Kinh tế - Thị trường
Cuộc chiến bò sữa: Bắt tay với nông dân, FCV - IDP có sức đấu?
Liệu mô hình liên kết này có giúp FCV và IDP tiếp tục "thành danh", khi những "lùm xùm" xung quanh chuyện "đổ sữa" đang khiến cho người dùng có cái nhìn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội của DN?
Nhắm đến các trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô gia đình, chỉ từ 50 - 80 bò sữa/trại, khác hẳn với quy mô trang trại khổng lồ từ 500 - 1.000 bò sữa/trại, FCV đã mở rộng đầu tư để xây dựng ba vùng chăn nuôi bò sữa, với mô hình hợp tác công - tư trong năm 2014.
Đua đầu tư vào nông dân
Hà Nam được chọn là địa phương để FCV phát triển đàn bò, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có khoảng 2.200 con và 800 con tại trang trại của FCV, cung cấp khoảng 7000 tấn sữa.
Mục tiêu, đến năm 2018, FCV sẽ xây dựng 3 vùng chăn nuôi bò sữa tập trung, mỗi vùng có khoảng 50 trang trại, sản xuất tối thiểu 7 triệu kg sữa mỗi năm. Trong đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ về vốn vay, lãi suất, thức ăn chăn nuôi, công trình phụ trợ… còn FCV "đảm nhiệm" một phần mảng giống cỏ và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí chăn nuôi nông hộ.
Mô hình này nằm trong chương trình phát triển ngành sữa của FCV được triển khai trong suốt 18 năm qua, với số lượng đàn bò hiện lên đến 35.000 con, và FCV đang là DN nắm thị phần lớn thứ 2 trên thị trường sữa nước Việt Nam.
Cũng lựa chọn cách đầu tư vào người nông dân, IDP cũng không tự phát triển đàn bò mà phần lớn đều phụ thuộc vào việc thu mua nguyên liệu từ người nông dân. Không có nhiều tiềm lực như các đại gia nội Vinamilk, TH true Milk hay hãng ngoại FCV, song IDP lại gây chú ý trên thị trường bởi thương vụ đầu tư lên tới 45 triệu USD của Quỹ đầu tư VinaCapital Vietnam Opportunity Fund và Công ty Daiwa PI Partners vào cuối năm ngoái.
Để phát triển đàn bò, IDP đã đầu hơn 600 tỷ đồng giúp nông dân nuôi bò từ năm 2008, nay đã có hơn 4.000 hộ chăn nuôi và tổng đàn bò khoảng 17.000 con. Dự kiến đến năm 2020, IDP sẽ hợp tác thu mua sữa tươi từ đàn bò lên tới 50.000 con, sản lượng sữa trung bình từ 400 - 500 tấn/ngày.
Riêng tại miền Bắc, DN này đã phát triển 6 trạm thu mua sữa của 17.000 con bò, và đang có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu đến miền Trung và miền Nam trong thời gian tới.
Phát triển đàn bò dựa vào người nông dân là chiến lược phù hợp nhằm giúp DN tiết giảm được chi phí, giảm được rủi ro và tận dụng lợi thế sản xuất chăn nuôi bò sữa của Việt Nam là phát triển theo quy mô hộ gia đình.
Cùng với hoạt động đầu tư cho người nông dân, số lượng thu mua sữa của các DN cũng ngày càng tăng lên, kéo theo việc gia tăng thị phần cho các dòng sản phẩm sữa tươi.
Với FCV, trong năm 2014, sản lượng thu mua sữa tươi đạt khoảng 102,4 triệu kg, tăng 24% so với năm 2013. Đây cũng là DN có thị phần đứng thứ hai trên thị trường, với khoảng 26% cho dòng sản phẩm sữa nước, trong đó sữa Cô Gái Hà Lan có vị trí chủ lực.
IDP với hai thương hiệu Lovein Farm và Ba Vì, thu mua mỗi ngày 50 - 70 tấn sữa. Hiện, sản phẩm chiếm thị phần lớn nhất của IDP là sữa chua, với 15% và chỉ đứng sau Vinamilk.
Bất ổn mô hình liên kết
Tuy nhiên, dù liên kết với nông dân, hay việc tự đầu tư trang trại, ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc IDP, cho rằng cả hai mô hình này đều "bất ổn". Hiện mới chỉ có TH true Milk và Vinamilk đầu tư trang trại riêng, nên những bất ổn đằng sau đó, có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu được.
Với mô hình liên kết cùng nông dân, những bất ổn đã lộ rõ khi thời gian qua, hàng loạt các hộ chăn nuôi liên tục "tố" các DN "đột ngột" giảm thu mua sữa, khiến người nông dân phải đổ sữa ra đường.
Cùng với Vinamilk, hai cái tên có hệ thống liên kết khá lớn với người nông dân trên thị trường sữa là FCV và IDP cũng bị "tố" bỏ mặc nông dân. Trong khi FCV đưa ra các lý do như áp dụng tiêu chuẩn thu mua mới cho sữa nguyên liệu và chỉ thu mua với số lượng nhất định, thì IDP cho biết do khu vực nông dân đổ sữa (Gia Lâm) không phải là vùng nguyên liệu của công ty, nên DN "từ chối" thu mua.
Sự đứt gẫy trong liên kết giữa người chăn nuôi và các DN thu mua, sản xuất sữa chính là minh chứng cho những "bất ổn" mà ông Minh đã nhận định.
Bất ổn lớn nhất chính là chi phí giá thành sản xuất sữa tại Việt Nam còn cao, trong khi năng suất lại thấp hơn so với nhiều nước. Ông Lưu Văn Tân, Giám đốc Dự án Phát triển ngành sữa của FCV, cho biết những người nuôi bò sữa quy mô nông hộ không thể mua cám trực tiếp của các nhà máy, mà phải mua qua 2 - 3 cấp đại lý, khiến cho giá cám tăng 5 - 7%.
Điều tra của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Tp.HCM cũng cho thấy, chỉ những hộ tự trồng cỏ và tự vắt sữa mới có lợi nhuận tương đối, khoảng từ 873 - 1.994 đồng/kg, còn nếu phải thuê ngoài thì lợi nhuận tương đối thấp, thậm chí thua lỗ.
Trong khi đó, giá sữa nhập khẩu luôn ở mức thấp hơn so với giá nguyên liệu sản xuất trong nước, cá biệt thời điểm vừa qua chỉ còn hơn 6.000 đồng/lít. Theo nhiều chuyên gia, đây là lý do khiến cho nhiều DN thu mua sữa "quay lưng" lại với nông dân để gia tăng lợi nhuận từ việc giá nguyên liệu thế giới giảm.
Sản xuất sữa tươi năm 2014 đạt khoảng 550 triệu lít, trong đó có khoảng 20% làm sữa chua, còn lại 450 triệu lít đưa vào sản xuất sữa tươi. Tuy nhiên, tổng nguồn cung sữa nước ra thị trường lên tới 914 triệu lít, có tới hơn một nửa là sữa bột hoàn nguyên.
Tiêu dùng sữa bột năm 2014 cũng lên tới 81.000 tấn, tương đương khoảng 700 triệu lít, và 72% sản phẩm tiêu dùng hiện nay là từ sữa bột. Với mức chênh lệch của giá thu mua trong nước và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu như vậy, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch HIệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng rõ ràng DN thích mua sữa bột hơn là sữa tươi của nông dân, do giá sữa bột giảm tới 52% nên việc nhập sữa bột để hoàn nguyên ra sữa nước sẽ rẻ hơn nhiều. Trong khi đó, những quy định của nước ta về sữa nước và sữa bột hoàn nguyên trên bao bì sản phẩm còn chưa đầy đủ.
Câu chuyện người nông dân đổ sữa và chịu thiệt thòi khi "bắt tay" với DN đã đặt ra những vấn đề bất cập trong mô hình sản xuất liên kết. Trong khi người nông dân tố DN "quay lưng" với họ, thì DN lại đổ cho người nông dân không thực hiện đúng hợp đồng.
Song dù là lỗi tại ai, thì rõ ràng những người yếu thế là nông dân vẫn chịu thiệt thòi nhất. Và những bất cập trong mô hình liên kết này, chắc chắn một lần nữa, những nhà quản lý của FCV hay IDP phải "nghĩ" lại để mang lại hiệu quả trong kinh doanh, và tránh cái nhìn khắt khe của dư luận về trách nhiệm xã hội của DN với người nông dân.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục chăn nuôi Việt Nam |
Theo TBKD