Giải pháp cho nhà đầu tư - chính sách

Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: Lan tỏa “cách mạng trắng”

Từng rệu rã, tưởng như thất bại, từng gánh nhiều ngờ vực về khả năng phát triển... Vượt qua thăng trầm, chăn nuôi bò sữa đang tạo hấp lực có sức lan tỏa đáng ngạc nhiên ở nhiều địa phương.

 Hừng hực chuyển mình

Cầu Vĩnh Thịnh, cây cầu đường bộ vượt sông dài nhất Việt Nam mới được thông xe hồi giữa năm 2014, nối liền Thủ đô Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Và hơn một năm trở lại đây, SX nông nghiệp dọc dải đất ven sông Hồng dưới chân cầu Vĩnh Thịnh cũng đang hừng hực chuyển mình.

Nếu như vài ba năm trước, về xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), người ta vẫn thấy hình ảnh quen thuộc với những bãi ngô, vườn chuối thì bây giờ đứng trên cầu Vĩnh Thịnh, có thể thấy bạt ngàn những dải cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi bò sữa đang dần thế chỗ đất lúa, đất ngô, đất chuối…

Sức hấp dẫn từ con bò sữa dường như không thể nào ngăn cản kế hoạch họ chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cỏ nuôi bò. Theo người dân, chỉ một năm nữa thôi, Vĩnh Thịnh sẽ không còn bóng dáng cây ngô, cây lúa.

Tất bật đùn những bó cỏ cao sản vào chiếc máy thái chuẩn bị bữa ăn cho 5 con bò sữa, chị Hà Thị Sơn, thôn An Hạ (xã Vĩnh Thịnh) vừa làm một con tính: Mỗi con bò sữa cần 2 sào cỏ, cộng cả chi phí thức ăn tinh, mỗi ngày chi phí cao nhất khoảng 100 nghìn đồng. Năng suất sữa trung bình khoảng 20 – 25kg/con/ngày, nếu bò được chăm sóc tốt, có thể cho 35 – 40 kg/con/ngày.

Tạm tính năng suất sữa chỉ cần 20 kg/con/ngày, với giá sữa mà các Cty thu mua tại địa phương 13.500 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi bò ở Vĩnh Thịnh bỏ túi mỗi ngày không dưới 150 nghìn đồng/con.

Tính chung một năm, mỗi con bò sữa cho thu lãi 30 triệu đồng riêng tiền bán sữa là điều không cần bàn cãi, chưa kể bò mẹ sinh bê con, nếu là bê cái tốt làm được giống số tiền lãi thu về còn lớn hơn nhiều.

Đất bãi ven sông trước đây trồng 2 vụ ngô hoặc lúa và 1 vụ màu, trầy trật lắm mới được 2 tạ ngô/sào/vụ, trừ 50% chi phí đầu tư, may mắn mới có lãi 2 triệu đồng/sào/năm, 2 sào lãi 4 triệu đồng/năm là may.

Bây giờ cũng 2 sào đất ấy, nếu chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sữa cho lãi 30, thậm chí 40, 50 triệu đồng/năm, cao gấp 10 lần, trong khi chỉ cần một lao động cũng có thể đảm nhiệm nuôi 4-5 con bò khỏe re.

Mỗi hộ nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh hiện trung bình có từ 4-5 con bò sữa, vị chi một năm cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng/hộ. Thu nhập ấy nếu so với thời còn còng lưng với cây ngô, cây lúa là điều không dám mơ.

Có mặt ở Vĩnh Thịnh từ năm 2000 – 2001, trải qua vô số thăng trầm, tới năm 2010, số lượng bò sữa ở Vịnh Thịnh chỉ dao động ở khoảng 1.000 con do giá sữa quá thấp và nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên từ năm 2012, đặc biệt trong 2 năm 2013-2014 khi giá sữa sáng sủa trở lại, đàn bò ở đây đã tăng với tốc độ bất ngờ.

Cùng với tốc độ tăng đàn và bò sữa ngày càng “có giá”, giá bò sữa giống đang tăng chóng mặt. Hiện tại, một con bò sữa sắp sinh tại Vĩnh Thịnh có giá từ 75-80 triệu đồng, bê cái từ 15-17 triệu đồng/con, bò hậu bị 45-50 triệu đồng/con.
Do không có nguồn giống cung cấp tại phía Bắc cũng như sinh sản tại chỗ không đáp ứng được nhu cầu tăng đàn nên rất nhiều bò giống đang phải nhập từ các tỉnh phía Nam, đa số là TP.HCM.

Hiện tại, Vĩnh Thịnh đã có trên 4.000 bò sữa. Cùng với việc tăng đàn bò sữa, từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 80% đất màu, đất lúa kém hiệu quả, tương đương khoảng gần 100 ha đã được người dân chuyển sang trồng cỏ.

