Kinh tế - Thị trường

Đại dịch Covid-19: Ngành sữa vẫn ăn nên làm ra

Dù Covid-19 làm suy giảm nhiều lĩnh vực kinh tế, ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng ngành sữa trong nước lại không bị chi phối nhiều. Hoạt động nhập khẩu, sản xuất sữa và sản phẩm từ sữa trong nước vẫn được duy trì, tăng trưởng...

 Báo cáo thị trường sữa tháng 3 và dự báo tháng 4 của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, ngành sữa trong nước vẫn đang phát triển tốt giữa mùa đại dịch  Covid-19.

 

Nhiều biến động

 

Theo công ty nghiên cứu sản phẩm sữa và thực phẩm CLAL, trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng sữa tại các nước sản xuất chính trên thế giới đều giảm do tác động của thời tiết bất lợi. Và một phần khác, sản xuất cũng giảm tốc bởi nhu cầu giảm.

 

Tại New Zealand, sản xuất sữa tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi hạn hán kéo dài ở nước này. Sản lượng sữa trong tháng 2 giảm 23,6% xuống mức 1,87 triệu tấn so với tháng đầu năm 2020. Trong tháng 2, nhập khẩu sữa của Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid-19 khiến giao thương và vận tải đình trệ.

 

Tại EU, hoạt động sản xuất sữa trong các nhà máy bị gián đoạn do Covid-19 lây lan khắp châu lục. Hoạt động xuất khẩu sữa của khu vực châu Âu sang các thị trường khác cũng bị chững lại.

 

dai dich covid-19: nganh sua van an nen lam ra hinh anh 1

Sản lượng sữa tại các nước sản xuất chính trên thế giới đều giảm do thời tiết và dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Vy

 

 

Tại Mỹ, sản lượng sữa trong tháng 2 đạt 8,12 triệu tấn; giảm 4,7% so với tháng 1. Đến tháng 3, dù chứng kiến nhu cầu tăng mạnh các loại thực phẩm cơ bản như sữa trong mùa dịch Covid-19 nhưng chuỗi cung ứng sữa hứng chịu một loạt gián đoạn ngăn cản nông dân chăn nuôi bò sữa tại Mỹ đưa sản phẩm ra thị trường.

 

Việc đóng cửa một loạt nhà hàng, trường học tại Mỹ buộc chuỗi cung ứng sữa nước này phải chuyển đột ngột từ bán buôn sang các cửa hàng tạp hóa bán lẻ. Việc này tạo ra cơn ác mộng về hậu cần và đóng gói cho các nhà máy chế biến sữa, bơ và phô mai.

 

Các nông dân, nhà phân phối thực phẩm ngành công nghiệp sữa tại Mỹ cho biết, việc kinh doanh sữa bị ảnh hưởng nặng nề và sớm hơn có các mặt hàng nông sản khác. Bỡi vì sữa khó bảo quản, không thể đông lạnh như thịt hoặc trữ trong nhà kho như ngũ cốc.

 

Trên sàn giao dịch sữa thế giới (Global Dairy Trade), giá sữa trung bình trong 2 phiên giao dịch tháng 3 đều sụt giảm và đánh dấu tháng thứ 2 giảm liên tiếp. Mức giá giao dịch trung bình trong tháng 3 là 3.049 USD/tấn; giảm 4,7% so với tháng 2.

 

Trong nước tăng trưởng

 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 3 tháng đầu năm, các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa được tiêu dùng mạnh ở trong nước. Người tiêu dùng Việt Nam tại khu vực thành thị, nhất là ở các thành phố lớn có xu hướng mua dự trữ 3 nhóm hàng hóa.

 

Một trong số đó là các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em với tỷ lệ rủi ro dịch bệnh cao. Do đó, sữa bột và sữa chua là những mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên nhằm tăng cường sức khỏe.

 

dai dich covid-19: nganh sua van an nen lam ra hinh anh 2

Khách hàng lựa mua sữa trong siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Vy

 

Tại quận Thủ Đức (TP.HCM), chị Nguyễn Mỹ Tú kể: "Nhà có 2 con trai đang tuổi đi học. Nay các con đều không đến lớp, các cử sữa trong ngày đều uống ở nhà và lượng tiêu thụ cũng tăng hơn so với ở trường, chưa kể các sản phẩm phô mai, sữa chua khác. Tuy nhiên việc ra ngoài thường xuyên hơi bất tiện nên tôi phải tranh thủ mua nhiều mỗi khi có dịp”.

 

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 3, ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa tăng trưởng khả quan, đạt mức 10,4%. Các doanh nghiệp sữa và siêu thị đã tăng lượng hàng hóa dự trữ tại kho lên từ 30-50%. Dự báo, nguồn cung sản xuất trong nước và nhập khẩu tiếp tục dồi dào đảm bảo đủ cung cấp cho người dùng.

 

Từ đầu năm đến nay, giá sữa thế giới cũng không biến động mạnh; thậm chí giảm do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đây là yếu tố giúp ổn định giá nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước và giúp giá sữa trong nước sẽ tiếp tục ổn định, Bộ Công Thương đánh giá.

 

Trong cuộc họp thảo luận về tác động của Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) hồi đầu tháng 4, công ty này cho biết, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vẫn tích cực trong 2 tháng đầu năm. Chưa có đánh giá cụ thể cho tháng 3, song Vinamilk đã chốt xong giá sữa nguyên liệu để sản xuất trong quý II.

 

Vinamilk đang quản lý 12 trang trại với 30.000 con bò. Trong quý II, công ty này sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động trang trại bò sữa Quảng Ngãi và dự kiến xây dựng thêm các trang trại bò sữa tại Đồng Nai, Cần Thơ và Lào.

 

Đại gia khác trong ngành sữa là Tập đoàn TH cũng đang sở hữu khoảng 45.000 con bò sữa và sản xuất khoảng 40% sữa tươi của Việt Nam. Kế hoạch năm 2020, TH sẽ nhập khẩu tổng đàn 4.500 con. Dự kiến đến cuối 2021, tổng đàn bò sữa của TH sẽ đạt đến 70.000 con.

 

Tổng cục Thống kê cho biết, quý I năm nay, sản lượng sữa tươi sản xuất đạt 382,1 triệu lít; tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số sản xuất của ngành này cũng tăng 1,8% so với cùng kỳ. Sản lượng sữa trong nước dồi dào được đánh giá sẽ giúp đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng sữa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19.

 

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa trong nước duy trì đà tăng trưởng, cho thấy dịch Covid-19 không chi phối nhiều. Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ chốt vẫn tăng trưởng khá, như trong tháng 2 đã đạt hơn 105 triệu USD; tăng 28% so với tháng 1 và tăng 8,4% so với tháng 2 năm ngoái. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,5 triệu USD; tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác