Kinh tế - Thị trường
Vinamilk tìm cơ hội mở rộng doanh số tại Myanmar, Indonesia, liệu có dễ?
Sữa chua sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trong các năm tới
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong khi thị trường sữa trong nước dần chững lại, các doanh nghiệp lớn như Vinamilk (Mã: VNM) đang phải đối mặt với mức tăng trưởng hữu cơ chỉ một chữ số trong vài năm tới, việc tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm, mở rộng dư địa tại thị trường quốc tế gần như là bước đi chắc chắn Vinamilk phải tiến hành để tránh sụt giảm chung của thị trường nội địa.
Hiện Vinamilk đang tìm kiếm cơ hội mở rộng doanh số tại các thị trường quốc tế như Myanmar, Indonesia thông qua việc thành lập Joint ventures với các công ty bản địa.
Theo dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, ngành hàng sữa chua sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trong các năm tới. Điều này phù hợp với sự chuyển dịch xu hướng của người tiêu dùng khi họ đang ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, chuyển dịch sang sử dùng các loại sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Cơ cấu dân số tại Indonesia và Myanmar khá tương đồng với Việt Nam khi đều là những thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất sữa, đáp ứng được những điều kiện trong việc phát triển ngành sữa.
Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại hai quốc gia này gần như thấp nhất so với các nước trong khu vực, chỉ vào khoảng 10 - 11 lít/người/năm so với mức tiêu thụ 22 lít/người/năm tại Philippines hay Singapore với 45 lít/người/năm.
Myanmar - thị trường sữa sơ khai với thói quen tiêu dùng sản phẩm sữa còn thấp
Ngành sữa tại Myanmar vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, gần 85% sản lượng sữa đến từ các trang trại bò sữa tại Mandalay, Yangon, Naypyidaw với cơ sở chế biến nhỏ lẻ, vì thế việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sữa nguyên liệu đầu vào vẫn còn khá hạn chế.
VDSC cho biết, cứ 835 trẻ tiểu học tại Myanmar thì có hơn 300 trẻ em uống sữa ít hơn 1 lần/tuần. Myanmar vẫn còn khá tiềm năng khi thói quen tiêu dùng sữa và các chế phẩm từ sữa tại nước này còn khá thấp, người dân đang có xu hướng chuyển dịch tiêu dùng sang các sản phẩm với chất lượng cao.
Các sản phẩm sữa được tiêu thụ chính tại thị trường này gồm sữa tươi, sữa đặc, sữa chua và kem, trong đó sữa tươi và sữa đặc phổ biến hơn cả nhờ vào thói quen sử dụng đồ uống kết hợp sản phẩm từ sữa với trà và cà phê.
Ngoài ra, trà sữa được coi là thức uống phổ biến và được yêu thích nhất tại “đất nước chùa vàng”, còn sữa chua công nghiệp chỉ đại diện cho một thị trường ngách nhỏ tại Yangon và Mandalay khi người dân vẫn còn thói quen tiêu dùng sữa chua nhà làm hơn là sử dụng các sản phẩm công nghiệp.
Thách thức đặt ra cho Vinamilk tại thị trường này là nâng cao nhận thức người dân trong việc tiêu dùng sản phẩm sữa, đặc biệt là sản phẩm sữa công nghiệp đã được chứng nhận về chất lượng thay vì sử dụng các sản phẩm sữa thủ công truyền thống với chất lượng thấp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và tận dụng hệ thống phân phối sẵn có từ phía đối tác để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Vinamilk giới thiệu các sản phẩm tại Hội chợ Gulfood 2016. (Nguồn: Internet). |
Indonesia – thị trường tiềm năng đang chịu sự thống trị của các doanh nghiệp ngoại
Doanh số tiêu thụ sản phẩm sữa và các chế phẩm từ sữa tại Indonesia đã tăng 12,5% trong vòng 5 năm qua. Dự báo tốc độ tăng trưởng này vẫn sẽ tiếp diễn và ngành hàng sữa chua sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng trong các năm tới với tốc độ khoảng 10,3%.
Trong đó, sữa chua có hương vị được ưa chuộng hơn các sản phẩm sữa chua trắng truyền thống và sản phẩm sữa chua Hy Lạp có hàm lượng chất béo thấp đang được người tiêu dùng Indonesia đón nhận rất tích cực.
VDSC cho rằng đây có thể là lý do khiến Vinamilk nghiên cứu phát triển vị sữa chua mới này và tung ra sản phẩm tương tự tại thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao nhưng ngành sữa tại Indonesia đang chịu sự phân hóa lớn khi 77% thị phần toàn ngành, tập trung vào 4 ông lớn Nestlé, Frisian Flag Indonesia, Ultrajaya Milk Industry và Indolakto PT. Trong đó, hai doanh nghiệp đa quốc gia Nestlé và Frisian Flag Indonesia đang thống lĩnh thị trường với thị phần lần lượt là 26% và 21%.
Dù đã có kinh nghiệm cạnh tranh với các ông lớn ngành sữa thế giới như FrieslandCampina hay Nestlé nhưng Vinamilk sẽ không có nhiều lợi thế khi phải đối đầu với các công ty khác ở thị trường nước ngoài như chính trên “sân nhà” của mình.
Với một thị trường mới, thói quen tiêu dùng bản địa và độ nhận diện thương hiệu là hai yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn sản phẩm. Chính vì vậy Vinamilk cần phải nỗ lực nhiều hơn để hiểu rõ đặc tính tiêu dùng tại thị trường bản địa, nghiên cứu và tung ra các sản phẩm phù hợp để xúc tiến phát triển ở những thị trường mới.