Kinh tế - Thị trường
Bầu Đức: “Tin đồn Hoàng Anh Gia Lai vỡ nợ đầy ác ý”
5 tháng nay, cổ phiếu HAGL (HAG) trải qua nhiều biến động, từ giá 23.500 đồng đầu năm, chốt phiên ngày 2/6 HAG chỉ còn 17.500 đồng một cổ phiếu. Có thời điểm mã này lùi sâu dưới vùng 17.000 đồng, thấp nhất kể từ năm 2013. Doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều tin đồn và dự báo bất lợi. Đầu tiên là vụ bán hụt 50% cổ phần Công ty HAGL Land trị giá 275 triệu USD cho Rowsley - công ty bất động sản do tỷ phú Peter Lim (Singapore) đồng sở hữu. Thương vụ bất thành này đã khiến một số nhà đầu tư lo ngại doanh nghiệp có thể đuối vốn khi "một mình một ngựa" phát triển dự án lớn. Bởi lẽ trong bối cảnh địa ốc Myanmar nóng sốt, bong bóng bất động sản có thể đe dọa bất cứ lúc nào. Kế đến là báo cáo tài chính quý I/2015 của doanh nghiệp chưa có nguồn thu từ bò trong khi hàng nghìn tỷ đồng đang đổ vào đàn đại gia súc với kỳ vọng siêu lợi nhuận.
Sản phẩm bò thịt của HAGL hợp tác với Vissan được công bố trước Tết Ất Mùi nhưng 2015 chưa thấy ghi nhận dòng tiền. Một số ý kiến đặt dấu hỏi về tính khả thi và thanh khoản của đàn bò. Vấn đề được đẩy lên cao độ khi ngày 30/5, Công ty Chứng khoán Hùng Vương (HVS) đưa ra nhận định về những khó khăn của HAG trong ngắn hạn với khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng nhằm mục đích “gợi ý HAG tái cấu trúc các khoản nợ, tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư”. Sau báo cáo này, thị trường xuất hiện tin đồn HAGL có thể vỡ nợ. Trao đổi với VnExpress, người đứng đầu Tập đoàn HAGL khẳng định: "Những tin đồn và dự báo thiếu cơ sở thực tế trong thời gian qua đều là suy luận đầy ác ý, gây thiệt hại cho 16.000 cổ đông của công ty. Doanh nghiệp đã báo cáo thực trạng này để cơ quan chức năng xử lý". Giải thích về tính khả thi và thanh khoản của đàn bò, người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cho biết quy mô đàn bò hiện nay là 100.000 con và vẫn tiếp tục nâng số lượng đàn lên thành 150.000 vào cuối năm nay. Năm 2016 sẽ tăng quy mô lên gấp đôi. Các cơ sở vật chất phục vụ đàn bò đã hoàn thiện và nguồn thức ăn đều sẵn sàng. Việc phát triển và mở rộng mạng lưới tiêu thụ đang vào guồng. Đối tác lớn nhất từ bò thịt là Vissan nhưng cũng có các đơn vị tiêu thụ ở nhiều địa bàn trong nước và các thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia, Trung Quốc). Đối tác chiến lược về bò sữa là Nutifood hiện cũng đã xây dựng và lắp ráp xong các khâu cơ bản của nhà máy ở Gia Lai, dự kiến tháng 8/2015 sẽ khánh thành và đi vào hoạt động. Hiện nay các sản phẩm từ bò sữa đã ra những mẻ đầu tiên chuyển về nhà máy tại Bình Dương của Nutifood sản xuất. "Lý do chưa ghi nhận doanh thu từ bò vào quý I/2015 vì tập đoàn muốn dồn dòng tiền này cho quý II. Từ quý II trở đi là thời điểm chín muồi bò xuất chuồng đạt chuẩn với số lượng lớn, lợi nhuận sẽ đều đặn và tăng dần đến cuối năm", ông Đức nói. Trả lời về các khoản dư nợ, bầu Đức phản biện: "Có ai kinh doanh mà không nợ? 20 năm qua tập đoàn chưa bao giờ trễ hạn thanh toán nợ. Thêm nữa, tổng nợ 18.000 tỷ đồng vẫn chưa thấm vào đâu so với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng của doanh nghiệp". Ông Đức phân tích, hầu hết các tài sản của công ty nếu tiến hành định giá theo chuẩn mực quốc tế (giá thị trường), tổng giá trị chắc chắn lớn hơn rất nhiều lần. Riêng 7.000 tỷ đồng nợ trái phiếu và nợ ngân hàng đến hạn trong năm nay về cơ bản đã được kiểm soát. Các trái chủ đều đồng thuận gia hạn thêm 2 năm vì quyền lợi chung. "Tin đồn tập đoàn có nguy cơ vỡ nợ là đầy ác ý. Nếu đọc kỹ báo cáo tài chính và chịu khó khảo sát thực tế, phải khẳng định rằng tình hình kinh doanh của HAGL đáng mơ ước", ông Đức khẳng định.
