Góc nhìn chuyên gia

Công nghệ sinh học trong chăn nuôi - Cơ hội và thách thức trên thế giới hiện nay
Ứng dụng CNSH trong chăn nuôi sẽ góp phần “nuôi dưỡng” con người trong thế kỷ 21: Theo FAO, các quốc gia châu Á hiện có khoảng 3,3 tỷ người và sản xuất ra 17g protein động vật/người/ngày. Trong khi tại Mỹ, trung bình một người tiêu thụ khoảng 65-70g protein động vật/ngày. Ước tính, nhu cầu đạm động vật trên toàn thế giới là khoảng 55g/người/ngày. Không thể sử dụng các kỹ thuật chăn nuôi trong những năm 1940’s để cung cấp đủ nhu cầu đạm động vật cho gần 7,4 tỷ người như hiện nay. Dân số thế giới tiếp tục tăng nhanh đến mức khoảng 8 tỷ vào năm 2020 và 10 tỷ vào năm 2030, vì vậy nhu cầu thịt, trứng, sữa ngày càng gia tăng. Trong khi đó, nếu ứng dụng CNSH trong chăn nuôi, chúng ta có thể nhanh chóng cải thiện khả năng sinh trưởng, sản xuất và sinh sản của gia súc, từ đó không những sản xuất được nhiều sản phẩm chăn nuôi có giá trị dinh dưỡng cao (thịt, trứng, sữa) mà còn có thể sản xuất ra những chế phẩm sinh học có giá trị trong lĩnh vực sức khoẻ con người.

 

Những lĩnh vực mới trong CNSH chăn nuôi:

Kỹ thuật tái tổ hợp DNA (recombinant DNA technique): là kỹ thuật hiện đại cho phép thiết kế và chuyển những gien lạ vào trong cơ thể của gia súc, vì vậy cho phép chúng ta điều khiển hoặc tạo ra những tính trạng đặc biệt trên gia súc. Kỹ thuật tái tổ hợp DNA lần đầu tiên được thực hiện trên E. Coli vào năm 1973, cho đến nay sau hơn 30 năm nghiên cứu và phát triển, kỹ thuật này đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: nuôi cấy tế bào, thay đổi gien mục tiêu trên gia súc, chế tạo ra những dược phẩm chỉ tác động lên những mô hay cơ quan bị bệnh, sản xuất những chế phẩm vi sinh tiêu huỷ các hoá chất gây hại cho môi trường...

Genomics: ngày nay người ta đã giải mã được toàn bộ bản đồ gien của người và một số gia súc. Điều này đã cung cấp những hiểu biết chưa từng có trong lĩnh vực di truyền học và cơ chế tế bào liên quan đến sự sinh sản, sinh trưởng và bệnh tật. 

Chuyển gien (Transgenic): trong lĩnh vực này, người ta hy vọng sẽ tạo ra những gia súc có thể sản xuất ra những sản phẩm (trứng, sữa...) có giá trị cao sử dụng như những dược phẩm hữu ích cho con người. Protein C, tác nhân gây đông máu, được sản xuất từ những con bò biến đổi gien (do các nhà nghiên cứu Genpharm tạo ra) hay protein giúp điều trị chứng nang xơ hoá được sản xuất từ những con dê biến đổi gien... là những ví dụ điển hình cho sự hữu ích của kỹ thuật này.

Nhân bản gia súc (Animal Cloning): sau khi đã tạo được những gia súc mong muốn, có thể sản xuất những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có giá trị như những dược phẩm hữu ích, người ta hy vọng sẽ nhân đàn gia súc này một cách nhanh chóng và chính xác (về mặt di truyền) thông qua kỹ thuật nhân bản. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng được kỳ vọng trong việc sản xuất ra những cơ quan cần thiết cho việc ghép tạng nhằm phục vụ cho việc điều trị bệnh trên người.

Khả năng thương mại hoá trong lĩnh vực CNSH chăn nuôi

Trong thế kỷ 21, cần chú trọng việc thương mại hoá các sản phẩm ứng dụng từ CNSH. Nguời ta nhận thấy các sự kiện mới trong lĩnh vực này như: việc phát hiện ra một hormone mới, một gien mới hay một phương pháp CNSH mới trong lĩnh vực phục vụ sức khoẻ con người... dường như đều liên quan đến cơ hội đầu tư mới. VD điển hình khi Cty Geron Corp. vừa công bố nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc từ phôi người, có thể sử dụng để phát triển thành các cơ quan nội tạng phục vụ cho việc điều trị thay thế, ngay sau đó giá cổ phiếu của công ty này đã tăng lên 2,5 lần, trong khi giá cổ phiếu trên thị trường đang ổn định và có chiều hướng suy giảm. Theo ước tính, thông qua mạng lưới thương mại nông nghiệp, các sản phẩm CNSH sẽ thâm nhập vào cuộc sống của khoảng 60-70% dân Mỹ với tốc độ rất nhanh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, những nhà chăn nuôi trẻ nếu có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực tế bào, sinh học phân tử, tin-sinh học cũng như kỹ năng tính toán, sử dụng máy vi tính sẽ có tương lai rất tươi sáng. Trong thế kỷ này, sẽ có áp lực cao đối với các chủ trang trại trong việc ứng dụng công nghệ cao (như CNSH) để có thể tồn tại được. Việc thành lập các doanh nghiệp thương mại-nông nghiệp đòi hỏi có nhiều bộ phận quan trọng như: kinh tế, quản lý, tiếp thị... nhưng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ đóng vai trò chủ chốt.

 

Sự cần thiết kết hợp giữa các đơn vị nghiên cứu và các đơn vị kinh doanh

Nghiên cứu trong lĩnh vực CNSH (và cả những lĩnh vực khác) đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn và lâu dài. Đa số công việc thực hiện tại các cơ quan nghiên cứu đều nhận sự đầu tư từ các cơ quan nhà nước. VD ở Mỹ các cơ quan nghiên cứu (nông nghiệp) sẽ nhận được kinh phí đầu tư từ các cơ quan nhà nước như Tổ chức khoa học quốc gia (NSF), Viện sức khoẻ quốc gia (NIH), Bộ Nông nghiệp liên bang... Ở Việt Nam, tình hình cũng tương tự, các nhà khoa học tại cơ quan nghiên cứu cũng phải cạnh tranh (theo cơ chế đầu thầu đề tài) để có thể nhận được kinh phí từ Bộ/Sở Nông nghiệp và PTNT hay Bộ/Sở Khoa học & Công nghệ...Vì vậy, sẽ có cạnh tranh giữa các nhà khoa học để có thể nhận được nguồn kinh phí này. Tuy nhiên, khả năng đạt lợi nhuận cao từ các nghiên cứu CNSH đã hình thành sự liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu và các đơn vị kinh doanh và đây cũng là cơ hội tốt để tạo ra một nguồn đầu tư mới cho lĩnh vực nghiên cứu này. Sự liên kết này là cơ hội tốt để phát triển kỹ thuật mới, nhanh chóng chuyển giao các kết quả (nghiên cứu) cho các thành phần kinh tế khác và nhanh chóng được thương mại hoá để phục vụ nhiều người hơn. Sự liên kết giữa 2 đối tác này đòi hỏi phải chú ý đến một số vấn đề như: bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị đầu tư của hai bên... Sự liên kết này hữu ích cho cả hai bên: các đơn vị kinh doanh có thể giảm bớt vốn đầu tư vào việc mua sắm thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực, đây vốn là 2 yếu tố sẵn có tại các cơ quan nghiên cứu; Trong khi đó các cơ quan nghiên cứu có thêm nguồn kinh phí để nâng cấp các thiết bị sẵn có, để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu (nhưng thực tiễn hơn vì buộc phải có sản phẩm cụ thể, có khả năng thương mại hoá) và cải thiện nguồn thu nhập.

Lược dịch: TS. Chung Anh Dũng

Nguồn: iasvn.org
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác