chăn nuôi có quy mô lớn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas hoặc bể phân huỷ sinh học hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng khí gas để thắp sáng và sưởi ấm cho lợn con. Những Trang Trại chăn nuôi có quy mô từ 300 - 1.500 bò sữa đã đầu tư hệ thống máy vắt sữa tự động hiện đại. Về lợi nhuận, theo một số chủ Trang Trại trong điều kiện thuận lợi chăn nuôi lợn thịt bình quân thu lãi từ 100.000 - 250.000 đồng/con/lứa 4 tháng; nuôi lợn sinh sản thu lãi 2 - 2,5 triệu đồng/nái/năm; nuôi gà thịt thu lãi 1.000 - 4.000 đồng/kg, gà đẻ 50 - 150 đồng/quả; bò sinh sản thu lãi 1,5-2 triệu đồng/con.

Trong quá trình phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh lở mồm long móng, nhưng tại nhiều tỉnh đã xuất hiện những mô hình chăn nuôi Trang Trại đầu tư lớn có hiệu quả kinh tế cao. Ông Kim Chung, chủ trại lợn giống cao sản Kim Long đầu tư trên diện tích 15 ha, ở ấp Bàu Bàng, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát ( tỉnh Bình Dương ) cho biết: Trại của ông hiện có tổng đàn gần 12.000 con lợn, trong đó quy mô đàn lợn nái là 1.200 con nuôi theo qui trình công nghệ hiện đại với hệ thống chuồng sàn, chuồng kín được làm mát bằng hơi nước; tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng. Giống lợn nuôi tại trại đều là giống ngoại nhập từ các nước chăn nuôi tiên tiến trên thế giới như : Canađa, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Mỹ. Vì vậy, con giống được trại sản xuất ra luôn đảm bảo chất lượng, chiếm lĩnh thị trường không những ở khu vực phía Nam mà cả ở phía Bắc.

Trang Trại của ông Trần Văn Chiến ( Hà Tây ) đầu tư 6,5 tỷ đồng nuôi 600 con lợn nái và 1.500 lợn thịt, đạt doanh thu hàng năm gần 10 tỷ đồng.

Mô hình chăn nuôi gia cầm có Trang Trại của chị Lưu Thị Tám ( Hải Dương ) đã đầu tư trên 10 tỷ đồng, nuôi 100.000 gà siêu trứng/lứa, doanh thu hơn 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 712 triệu đồng/năm; nhiều Trang Trại nuôi gà khác nuôi từ 6.000 - 25.000 con/lứa luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh, doanh thu từ 600 – 700 triệu đồng/Trang Trại/năm.

Ngoài ra còn có những mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao như Công ty bò sữa thành phố Hồ Chí Minh đã nhập giống bò thịt cao sản ( Brahmn, Droughtmaster ) từ Úc về nhân giống cung cấp cho nhiều nơi trong thành phố và các tỉnh lân cận. Đàn bò thịt và bò sữa của Công ty đều được nuôi nhốt kết hợp với chăn thả trên đồng cỏ thâm canh 500 ha. Công ty cổ phần chăn nuôi bò sữa Mộc Châu ( Sơn La ) có đàn bò HF trên 3.000 con, sản lượng sữa bình quân đạt 4.950 lít/chu kỳ, trong đó đàn bò sữa hạt nhân 600 con cho năng suất tới 6.000 lít/chu kỳ.

Tồn tại và giải pháp

Theo ông Diệp Kỉnh Tần, chăn nuôi Trang Trại cũng đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: đa số quy mô Trang Trại chăn nuôi còn nhỏ; thiếu sự quy hoạch tổng thể và lâu dài của các địa phương dẫn đến các Trang Trại phát triển manh mún, thiếu sự đầu tư, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Tính liên kết trong phát triển kinh tế Trang Trại chưa cao, chưa hình thành liên vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian giao đất, cho thuê đất; thủ tục giao đất, cho thuê đất còn nhiều khó khăn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất chậm làm ảnh hưởng tới quá trình đầu tư của các Trang Trại. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý kể cả thông tin thị trường của hầu hết các chủ Trang Trại còn nhiều hạn chế. Sản phẩm chăn nuôi do Trang Trại làm ra được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, nên thường bị ép giá, gây thua thiệt cho người chăn nuôi. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của các Trang Trại chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cho vay vốn ngắn hạn chưa phù hợp với chu kỳ chăn nuôi. Các quy định của cơ quan quản lý nhà nước như thú y, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thức ăn gia súc còn những bất cập chưa tạo điều kiện cần và đủ để Trang Trại phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu chủ yếu đến năm 2008 lập xong quy hoạch tổng thể về phát triển chăn nuôi Trang Trại tập trung; đưa tỷ trọng sản phẩm hàng hoá chăn nuôi Trang Trại trong cả nước đạt 45 - 50% vào năm 2010 và 60 - 65% vào năm 2015 trong tổng sản phẩm ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã đưa ra các giải pháp để phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng Trang Trại, tập trung trong giai đoạn 2007 - 2015. Trước hết, các địa phương cần có chính sách quy hoạch đất đai, định hướng lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp, tập trung đến tận huyện, xã; chú trọng chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả, nhất là các vùng trung du, đồi gò sang phát triển chăn nuôi Trang Trại, tập trung.

Việc quy hoạch phát triển chăn nuôi Trang Trại phải gắn với đầu tư các cơ sở giết mổ, chế biến. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng ngành công nghiệp chế biến, giết mổ gia súc gia cầm gắn phát triển chăn nuôi Trang Trại và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm ( HACCP, ISO, GMP…) để từng bước quốc tế hoá tiêu chuẩn sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong nước và thế giới.

Đối với giải pháp kỹ thuật, cần tiếp tục sử dụng giống vật nuôi có năng suất chất lượng tốt; thức ăn chăn nuôi công nghiệp phải đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý; xây dựng chuồng trại, thiết bị tiến tiến phù hợp với từng loại vật nuôi và đặc điểm khí hậu của từng vùng.

Ngoài ra, sớm tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ Trang Trại về kỹ thuật cũng như nghiệp vụ quản lý kinh tế Trang Trại, đồng thời chủ Trang Trại cũng phải có biện pháp thu hút lao động có trình độ chuyên môn giỏi giúp Trang Trại sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả.

Vấn đề xử lý môi trường ở các Trang Trại chăn nuôi cũng được đặt ra nhất là các Trang Trại, khu chăn nuôi tập trung xây dựng mới phải có phương án xử lý nước thải; các Trang Trại chăn nuôi hiện đang nằm trong khu dân cư sớm có kế hoạch di dời đến những điểm đảm bảo an toàn sinh học.

Hồng Hạnh

Nguồn: niemtin.free.fr
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác