Kinh tế - Thị trường
Vì sao không doanh nghiệp nào giảm giá sữa?
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Tài chính, đại diện Bộ này thông tin: Đối với giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi, trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, Chính phủ đã có Nghị quyết thống nhất áp dụng có thời hạn biện pháp đăng ký giá và quy định quản lý giá tối đa. Đến nay, giá bán lẻ tại các thị trường cơ bản đã thực hiện giảm, mức giảm giá khoảng 0,3 – 26%. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác quản lý giá đối với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng hình thức kê khai giá theo quy định.
Trong tháng 9, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết danh mục về thực phẩm chức năng này.
Liên quan đến việc giá sữa nguyên liệu giảm 50%, nhưng các doanh nghiệp sữa thì vẫn chưa có động thái giảm giá, ông Nguyễn Văn Truyền – Phó cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, đối với giá sữa Nhà nước chỉ thực hiện bình ổn đối với sản phẩm cho trẻ dưới 6 tuổi và thuộc dạng sữa công thức. Tuy nhiên, đây là loại sữa có nhiều thành phần, trong đó có cả sữa nguyên liệu, nên tác động giá thành chung là có.
Nhưng giá sữa thuộc thẩm quyền tự quyết giá của doanh nghiệp, khi điều chỉnh tăng hoặc giảm thì chỉ gửi giấy đăng ký về Bộ Tài chính. Đến nay, các doanh nghiệp chưa có doanh nghiệp nào gửi đăng ký giảm giá sữa. “Cái này chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, khi cần thiết chúng tôi sẽ kiểm tra, từ đó phát hiện xem tác động của giá nguyên liệu này như thế nào đến giá sữa. Khi có kết quả rõ ràng thì chúng tôi mới dùng biện pháp để yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm theo mức đã thanh tra”, ông Truyền cho hay.
Trước đó, theo phản ánh trên báo Pháp luật TP.HCM, giá sữa nguyên liệu thế giới hiện nay đã giảm hơn 50% nhưng các doanh nghiệp chưa giảm giá. Lý giải điều này, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết giá nguyên liệu sữa giảm hơn 50% là so với thời điểm tháng 9/2013 (khi giá sữa nguyên liệu thế giới biến động, tăng liên tục). Còn từ tháng 6/2014 đến nay giá sữa nguyên liệu chỉ giảm 15 - 20%. Trong khi đó các doanh nghiệp đều ký hợp đồng nhập sữa từ đầu năm chứ không phải khi giá sữa giảm thì mới nhập về.
Vị này cho biết thêm đối với doanh nghiệp ngoại, họ nhập sữa thành phẩm về cộng các chi phí vào nên giá thành sản phẩm cao. Trong cơ cấu giá thành, nguyên liệu sữa ngoại chỉ chiếm 20%-25% giá thành sản phẩm. Khi giá nguyên liệu giảm hơn 10% thì giá thành chỉ giảm được 5%.
Còn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, nguyên liệu sữa chiếm 40%-50% trong cơ cấu giá thành của sản phẩm nhưng giá thành bán ra thấp.
Theo Châu Anh/ VTC News