Kinh tế - Thị trường

Giá bột sữa tăng mạnh, Vinamilk tính tăng giá bán để hỗ trợ biên lợi nhuận

Giá bột sữa tăng mạnh trong thời gian qua có thể khiến chi phí sản xuất 6 tháng cuối năm tăng nên Vinamilk cho biết có thể sẽ tăng giá bán thêm 1%-3% để hỗ trợ biên lợi nhuận, nếu giá bột sữa tiếp tục xu hướng tăng trong các tháng tới.

 Trong báo cáo cập nhật mới đây, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tường thuật lại nội dung cuộc họp với nhà đầu tư của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức ngày 15/2/2019.

 

Theo lãnh đạo Vinamilk, thị phần trong năm 2018 nói chung tăng 0,9 điểm%. Thị phần các mảng đều tăng trừ sữa chua ăn (giảm 0,1-0,2 điểm% do các đối thủ nhỏ hơn như Nutifood, Dutch Lady và THMilk tung ra các sản phẩm mới).

 

Ban lãnh đạo Vinamilk đề ra mục tiêu sản lượng sữa năm 2019 tăng 5%, đồng thời dự kiến kết quả quý I sẽ khả quan trên cơ sở tình hình kinh doanh tháng 1.

 

Phía Vinamilk cho biết đã chốt giá bột sữa cho sản xuất đến tháng 5-6/2019, ở mức cao hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Vì giá bột sữa tăng mạnh trong thời gian qua, có thể khiến chi phí sản xuất 6 tháng cuối năm tăng nên công ty cho biết có thể sẽ tăng giá bán thêm 1%-3% để hỗ trợ biên lợi nhuận nếu giá bột sữa tiếp tục xu hướng tăng trong các tháng tới.

 

Trong số các sản phẩm sẽ được tung ra trong năm 2019, ban lãnh đạo Vinamilk cho hay sẽ có một sản phẩm sữa bột hữu cơ cao cấp cho trẻ nhỏ, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nước ngoài, có giá xấp xỉ đối thủ.

 

Trong các năm qua, thị phần sữa bột cho trẻ nhỏ của Vinamilk tăng chủ yếu nhờ các thương hiệu Optimum (tại các thành phố) và Grow Plus.

 

Về mảng sữa học đường, Vinamilk đã bắt đầu chương trình sữa học đường tại Hà Nội vào cuối năm 2018 và hiện đang chuẩn bị hồ sơ đấu thầu tại TP. HCM trong năm 2019. Theo Vinamilk, biên lợi nhuận từ chương trình sữa học đường là khá thấp do chiết khấu lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình sữa học đường sẽ giúp củng cố sức mạnh thương hiệu của Vinamilk cũng như kìm hãm các đối thủ cạnh tranh khác trong việc gia tăng nhận diện thương hiệu.

 

Về thị trường nước ngoài, ban lãnh đạo Vinamilk thông tin rằng công ty đang chờ đợi hiệp định thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký trước khi chính thức bắt đầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Về mặt sản phẩm, ban lãnh đạo cho rằng sản phẩm yogurt có tiềm năng lớn nhất khi sữa tươi sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các công ty lớn ở thị trường này như Mengniu và Yili.

 

Với thị trường Myanmar, ban đầu, Vinamilk có kế hoạch thành lập một công ty liên doanh phân phối với đối tác Myanmar để thêm nhập vào thị trường này. Trong dài hạn, Vinamilk có thể sẽ thành lập các cơ sở sản xuất hoặc thậm chí là trang trại bò ở Myanmar.

 

Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo Vinamilk, thị trường này hiện vẫn còn chưa phát triển khi sữa không có thương hiệu hiện đang chiếm khoảng 50% thị trường. Do đó, sẽ cần thêm thời gian để Myanmar có thể đóng góp đáng kể.

 

Tại Indonesia, công ty hiện đang tìm kiếm đối tác phân phối.

 

Liên quan đến việc phát triển trang trại bò sữa, các trang trại bò sữa của Vinamilk hiện đang trong quá trình mở rộng hoạt động. Hiện tại, các trang trại này đóng góp 12-15% tổng nguồn cung sữa của Vinamilk.

 

Trong vòng 5 năm tới, Vinamilk có kế hoạch nâng con số này lên 20%. Điều này sẽ giúp nâng đóng góp từ nguồn cung sữa trong nước (bao gồm sữa thu mua từ nông dân) lên 40% so với 60% bột sữa nhập khẩu, so với cơ cấu 30/70 hiện tại.

 

Theo Vinamilk, chi phí sản xuất trung bình hiện tại của trang trại của công ty đạt khoảng 11.000-12.000 đồng/lít, so với 13.000-14.000 đồng/lít của sữa thu mua từ nông dân. Do đó, việc phát triển trang trại riêng sẽ không chỉ giúp gia tăng nguồn cung sữa tươi cho Vinamilk mà còn hỗ trợ cho lợi nhuận gộp của sản phẩm sữa tươi.

 

Đối với công ty Laos-Jagro Development Xiengkhouang, công ty mà Vinamilk đã thâu tóm 51% cổ phần trong tháng 11/2018, Vinamilk sẽ bắt đầu phát triển trang trại bò organic với công suất tối đa 4.000 con bò. Đầu ra sau đó sẽ được vận chuyển đến các nhà máy của Vinamilk ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An và Bình Định.

Thanh Long

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác