Giải pháp cho các trang trại lớn

Trại bò đẳng cấp quốc tế

Bò nghe nhạc, uống nước sạch như người, gắn chíp ở chân để đo lường sức khoẻ thường xuyên; những cánh đồng cỏ, ngô và cao lương có giàn nước tưới tự động...

Trại bò của Tập đoàn TH, doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu sữa TH true Milk, mang tầm cỡ một trang trại đẳng cấp quốc tế , đang làm thay đổi mảnh đất xứ Nghệ nghèo khó.

Trang trại bò sữa của TH ở Nghĩa Đàn, Nghệ An vừa được Bộ NNPTNT cấp chứng nhận là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, công nghệ nuôi bò trong trại bò TH như thế nào vẫn là điều ít người được biết đến. Để khám phá những điều mới mẻ, thú vị của trại bò này, chúng tôi đã dành hai ngày vào tận trang trại vốn được canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt này để tìm hiểu.

Bò nghe nhạc cổ điển...

Khi Hà Nội còn vương vấn cái lạnh tháng 3 thì ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, nơi đặt trang trại này, tiết trời đã thừa nắng, thừa gió. Thời tiết đó có khiến những con bò sữa vốn ưa mát mẻ “khó ở”? Đó là một câu hỏi lớn của nhiều người, kể cả các chuyên gia nông nghiệp.

Tổng đàn bò của trang trại đến thời điểm này khoảng 20.000 con, trong đó 6.000 là bê con sinh nở ngay tại đây. Mỗi con bò sữa cho sản lượng khoảng 30-40 lít sữa/ngày. Lứa bê con đầu tiên cũng đang chuẩn bị cho sữa. Đó là những con số ấn tượng minh chứng cho sự thích nghi của những con bò được nhập về từ New Zealand với vùng đất xứ Nghệ này. Ông Gil Inbar - chuyên gia người người Israel, đang đảm nhận cương vị Giám đốc trang trại cho rằng: “Việc đặt trang trại ở Nghĩa Đàn với thời tiết nắng nóng là một thách thức lớn đối với đàn bò sữa, nhưng hoàn toàn có thể giải quyết bằng công nghệ chăn nuôi hiện đại”.

Hiện nay, trang trại TH được trực tiếp quản lý bởi hai công ty đa quốc gia là: Công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y.

Công nghệ mà ông Gil Inbar nói đến được nhập khẩu 100% từ Israel. Thức ăn cho bò được lên thực đơn theo ngày, bò lấy sữa, bò nuôi con, bê… có chế độ ăn khác nhau. Thức ăn cho bò được chia ra 2 thành phần là thực phẩm xanh (như ngô, cao lương, cỏ; trong đó có cả những loại cỏ nhập khẩu từ Mỹ) và các thực phẩm khác như tinh bột các loại, bã mía, gỉ mật… Việc ủ chua cỏ để diệt khuẩn, phối trộn, vận chuyển thức ăn đến chuồng được thực hiện bằng máy xúc, ô tô, máy trộn cỡ lớn và được điều khiển bằng hệ thống máy tính.

Nước uống cho bò được lấy từ hồ sông Sào (đây là hồ rộng thứ hai của tỉnh Nghệ An, còn có chức năng điều hoà không khí cho trại bò) được lọc qua 3 khâu bằng giàn máy Amiad với các chỉ số sinh, hoá của nước sau khi lọc như tiêu chuẩn nước sinh hoạt, nhân viên trại bò có thể uống trực tiếp, không cần qua đun nấu.

Cánh đồng ngô với giàn tưới tự động.

Nơi “ở” của bò được nuôi tập trung trong các khu trại có mái che kèm có hệ thống quạt làm mát. Mỗi con bò được gắn chíp ở chân để theo dõi sức khoẻ, kiểm soát thời kỳ phối giống… Khu chuồng trại còn được lắp đặt hệ thống âm thanh, phát nhạc cổ điển để kích thích sự tiết sữa của bò.

Hệ thống vắt sữa ở đây cũng được tự động hoá tối đa. Sau khi bò vào khu vực vắt sữa, công nhân tiến hành rửa, sát trùng bầu vú của bò rồi gắn máy vắt sữa. Sữa sẽ được dẫn ngay theo các đường ống qua hệ thống lọc; tăng, giảm nhiệt độ đột ngột để diệt khuẩn. Sau đó, sữa bò tươi nguyên chất sẽ được chuyển thẳng ra Hưng Yên trong vòng 24 giờ để chế biến, đóng gói bán ra thị trường. Hiện nay, trang trại TH được trực tiếp quản lý bởi hai công ty đa quốc gia là: Công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y.

Trên đường Việt hoá

Việc nhập những tấn cỏ từ Mỹ với giá 260 USD/tấn như hiện nay không phải là giải pháp lâu dài cho TH. Để khắc phục, TH đã dành ra 1.500ha để trồng ngô, cao lương và cỏ. Các giống cây trồng cho bò này được chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, cho năng suất và chất lượng cao. Công đoạn xuống giống, chăm sóc và thu hoạch cũng được tự động hoá gần như hoàn toàn.

TH trang bị những giàn máy có thể tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm… trên diện tích hàng trăm ha. Việc thu hoạch cũng được tiến hành bằng máy cắt và xe tải với công suất lớn, 10 phút thu hoạch xong 1 tấn. Ngoài ra, thương vụ TH mua lại Nhà máy Đường Nghệ An Tate & Lyle của Anh, đóng gần địa điểm của trang trại cũng không nằm ngoài mục đích lấy nguồn bã mía, gỉ mật để cung cấp cho trại bò.

Ông Lê Khắc Cương - Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp của trang trại cho biết: “Đến thời điểm này, TH đã chủ động được 70% nguồn thức ăn cho bò. Vào cuối năm 2012 này, nguồn thức ăn chủ động được có thể lên đến 95%”.

Dự án trang trại bò sữa tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) do Tập đoàn TH làm chủ đầu tư; Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á tư vấn đầu tư tài chính với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 là 350 triệu USD sẽ hoàn thành vào tháng 7 tới với một tổng quy mô đàn bò 45.000 con, trong đó có 30.000 con cho sữa, cùng với một nhà máy chế biến sữa hiện đại có công suất 500 tấn/ngày. Đến năm 2017, dự kiến dự án sẽ có 137.000 con bò và nhà máy chế biến đạt công suất 500 triệu lít/năm.

Hiện tại, tổng số lao động trong trang trại của TH khoảng 900 người, trong đó hơn 650 là con em nông dân ở huyện Nghĩa Đàn; đến cuối năm nay sẽ là 2.400 lao động. Khi nhà máy chế biến sữa đi vào hoạt động, con số đó có thể còn cao gấp nhiều lần.

Các chuyên gia gây dựng trại bò TH đến từ Israel, New Zealand… Tuy nhiên, việc trao đổi công nghệ đang được tiến hành chuyển giao cho các nhân viên Việt Nam với sự tiếp thu rất thuần thục. Phần lớn cán bộ ở đây có thể trao đổi trực tiếp với chuyên gia nước ngoài bằng tiếng Anh. Ông Gil Inbar cũng dành những lời nói tốt đẹp: “Công nhân ở TH hiền lành, chăm chỉ, chịu khó và nghe, nói được tiếng Anh nên họ nắm bắt công việc rất nhanh. Ngoài các việc khó như chữa bệnh cho bò, họ chưa thể tự làm được mọi việc”.

Theo ông Gil Inbar, đây là trang trại bò sữa có quy mô lớn nhất thế giới mà ông từng biết. “Bò của trang trại đã trải qua 2 mùa nắng trên vùng đất này. Bò mẹ đang ngày ngày cho ra sữa; bê con đang lớn và chuẩn bị có sữa nên chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng và chờ đợi những điều tốt đẹp hơn” - ông Gil Inbar khẳng định.

Nhớ lại quãng thời gian năm 2008, trên các phương tiện truyền thông đầy những thông tin về sữa bột có chất melamin gây sỏi thận, ung thư cho trẻ em; lượng sữa nhập khẩu vào thị trường trong nước lúc đó chiếm đến 92%. Đó cũng là thời điểm TH quyết định đầu tư dự án này.

Rộng ra, dự án hình thành trong điều kiện Việt Nam có đến 70% dân số gắn với nông nghiệp, nguồn tài nguyên dồi dào, sản phẩm từ nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế cao, nhưng chưa có nhiều dự án tầm cỡ đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, sự thành công của dự án này sẽ có ý nghĩa quan trọng, đóng góp một mô hình hiện đại cho nông nghiệp, cho quê hương xứ Nghệ, tạo ra một dòng sữa chất lượng cho trẻ em Việt Nam.

Hiện tại, ngoài nuôi bò, TH đang hoàn thiện khu vực trồng rau, củ, quả trong nhà kính; sau đó là các dự án vườn dược liệu, khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh… TH đang tham vọng biến nơi đây thành một thành phố xanh trên cao nguyên.

Nguồn: danviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác