Kinh tế - Thị trường
Giá thức ăn chăn nuôi cao 'cắt cổ' người nuôi bò sữa nhỏ lẻ
Eric Vanstrom bị mắc kẹt vì suy thoái kinh tế, chiến tranh thương mại và đại dịch toàn cầu buộc ông phải đổ bỏ sữa. Lý do năm nay ông tiếp tục mắc kẹt là vì giá ngũ cốc "cắt cổ".
Một ngày cuối tuần đầu tháng 6, người nông dân ở Kennedy (New York), và vợ mang 46 con bò vắt sữa gửi đến một nhà đấu giá. Một số con tới các cơ sở chăn nuôi bò sữa khác. Những con khác cuối cùng được chuyển đến lò giết mổ. Chúng quá đắt để nuôi và không có lãi đến mức Vanstrom thậm chí không buồn khi thấy chúng ra đi.
Tình trạng khó khăn của Vanstrom ngày càng phổ biến. Ngô và đậu tương để nuôi bò sữa đang chứng kiến một đợt tăng giá lịch sử, do hạn hán ở các nước sản xuất chủ chốt và việc Trung Quốc mua lượng lớn ngũ cốc tái phát triển đàn lợn. Từ Hoa Kỳ đến Ethiopia, nông dân nói rằng chi phí tăng cao đang đẩy trang trại của họ vào tình thế nguy hiểm, đến mức họ đang nghĩ rút lui hoàn toàn.
Giá thức ăn đắt đang dẫn dắt sự chuyển đổi của ngành, thúc đẩy sự thống trị ngày càng tăng của các siêu nhà máy, do họ có vị thế tốt hơn để chống lại sự biến động của thị trường toàn cầu. Mặc dù việc hợp nhất có thể nâng cao hiệu quả và giữ cho giá tiêu dùng ở mức ổn định, nhưng nó cũng buộc các cơ sở quy mô vừa và nhỏ trên khắp thế giới ngừng kinh doanh.
Theo nhà môi giới StoneX Group Inc., sắc lệnh hành pháp của Tổng thống J.Biden nhằm thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp Mỹ có thể sẽ không có tác động lớn đến các công ty sữa, với nhiều chỉ thị liên quan đến nông nghiệp nhằm vào ngành công nghiệp thịt và gia cầm.
James MacDonald, một nhà kinh tế nông nghiệp và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Maryland cho biết: “Nếu bạn thấy giá thức ăn chăn nuôi đang tăng vọt như hiện tại, đó có thể là điều khiến bạn phải thốt lên rằng: Có lẽ không phải là ý kiến hay nếu tiếp tục hoạt động".
Con bò sữa là hình ảnh mang tính biểu tượng của cuộc sống nông thôn Mỹ, gắn với những giá trị như sự trung thực và chăm chỉ. Các nhà tiếp thị thường gắn vẻ đẹp của cuộc sống như vậy vào việc lấy sữa, với những cảnh bình dị của đồng cỏ và đàn bò trên bao bì.
Với việc người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sữa có chứng nhận hữu cơ và bền vững, sữa từ các siêu trang trại đối mặt với sự cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng có lo ngại cho rằng trang trại nhỏ đang trở nên hiếm hơn.
Giá sữa thấp từ lâu đã gây khó khăn cho nông dân chăn nuôi bò sữa và hàng nghìn người đã rời bỏ ngành này trong 5 năm qua. Tuy nhiên, đại dịch lại là cứu cánh cho nhiều người khi các chính phủ trên khắp thế giới đã viện trợ khẩn cấp và mua các sản phẩm từ sữa. Giá cả tăng trở lại và các trang trại sống sót thoát khỏi cuộc khủng hoảng tốt hơn dự kiến.
Bây giờ, tuy một số chương trình viện trợ kéo dài vẫn còn được áp dụng, nhưng một số đã kết thúc. Với giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa đang có nguy cơ phải nghỉ việc một lần nữa. Wisconsin, một trung tâm của ngành công nghiệp sữa Hoa Kỳ, mất tới 177 đàn bò sữa trong năm nay.
