Kinh tế - Thị trường
Có tiếp tục áp trần giá sữa?
Bộ Tài chính không loại trừ các giải pháp hành chính để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: internet.
Tham gia buổi làm việc giữa Bộ Tài chính với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) ngày 16-3, bà Audrae Erickson - Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại và cộng đồng của hãng sữa nổi tiếng Mead Johnson bày tỏ sự trân trọng trước những thông điệp, cam kết đầu năm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo một thị trường hoạt động và định giá theo những nguyên tắc của thị trường để cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể tham gia.
Tuy nhiên, đại diện Mead Johnson cho rằng, quyết định áp trần giá sữa (theo Quyết định số 1079/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi) mà Bộ Tài chính đưa ra đã khiến công ty này bị ảnh hưởng nặng nề.
Vị này mong được nghe hướng đi và suy nghĩ của cơ quan quản lý về vấn đề này sau khi việc áp trần giá sữa hết hạn vào tháng 5-2015. “Liệu có quay trở lại việc định giá theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo công bằng bình đẳng cho tất cả các bên hay không?” – bà Audrae đặt câu hỏi.
Đáp lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng ý với quan điểm phải định giá theo thị trường nhưng việc kinh doanh theo thông lệ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng hết sức quan trọng.
Đối với sản phẩm sữa, người tiêu dùng là trẻ em dưới 6 tuối - đối tượng rất nhạy cảm. Hiện nay, Việt Nam có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi trên tổng số 90 triệu dân. Do vậy, lợi ích của đối tượng này rất quan trọng, được cả thế giới quan tâm chứ không riêng Việt Nam.
Vấn đề cần quan tâm là “các công ty phải giải thích cho chúng tôi, hay nói cách khác là giải thích cho người tiêu dùng biết, vì sao sản phẩm sữa cùng chủng loại, cùng trọng lượng, cùng tiêu chuẩn ở các nước trong khu vực lại có giá bán thấp hơn nhiều so với giá bán tại Việt Nam” – Bộ trưởng nêu.
Tình trạng nói trên càng khó hiểu khi hiện nay, Việt Nam là một đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. “Có doanh nghiệp giải thích rằng đó là chiến lược kinh doanh. Theo tôi, ở một đất nước có thu nhập càng thấp, giá sản phẩm phải càng rẻ mới đúng, mới phát triển được thị trường. Điều này chúng tôi không giải thích được nên buộc phải xử lý bằng các biện pháp hành chính theo pháp luật Việt Nam” - Người đứng đầu ngành Tài chính phân tích.
Để bình ổn giá sản phẩm này, Bộ Tài chính đã thực hiện áp trần bắt đầu từ 1-6-2014. Việc áp dụng biện pháp này hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật của Việt Nam.
“Bản thân tôi không muốn đưa ra quyết định này nhưng buộc phải làm vì quyền lợi của người tiêu dùng là trẻ em dưới 6 tuổi. Quyết định này đã được toàn dân, Quốc hội, giới truyền thông, dư luận ủng hộ tuyệt đối và cũng nhận được sự đồng tình, chia sẻ của các đại sứ Australia, Hoa Kỳ và New Zealand” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, cách đây hơn 1 năm, khi phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Bộ Tài chính đã cam kết sẽ xem xét đầy đủ, khách quan, đảm bảo thông lệ, đảm bảo luật pháp; trong đó không loại trừ các giải pháp như áp trần giá sữa hay xem xét lại hạn ngạch nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vài tháng gần đây, giá sữa nguyên liệu đang giảm rất sâu nhưng giá sản phẩm tại Việt Nam vẫn chưa giảm. Tương tự như thời điểm này năm trước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi và nếu cần thiết sẽ có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên. Nếu các hãng sữa có thể đưa giá sữa Việt Nam tương đồng với giá sữa trong khu vực, cơ quan quản lý sẽ không cần phải tiếp tục sử dụng biện pháp áp giá trần để bình ổn giá mặt hàng đặc biệt này.