Kinh tế - Thị trường
Doanh nghiệp sữa ‘thích ứng’ với cuộc chiến nội - ngoại
Báo cáo của SSI Research về tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) với các ngành và doanh nghiệp niêm yết nhận định, ngành sữa không nhận được nhiều lợi ích từ hiệp định.
Ví dụ, Vinamilk với tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu từ châu Âu khoảng 10%, gồm bột sữa gầy và bột sữa chưa tách béo, khi mức thuế nhập khẩu các mặt hàng này từ 5% xuống còn 2,2% và giảm dần về 0% sau 2022, biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhưng không đáng kể. Hiện 20-25% nguyên liệu về sữa được Việt Nam nhập khẩu từ châu Âu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, sự cạnh tranh trên sân nhà sẽ gia tăng khi các sản phẩm sữa từ châu Âu tràn vào Việt Nam.
Phía SSI cho rằng Vinamilk và các công ty sữa nội địa khác đã chuẩn bị nhiều năm để thích ứng với việc thị trường sữa được mở cửa. Các công ty đã tung những sản phẩm cao cấp để cạnh tranh với sữa nhập khẩu. Vinamilk có sữa tươi organic, hoặc chủ động nhập khẩu các sản phẩm sữa tươi từ châu Âu, thông qua công ty con ở Ba Lan, để đón đầu nhu cầu tiêu dùng sữa. Nutifoods đã sản xuất dòng sản phẩm sữa tươi với hàm lượng đạm và chất béo tương tự sữa tươi ở châu Âu. Các công ty cũng có chiến lược xuất khẩu sữa sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nội địa cũng có những lợi thế nhất định.
Thứ nhất, ngay cả khi thuế nhập khẩu giảm dần, chi phí vận chuyển, bảo quản vẫn làm cho giá các sản phẩm nhập khẩu cao hơn đáng kể (từ 30% trở lên) so với các sản phẩm trong nước. Do đó đối tượng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm này chủ yếu tập trung ở phân khúc khách hàng thu nhập cao, ở thành thị.
Thứ hai, doanh nghiệp nội địa có sự am hiểu thị hiếu người tiêu dùng, linh hoạt đưa ra các dòng sản phẩm, kể cả các dòng cao cấp. Các doanh nghiệp này cũng có hệ thống phân phối rộng khắp của các công ty nội địa. Trong khi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu bán ở kênh hiện đại (siêu thị, ecommerce...)
Ngoài ra, doanh nghiệp nội địa có thời gian đưa sản phẩm từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng nhanh hơn, khoảng 2-4 tuần, trong khi với sản phẩm nhập khẩu nhanh nhất cũng 3-4 tháng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các sản phẩm yêu cầu bảo quản và mức độ "tươi" cao như sữa tươi, sữa chua
Cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu sẽ gia tăng mạnh nhất ở phân khúc bột whey, bơ, pho mát, khi thuế nhập khẩu đang ở mức 10-20% và sẽ giảm dần về 0%. Tuy nhiên, do tập quán ăn uống của người Việt Nam, thị trường các sản phẩm này còn rất nhỏ (1.000-2.000 tỷ đồng một năm), và đây cũng không phải là nhóm các sản phẩm mà các doanh nghiệp sữa nội địa đang tập trung khai thác tại hiện tại.
Sữa là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhất ở châu Âu, hàng năm chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu. Châu Âu đã có nhiều biện pháp bảo hộ, hàng rào thuế quan, phi thuế quan để cho ngành ngày. Theo đó, rất ít quốc gia có thể xuất khẩu sữa vào châu Âu. Hiện khối này chưa cấp phép nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu sữa từ châu Âu với giá trị đạt 215 triệu USD năm 2019. Sản phẩm Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là sữa gầy, bột whey, bơ, pho mát. Theo hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa từ châu Âu sẽ được giảm dần theo lộ trình.
Thị trường sữa Việt Nam trước EVFTA cũng được đánh giá là mở với nhiều hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), Hiệp định định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU). Điều này khiến các sản phẩm sữa nhập khẩu từ các nước đối tác có mức thuế giảm về 0%. Mặt khác, thị trường sữa nhập khẩu cũng đã nhộn nhịp ở Việt Nam nhiều năm nay với các tên tuổi lớn như Abbott, Meads Johnson, Nestle...
Đức Minh