Trở lại với nỗi lo bong bóng bất động sản ở Myanmar, Chủ tịch HAGL tuyên bố: "Chúng tôi đâu phải là tay mơ không biết gì về địa ốc. Vì đề phòng bong bóng bất động sản, tập đoàn đã chạy đua tiến độ và tranh thủ khai thác dự án trong giai đoạn thị trường này vẫn còn nóng ấm". Bầu Đức trần tình, khu phức hợp tại Mynamar là trường hợp cá biệt. Quỹ đất mua được với giá cực rẻ, nếu chỉ bán đất, tập đoàn đã lời gấp nhiều lần. Giá thành mỗi m2 bất động sản tại Myanmar gồm chi phí đất, xây dựng và nhân công đều rẻ nên doanh nghiệp không lo ngại bong bóng địa ốc. Cuối quý II/2015, giai đoạn một của dự án sẽ đi vào hoạt động. Văn phòng cho thuê giá 62 USD một m2 mỗi tháng, trung tâm thương mại 45-50 USD một m2, tỷ lệ khách thuê từ 80% trở lên. Riêng căn hộ, tập đoàn đang xây nhà mẫu, sẽ ra mắt vào tháng 6 và đã có hơn 50 khách hàng giữ chỗ. Giá bán cạnh tranh (2.700 USD mỗi m2) so với khu trung tâm Yangon (3.000-4.000 USD một m2).
Sau báo cáo phân tích về động thái của các trái chủ nắm giữ các loại trái phiếu sắp đến hạn của HAGL trong năm 2015 tổng cộng khoảng 7.000 tỷ đồng, kèm khuyến nghị hướng xử lý với những thông tin bị cho là "dễ gây hiểu lầm", Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hùng Vương, Nguyễn Nhật Minh Triều đã phát đi công văn mới ngày 2/6. Nội dung văn bản này cho biết dự báo của HVS chỉ đánh giá khó khăn trong ngắn hạn của HAGL. Tuy nhiên thông tin này đã bị thổi phồng thành một kịch bản đầy rủi ro và lan truyền nhanh trên các diễn đàn. Ông Triều khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng trước khi bán cổ phiếu HAG với giá rẻ để tránh thiệt hại. Tổng giám đốc HVS giải thích thêm, mặc dù nợ của HAGL khá lớn nhưng không đáng kể so với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng, đặc biệt tài sản này chưa được định giá theo giá thị trường. Ví dụ: 100.000 hecta cao su, cọ dầu, bắp, mía trên báo cáo tài chính chỉ có giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng giá thị trường tối thiểu là 20.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị sổ sách. Tương tự khu phức hợp Myanmar và nhiều dự án khác cũng đang bị định giá thấp hơn giá trị thật. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá: "Món nợ trái phiếu 4.230 tỷ đồng có lợi cho doanh nghiệp hơn nợ ngân hàng. Trái chủ của HAGL đồng ý gia hạn trái phiếu là diễn biến hợp lý. Các nhà đầu tư dài hạn đồng hành với doanh nghiệp cũng là bảo vệ quyền lợi của chính họ". Tổng nợ của HAG là 18.000 tỷ đồng vẫn nằm trong ngưỡng an toàn có thể cân đối với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng.
Tính đến quý I/2015 các chủ nợ vẫn yên tâm về tài sản đảm bảo. Các dự án của HAGL gồm: mía đường, cao su, bò, bất động sản ở Myanmar không thể cho lợi nhuận ngay lập tức vì quy mô rất lớn, vốn dài hạn. Song, đây cũng là khối tài sản tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai. Theo ông Hiển, khuyết điểm của HAG là đã tự làm khó mình khi hàng năm đều đầu tư ngành mới có chu kỳ dài, vốn lớn. Trong quá trình triển khai những dự án này có thể gặp một số khó khăn nhất định do biến chuyển bất ngờ của nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên đây chỉ là diễn biến ngắn hạn. Chuyên gia này nhận xét, với cấu trúc tài chính hiện nay, HAGL có nhiều đối sách để tìm lại phong độ trước đây. Đó là tìm đối tác chiến lược mới đủ lớn để cùng chia sẻ gánh nặng tài chính. Hoặc là tiến hành định giá các dự án đầu tư tốt để chuyển giao (bán bớt một phần) giúp tăng dòng tiền cho công ty mẹ.
Theo VnExpress