Theo Nate Donnay, Giám đốc phụ trách thị trường sữa của StoneX Group, mặc dù sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden nhằm mục đích giúp đỡ những nông dân nhỏ có lợi nhuận giảm dần khi các công ty đa quốc gia ngày càng chiếm ưu thế, nhưng sắc lệnh này sẽ hỗ trợ cụ thể cho ngành công nghiệp sữa.
Thức ăn chăn nuôi đắt đỏ không phải là chi phí duy nhất tăng gánh nặng cho người nuôi bò sữa. Khá nhiều thứ làm vận hành một trang trại trở nên đắt đỏ hơn, từ nhân công đến phân bón, và thời tiết khắc nghiệt từ hạn hán đến lũ lụt càng làm vấn đề tệ hơn.
Cody Nicholson Stratton và chồng điều hành một trang trại gia đình thế hệ thứ năm ở Humboldt County, California. Vì những cánh đồng trong vùng bị khô cằn trong năm nay, nên cặp vợ chồng này biết rằng họ sẽ thiếu nguồn thức ăn. Họ đã bán đi khoảng 20 trong số 120 con bò của mình và giảm ½ đàn cừu của họ. Có thể sẽ có nhiều đợt cắt giảm hơn nữa.
Các trang trại lớn hơn cũng ngày càng lớn hơn và năng suất cao hơn. Vì vậy, ngay cả khi các trang trại nhỏ tháo chạy khỏi ngành, người tiêu dùng có thể được hưởng giá sữa thấp hơn. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự kiến sản lượng sữa sẽ đạt 103,5 tỉ lít trong năm nay - tăng 2,2% so với năm 2020.
Việc hợp nhất cũng đang được tiến hành ở châu Á. Số lượng bò sữa của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 6 triệu con từ mức cao 14 triệu con vào năm 2013 do các trang trại nhỏ được thay thế bằng các trang trại lớn hơn, nhiều trong số đó được điều hành bởi các tập đoàn lớn như Yili Group và China Mengniu Dairy Co.
Ở những nơi như Úc, các ngành kinh doanh khác đang tỏ ra hấp dẫn hơn. Dù giá thịt bò cao kỷ lục đã khiến một số nhà sản xuất chuyển đổi từ ngành sữa sang ngành công nghiệp thịt, giá trị đất đai cao đã khuyến khích những người khác bán toàn bộ trang trại của họ.
Trong khi đó, ở Ethiopia, nông dân đang gặp khó khăn trên diện rộng. Fekensa Degefa, một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính với một trang trại bò sữa nhỏ ở ngoại ô thủ đô Addis Ababa, muốn mở rộng đàn 13 con của mình lên hàng trăm con, nhưng chi phí đầu vào cao - chủ yếu là giá thức ăn - là một mối lo thường xuyên.
Tại Hoa Kỳ, số lượng đàn bò sữa được cấp phép đã giảm hơn một nửa từ năm 2002 đến năm 2019, theo phân tích số liệu USDA của MacDonald, với sự suy giảm của các trang trại nhỏ tập trung ở Minnesota, New York, Pennsylvania và Wisconsin. Ông dự đoán Mỹ sẽ mất thêm 5-6% các trang trại bò sữa trong năm nay, nhanh hơn so với xu hướng lịch sử khoảng 4%.
Trở lại Upstate New York, Vanstrom vẫn phải tiếp tục bán bò, mặc dù ông đã theo đuổi ngành sữa nhiều năm. Ông và vợ đang bán thịt từ bò thịt trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ nông sản, thu 30.000 USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ còn nhiều hơn nữa trong năm nay. Mặc dù đã từ bỏ nuôi bò nhưng ông vẫn theo dõi những người hàng xóm vẫn đang chiến đấu để kiếm sống qua ngày.
Ông nói: “Tôi không thấy tương lai cho những người chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ”.