Giống cỏ
Cải tiến quy trình kỹ thuật trồng cỏ Mulato II để đạt năng suất cao nhất
Trên địa bàn huyện Củ Chi, cỏ Mulato II được trồng từ năm 2011 đến nay diện tích đạt 11,4 ha, hộ trồng cỏ Mulato II trên địa bàn 65 hộ với năng suất thu được trung bình từ 200 - 250 tấn /ha /năm. So với năng suất lý thuyết đã được công bố trước đây cỏ Mulato II đạt từ 300 - 350 tấn/ha/năm thì cỏ này trồng trên địa bàn huyện Củ Chi năng suất thấp hơn khoảng 100 tấn/ha/năm. Điều này gây thiệt hại kinh tế khá lớn cho người trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Để giúp nông dân nuôi bò sữa trồng cỏ Mulato II đạt được năng suất cỏ cao nhất, đặc biệt là đối với những vùng đất triền gò, Trạm khuyến nông Củ Chi đã thực hiện “Cải tiến quy trình kỹ thuật trồng cỏ Mulato II” trong chăn nuôi bò sữa.
Khảo sát thực tế từ các hộ trồng có cho thấy có nhiều nguyên nhân gây nên sự chênh lệch về năng suất đó như Củ Chi là vùng đất xám bạt màu thiếu hữu lượng cơ do trong đất và bị nhiễm phèn nhẹ ở vùng đất triền gò, cây trồng khó phát triển trong đó có cây cỏ chăn nuôi. Trong quá trình canh tác người dân lạm dụng bón phân hóa học trong thời gian dài làm vỡ kết cấu của đất gây nên tình trạng chai cứng. Nông dân chăn nuôi bò sữa còn xem nhẹ phương pháp chăm sóc cỏ sau thu hoạch nên mỗi năm chỉ bón phân cho ruộng cỏ từ 1 đến 2 lần và chỉ tưới nước rất ít vào mùa khô nên năng suất đạt được thường thấp hơn năng suất lý thuyết khoảng 40%. Khắc phục những hạn chế đó, Trạm khuyến nông huyện đã bố trí thử nghiệm cải tiến kỹ thuật trồng cỏ Mulato II tại 4 hộ dân ở các xã Phước Vĩnh An, Tân Thạnh Tây, Hòa Phú và An Phú với diện tích 4.000m2, trong đó 2.000m2 trồng cỏ Mulato II thử nghiệm, 2.000m2 trồng cỏ Mulato II đối chứng với khoảng 2.000kg hom giống. Cứ mỗi lô đối chứng với diện tích 500 m2 hộ chọn thử nghiệm đã sử dụng 2 tấn phân chuồng, 20 kg Urea, 10kg Kali, 15kg Lân; lô thử nghiệm sử dụng 3 tấn phân chuồng, 15kg Urea, 5kg Kali. 15kg Lân. Sau mỗi lần thu hoạch cỏ, lượng phân bón sử dụng cho diện tích 1.000 m2 lô đối chứng là 7 kg NPK, 6 kg Urea; lô thử nghiệm: là 200kg phân chuồng, 5kg Urea, 2kg NPK. Thời gian thu hoạch lô thử nghiệm theo phương pháp cải tiến kỹ thuật khoảng 31 ngày, lô đối chứng trồng theo phương pháp bình thường là 36 ngày. Năng suất thu hoạch cỏ lô thử nghiệm đạt trên 327 tấn/ha trong khi đó cỏ thu hoạch ở lô đối chứng chỉ trên 253 tấn/ha. Từ kết quả trên cho thấy khi tăng cường bón phân hữu cơ cho cỏ MulatoII sẽ giảm thời gian thu hoạch giữa 2 lần cắt cỏ 5 ngày so với quy trình cũ; số lần thu hoạch cỏ/năm tăng 1,64 lần cắt; năng suất cỏ khi thu hoạch dự kiến tăng hơn 73 tấn/ha/năm so với biện pháp bón phân và chăm sóc như hiện nay của người dân; giá thành cỏ MulatoII thương phẩm giảm 11 đồng/kg sản phẩm so với cách làm cũ... Vì vậy, việc trồng cỏ Mulato II theo quy trình cải tiến kỷ thuật này đã cho năng suất, hàm lượng dinh dưỡng cao làm nguồn thức ăn thô xanh, giúp chủ động nguồn thức ăn quanh năm, góp phần đưa ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện càng hiệu quả hơn và bền vững và làm tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Mặt khác, việc giảm bón phân vô cơ và tăng cường bón phân chuồng có nguồn gốc hữu cơ trong quá trình chăm sóc cỏ MulatoII ở vùng đất triền gò tại Củ Chi sẽ làm cho đất tơi xốp, không bị chai cứng. Mặt dù giá thành phân chuồng hữu cơ cao hơn giá phân vô cơ nhưng sử dụng một lượng lớn phân chuồng để bón cho cỏ đã góp phần giải quyết tốt vấn nạn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi từ nguồn phân chuồng không được tiêu thụ hết trong thời gian qua.
Từ những lợi ích thiết thực đó, người trồng cỏ nuôi bò sữa hài lòng trên 80%. Hiện nay, đã có thêm 6 hộ chăn nuôi với diện tích trồng cỏ MulatoII trên 1,2 ha tham gia nhân rộng và thành công với cách làm mới này.
Kim Hạnh – Trạm KN Củ Chi