“Dân nuôi bò sữa đang phải sang tận bên Phú Đa thuê đất trồng cỏ với giá hơn 1 triệu đồng/sào/năm nhưng vẫn không thuê được” – chị Hà Thị Sơn nói.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, đến thời điểm này, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đã tăng lên mức 6.000 con, trong đó riêng địa bàn xã Vĩnh Thịnh chiếm khoảng 4.000 con, năng suất sữa trung bình toàn tỉnh đạt 5 tấn/con/chu kỳ, tương đương với các tỉnh khác.

Từ cuối 2009 đến cuối 2013, tốc độ tăng đàn bò sữa tỉnh này gần 30%/năm, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm thì dự báo đến 2019, đàn bò toàn tỉnh sẽ lên tới 13 nghìn con.

Về quy mô, từ 200 hộ dân nuôi bò sữa năm 2001, hiện Vĩnh Phúc đã có gần 1.000 hộ nuôi bò sữa.

Bò sữa là nhất!

Sự có mặt của bò sữa đã tạo nên diện mạo mới cho nông dân Vĩnh Thịnh.

Ông Nguyễn Văn Trường, PCT UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, nếu như khoảng năm 2011 về trước, lực lượng lao động trẻ khỏe ở Vĩnh Thịnh đa số tản mát tứ phương kiếm việc làm thì đến nay, dòng lao động này lại đang trở lại địa phương, chủ yếu tập trung trong chăn nuôi bò sữa.

Theo ông Trường, chỉ trong khoảng hơn 2 năm (2012-2014), bò sữa đã giúp thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Thịnh tăng gấp đôi, từ khoảng 14 triệu đồng/người lên 28 triệu đồng/người. Trên thực tế, thu nhập của lao động trực tiếp chăn nuôi bò sữa còn cao hơn nhiều.


80% đất nông nghiệp ở Vĩnh Thịnh đã được chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò sữa trong thời gian qua

Việc phát triển đàn bò sữa quá nóng cũng đang đặt ra nhiều lo ngại về thực trạng quản lí nguồn giống.
Ông Nguyễn Văn Trường, PCT UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, đã có tình trạng giống bò sữa Thái Lan năng suất sữa thấp được bán tại Vĩnh Thịnh nên chỉ đạt 18 lít/ngày đối với thời kỳ khai thác lứa đầu. Việc quản lí thị trường tinh bò phân biệt giới tính hiện cũng rất phức tạp.

Đến thôn Khách Nhi Ngược (xã Vĩnh Thịnh) đúng dịp diễn ra ngày Đại đoàn kết toàn dân, ông Kiều Văn Ngọc, trưởng thôn phấn khởi ra mặt, khoe: Chỉ từ năm 2013 đến nay, thôn ông đã có ngót nghét 30 hộ xây nhà cao tầng, chủ yếu nhờ bò sữa.

Trước đây, dân sống ngoài đê sông Hồng luôn phải tủi thân vì nghèo đói, đàn ông khỏe mạnh gần như quanh năm bươn bả làm thuê, nay hầu hết đã trở về làng. Chỉ trong 2 năm 2013-2014, gần 90% đất nông nghiệp trong thôn đã chuyển sang trồng cỏ nuôi bò.

Vị trưởng thôn nhớ lại: Dải đất ven sông Hồng ở Vĩnh Thịnh từng trải qua không ít cuộc thử nghiệm với đủ loại cây trồng. Đầu tiên là trồng mía nguyên liệu bán cho NM Đường Việt Trì, nhưng cây mía không tồn tại được bao lâu, dân lại chuyển sang nghề dâu tằm, một số chuyển về cảnh trồng ngô trồng lúa.

Rồi nghề dâu tằm cũng dần tàn lụi. Đến năm 2007-2008, phong trào chuyển đổi đất trũng một vụ lúa sang mô hình trang trại VAC có thể nói đã giúp người dân vùng bãi này thoát nghèo, nhưng chưa thể giúp họ làm giàu, cho đến khi con bò sữa phất lên.

Đến nay, các trang trại VAC đã không còn hấp dẫn, mỗi năm chỉ cho thu nhập 20-30 triệu đồng nên nhiều hộ lại đang có ý định san lấp ao trở lại để trồng cỏ nuôi bò sữa. Thậm chí nhiều hộ dân ở Vĩnh Thịnh do không còn quỹ đất trồng cỏ nên đã có xu hướng sang các xã lân cận như Phú Đa (huyện Vĩnh Tường) thuê đất trồng cỏ.

“Nếu để nói sản phẩm tạo nên sự thay đổi lớn nhất cho người dân chúng tôi, thì tới nay tôi chỉ thấy bò sữa. Mặc dù một số hộ dân nuôi quy mô còn nhỏ, chưa thể làm giàu nhưng chí ít cũng không còn chật vật như xưa” – trưởng thôn Kiều Văn Ngọc nhận xét.

Nguồn: baomoi.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác