Kinh tế - Thị trường
Doanh nghiệp Việt Nam “xuất ngoại”
Vốn đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh
Phân tích từ Bộ KH-ĐT cho thấy, vốn đầu tư của DN Việt ra nước ngoài đã tăng nhanh, từ mức 350 triệu USD (năm 2017) lên 432 triệu USD (năm 2018) và gần 500 triệu USD năm 2019. Lũy kế cho đến nay, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài đã đạt hơn 22 tỷ USD.
Riêng trong năm 2019, có 148 dự án được cấp mới giấy chứng nhận với tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD và 29 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là hơn 100 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ dẫn đầu khi đạt 118,2 triệu USD, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư. Số còn lại tập trung chủ yếu các lĩnh vực mà Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế trên thị trường thế giới như nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 65,6 triệu USD, chiếm 14,3%.
Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng chiếm lượng lớn với vốn đầu tư đạt 59,3 triệu USD, chiếm 12,9% khi các DN đã bước đầu vươn ra thị trường các nước lân cận. Điều đáng nghi nhận nữa là tuy Việt Nam chưa được đánh giá cao về phát triển ngành công nghệ cao nhưng tổng vốn đầu tư tham gia hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ ở nước ngoài cũng đã đạt con số 60 triệu USD, chiếm 13,1%...
Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Vinamilk, chia sẻ năm 2013 Vinamilk mua 70% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ). Sau đó, công ty đã đầu tư thêm 10 triệu USD và nâng quyền sở hữu nhà máy lên 100%. Sau 5 năm kinh doanh, đến năm 2018, tổng doanh thu của Vinamilk từ nhà máy Driftwood đã đạt hơn 116,2 triệu USD, tương ứng khoảng 2.674 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinamilk đang nắm quyền sở hữu 100% nhà máy sữa Angkor tại Campuchia, nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand) và một số công ty con tại Ba Lan… Hiện sữa và các sản phẩm từ sữa của Vinamilk đã xuất khẩu đi 50 quốc gia với kim ngạch ước đạt gần 2,5 tỷ USD.
Chắc chân thị phần
Việc DN Việt Nam “xuất ngoại” không những giúp mở rộng thị phần tiêu thụ mà còn có cơ hội chuyển đổi nhanh công nghệ sản xuất, tiếp cận gần và nhanh hơn trình độ khoa học kỹ thuật từ các nước phát triển trên thế giới. Ở góc độ khác, việc đầu tư ra nước ngoài giúp DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh do tránh được các rào cản thuế quan và phi thuế quan mà nhiều nước trên thế giới đang đặt ra, nhất là trong bối cảnh hàng loạt nước ký kết hiệp định thương mại tự do với nhau. Đặc biệt, giúp DN có thể tận dụng tốt lợi thế phát triển sản phẩm đặc thù quốc gia.
Hiện đã có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận đã có vốn đầu tư của DN Việt. Dẫn đầu là Australia, kế đến là Mỹ, Tây Ban Nha, Campuchia và Singapore… Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng BIDV, Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai, Tập đoàn TH True milk, Tập đoàn Hóa chất... |
Mặc dù vậy, theo đại diện Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn bị đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Nguyên nhân là do có độ chênh về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia. Thực tế này dễ dẫn đến những tranh chấp thương mại, đầu tư, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của DN Việt Nam.
Tham tán thương mại tại Mỹ cho biết thêm, đơn cử để sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu, DN xuất khẩu cũng như DN sản xuất phải đăng ký quyền sở hữu thương hiệu tại Cục Sáng chế và Bảo vệ thương hiệu Mỹ (USPTO). Thế nhưng, hiện chỉ có 1.938 thương hiệu của Việt Nam được đăng ký với USPTO, trong đó 1.090 thương hiệu đang tồn tại.
Cũng theo Tham tán thương mại tại Mỹ, DN Việt Nam còn chưa quan tâm đầy đủ các vấn đề pháp lý khi đầu tư sản xuất cũng như xuất khẩu vào thị trường nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng. Đó là lý do mà rất nhiều vụ việc thương hiệu sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất mang đặc trưng thương hiệu quốc gia nhưng lại thuộc quyền sở hữu thương hiệu của DN Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Một vấn đề khác là năng lực vốn đầu tư của DN Việt Nam cũng còn hạn chế, nên việc bám rễ đầu tư sâu, dài hạn cũng như phát triển rộng thị phần tiêu thụ ở nước sở tại còn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, ở góc độ quản lý nhà nước, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là chính sách chia sẻ rủi ro đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, DN cần thận trọng, bước đầu có thể thực hiện mô hình liên doanh, liên kết trước khi tính đến yếu tố sở hữu 100% vốn. Đây cũng chính là kinh nghiệm thành công và lớn mạnh của các công ty xuyên quốc gia trên thế giới. Về phía Chính phủ, cần sớm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về đầu tư ra nước ngoài.
Trong đó, đặc biệt phải đơn giản hóa thủ tục đăng ký và cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Mặt khác, mở rộng diện đầu tư vào những lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế; minh bạch danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, với những hình thức ưu đãi phù hợp về tín dụng mua ngoại tệ, thuế… Có như vậy mới tạo đà để DN Việt vươn xa trên trường quốc tế.