Kinh tế - Thị trường
Sữa Mộc Châu gặp khó ở các thị trường mới
Thị trường sữa diễn biến ảm đạm trong 3 quý đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp sữa gặp khó khăn hơn dự báo, kể cả với các doanh nghiệp sữa đầu ngành. Với GTN Food, đơn vị sở hữu Sữa Mộc Châu, kế hoạch đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của công ty này đã vấp phải những trở ngại đáng kể.
Sữa Mộc Châu hiện nắm khoảng 30% thị trường sữa nước ở các vùng nông thôn phía Bắc và khoảng 2,7% toàn thị trường sữa Việt Nam. Hồi đầu năm, phía GTN Food đã có chiến lược mở rộng nhanh thị trường hoạt động của Sữa Mộc Châu, bao gồm các hoạt động mở rộng điểm bán và số lượng đàn bò.
Hồi đầu năm nay, Sữa Mộc Châu đã giới thiệu một số sản phẩm mới như sữa tươi UHT với nhiều hương vị như lúa mạch, chuối và sô cô la và nhiều loại sữa chua mới như sữa chua vị ổi và sữa chua nếp cẩm. Công ty có kế hoạch giới thiệu thêm các sản phẩm sữa như phô mai, bơ và sữa hữu cơ cao cấp.
Trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng điểm bán của Sữa Mộc Châu đã tăng mạnh so với cuối năm 2017. Điểm bán mới tập trung ở các thị trường khu vực phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh.
Mặc dù vậy, chiến lược mở rộng đã khiến Sữa Mộc Châu gặp rất nhiều khó khăn. Trong quý 3, Sữa Mộc Châu đạt doanh thu 631 tỷ đồng với biên lợi nhuận giảm mạnh xuống còn 15,8% từ mức 21% của 6 tháng trước đó. Chi phí bán hàng của công ty trong quý 3 tăng so với cùng kỳ năm ngoái, lên 66 tỷ đồng, dù doanh thu sụt giảm.
Áp lực cạnh tranh gay gắt từ các hãng sữa lớn cộng với những điểm bán mới được mở, chưa thu hút được khách hàng đã khiến Sữa Mộc Châu không cạnh tranh nổi tại thị trường mới.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận giảm dường như đã phản ánh chính sách giảm giá sản phẩm của Sữa Mộc Châu, để thanh lý bớt lượng hàng tồn kho.
Tuy vậy, báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán đánh giá, do chương trình khuyến mãi đã kết thúc trong tháng 10, biên lợi nhuận của Sữa Mộc Châu được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong quý 4, nhờ chi phí sữa đầu vào được duy trì ổn định.
Sau năm 2019, doanh thu của Sữa Mộc Châu có thể tăng trở lại bằng với mức tăng chung của toàn ngành sữa, tương đương khoảng 5%, nhờ sự hiện diện vững chắc tại thị trường nông thôn và miền núi phía Bắc. Đây là mức dự báo tăng trưởng thấp hơn doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk.
Mảng sữa sa sút, mảng sản xuất trà của GTN Food với công ty Vinatea còn có kết quả kém hơn. Doanh thu của Vinatea sau 9 tháng năm 2018 đạt 262 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ dù công ty ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu trà trực tiếp sang các thị trường có giá trị cao như Mỹ, Anh và Đài Loan.
Việc cả hai mảng kinh doanh lõi đều kém tích cực khiến lợi nhuận GTN giảm sâu. Công ty báo lãi sau thuế trong quý 3 đạt 23,3 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận công ty đạt 115,4 tỷ đồng, giảm 15%.
Sau kết quả kinh doanh kém khả quan, ngày 22/10 vừa qua, GTN đã chấp nhận đơn từ nhiệm của Tổng Giám đốc Michael Louis Rosen. Ông Nguyễn Hồng Anh - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc - sẽ tạm thời đảm nhiệm các công việc điều hành.