Kinh tế - Thị trường
Giá sữa thế giới đã tăng 15,7% kể từ đầu năm, dự báo tăng tiếp
Kết thúc phiên đấu giá đầu tiên của tháng 5, giá sữa trên sàn thương mại toàn cầu đã giảm, giá bình quân xuống còn 3.465 USD/tấn, thấp hơn 3,4% so với giá phiên trước đó.
Cụ thể, các sản phẩm sữa trong phiên đấu giá lần này tăng ở nhóm bơ sữa bột (0,5%); Phomat Cheddar (3,1%); Lactose (0,6%) và sữa bột tách kem (3,6%). Ngược lại sữa gầy giảm 1,9% và sữa bột nguyên kem giảm 1,5% so với phiên giao dịch ngày 17/4.
Trung bình có 19,5 nghìn tấn sữa và sản phẩm giao dịch, trong đó sữa bột nguyên kem, sữa bột tách kem, bơ sữa bột và phomat Chaeddar không đổi tương ứng với 10,6 nghìn tấn; 3,3 nghìn tấn; 625 tấn và 420 tấn, ngược lại bơ tăng 42,4% so với phiên trước đó đạt 1,4 nghìn tấn.
Mặc dù phiên đấu giá ngày 1/5 giảm, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì giá vẫn cao hơn 7,5% và tăng 16,7% so với đầu năm 2018.
Giá sữa bình quân trên thị trường thế giới – ĐVT: USD/Tấn
Dự báo, thời gian tới giá sữa trên thị trường thế giới duy trì ở mức cao bởi nguồn cung thiếu hụt tại New Zealand và nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc - hai quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu lớn trên thế giới.
Theo số liệu từ Công ty Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS), trong quý 1/2018 Trung Quốc đã nhập khẩu 758 nghìn tấn sữa và sản phẩm sữa, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và 24,2% về trị giá so với cùng kỳ 2017. Sự tăng trưởng được thể hiện ở khắp các chủng loại, như sữa bột nguyên kem đạt 215,5 nghìn tấn (tăng 9,9%), sữa bột tách kem đạt 82,4 nghìn tấn (tăng 10,9%), sữa công thức cho trẻ sơ sinh đạt 63,1 nghìn tấn (tăng 16,7%), váng sữa 136,7 nghìn tấn (tăng 11,46%) và các sản phẩm khác 126,3 nghìn tấn (tăng 12,4%). Duy chỉ có kem và phomat giảm lần lượt 3,2% và 5% tương ứng với 22 nghìn tấn và 26,7 nghìn tấn. Trong số sản phẩm sữa nhập khẩu thì bơ có tốc độ tăng mạnh nhất với 29,9% về lượng và 82,9% về trị giá.
New Zealand vẫn là đối tác chủ lực của Trung Quốc, đặc biệt là sữa bột nguyên kem khi trong quý 1/2018 xuất khẩu sữa bột nguyên kem của New Zealand sang Trung Quốc tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 96%, phần còn lại là Australia, Pháp, Mỹ và Hà Lan. Riêng sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh, Trung Quốc đẩy mạnh nhập từ Hà Lan, đưa nước này trở thành nhà cung cấp chính với 40% thị phần.
Trong khi nhu cầu gia tăng thì cung lại eo hẹp. Tại Australia, các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng của những cơn bão và mưa đã làm đất trồng cỏ (nguyên liệu thức ăn cho đàn gia súc) bị úng ngập, ngược lại các tỉnh phía Nam Australia thời tiết nắng nóng, khô hạn vẫn tiếp diễn khiến nguồn thức ăn cho gia súc thiếu hụt dẫn đến sản lượng sữa giảm. Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu sản phẩm sữa và thực phẩm CLAL có trụ sở tại Italia, tháng 3/2018, sản lượng sữa của New Zealand giảm 1,48% so với tháng 3/2017 và tính chung 10 tháng đầu của niên vụ hiện tại bắt đầu từ tháng 6/2017 thì sản lượng sữa giảm 0,33% so với niên vụ 2016-2017.
Tại thị trường Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu sữa tháng 4/2018 đạt khoảng 90 triệu USD, giảm 12,6% so với tháng 3, đưa lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4 kim ngạch đạt 321 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 4/2018 tình hình sản xuất của các doanh nghiệp ngành sữa đều tăng trưởng ở cả phân khúc sữa tươi và sữa bột. Cụ thể, sữa tươi tăng 2,7% so với tháng 3 đạt 132,7 triệu lít, nâng lượng sữa tươi 4 tháng đầu năm 2018 lên 467,1 triệu lít giảm 0,5% so với cùng kỳ. Sản lượng sữa bột đạt 14,3 nghìn tấn, tăng 1,4% so với tháng 3, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2018 đạt 50,5 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2017.
Về giá cả, kể từ ngày 1/5/2018, hãng sữa Nestle đã tăng giá trong phạm vi 5% đối với 11 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em. Đây là lần thứ hai Nestle Việt Nam tăng giá bán sản phẩm dành cho trẻ em từ khi quy định giá trần được dỡ bỏ (từ 31/3/2017) và Bộ Công Thương có thông tư hướng dẫn việc đăng ký giá, kê khai giá các mặt hàng này (Thông tư 08/2017, có hiệu lực từ 10/8/2017). Trước đó, vào cuối tháng 10/2017, Nestle Việt Nam đã tăng giá dưới 5% đối với 7 sản phẩm là các loại bột ăn dặm như Nestle Cerelac yến mạch măng tây; Nestle Cerelac cá và rau xanh… dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Theo các chuyên gia, mặc dù trong tháng 5 có đơn vị kinh doanh tăng giá, tuy nhiên mặt bằng giá sản phẩm sữa trên thị trường vẫn tiếp tục ổn định, không có sự tăng giá đột biến hay biến động giá sữa nhiều và dự báo xu hướng này sẽ được giữ trong thời gian tới.
Xuân Bình