Lịch sử phát triển ngành sữa
Lịch sử phát triển ngành sữa Việt Nam
Việt Nam vốn không có ngành chăn nuôi trâu bò sữa truyền thống nên không có các giống trâu bò sữa chuyên dụng đặc thù nào. Chăn nuôi bò sữa xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XX. Trải qua những năm tháng khó khăn của đất nước, ngành chăn nuôi bò sữa đã đóng góp đáng kể trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên ngành chăn nuôi bò sữa mới chỉ thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa từ những năm 1990 trở lại đây.
1920 - 1923
Người Pháp đã đưa các giống bò chịu nóng như bò Red Sindhi (thường gọi là bò Sin) và bò Ongle (thường gọi là bò Bô) vào Tân Sơn Nhất, Sài Gòn và Hà Nội để nuôi thử và lấy sữa phục vụ người Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên số lượng bò sữa thời đó còn ít (khoảng 300 con) và năng xuất sữa thấp (2-3 kg/con/ngày).
1937 - 1942
Ở miền Nam đã hình thành một số trại chăn nuôi bò sữa ở Sài Gòn-Chợ Lớn, mỗi ngày sản xuất được hàng nghìn lít sữa và tổng sản lượng sữa đạt trên 360 tấn/năm. Có 6 giống bò sữa đã được nhập vào miền Nam là Jersey, Ongole, Red Sindhi, Tharpara, Sahiwal và Haryana. Cũng ở miền Nam trong giai đoạn này, Chính phủ Australia đã giúp đỡ xây dựng Trung tâm bò sữa thuần Jersey tại Bến Cát với số lượng 80 bò cái, nhưng do điều kiện chiến tranh Trung tâm này sau đó đã giải thể. Bò lai hướng sữa và bò sữa nhiệt đới về sau được nuôi tại Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức tại những trại bò sữa do tư nhân quản lý với qui mô nhỏ từ 10-20 con, sản xuất sữa tươi cung cấp cho các nhà hàng và trực tiếp cho người tiêu dùng là chính. Dưới đây là những mốc lịch sử đáng nhớ của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam:
Ở miền Bắc, Nhà nước bắt đầu quan tâm đến phát triển chăn nuôi, trong đó có bò sữa. Các Nông trường quốc doanh được xây dựng như Ba Vì (Hà Tây), Mộc Châu (Sơn La), Than Uyên (Nghĩa Lộ), Tam Đường (Lào Cai), Hữu Nghị (Quảng Ninh), Hà Trung (Thanh Hoá)... cùng với các trạm trại nghiên cứu về giống và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Năm 1960, giống bò sữa lang trắng đen Bắc Kinh lần đầu tiên đã được đưa vào Việt Nam nuôi thử nghiệm tại Ba Vì, Sa Pa và Mộc Châu. Đến thập kỷ 70, Việt Nam đã được Chính phủ Cu Ba viện trợ 1000 con bò sữa Holstein Friesian (HF) về nuôi thử nghiệm tại Mộc Châu. Đồng thời chính phủ Cu Ba cũng đã giúp ta xây dựng Trung tâm bò đực giống Moncada để sản xuất tinh bò đông lạnh.
Những năm 1970
Việt Nam cũng đã nhập một số trâu sữa Murrah từ Ấn Độ. Số trâu này được nuôi ở Phùng Thượng, Sông Bé và một số nới khác. Tuy nhiên, chăn nuôi trâu sữa tỏ ra chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam và vì thế đến nay số lượng trâu Murrah còn lại không nhiều. Từ năm 1976 một số bò sữa HF được chuyển vào nuôi tại Đức Trọng (Lâm Đồng). Bên cạnh đó phong trào lai tạo và chăn nuôi bò sữa cũng được phát triển mạnh thêm ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cho đến những năm đầu thập kỷ 1980, đàn bò sữa của Việt Nam chỉ được nuôi tại các nông trường quốc doanh và các cơ sở trực thuộc sở hữu Nhà nước. Quy mô các nông trường quốc doanh thời đó phổ biến là vài trăm con, quy mô lớn nhất là Nông trường Mộc Châu với khoảng 1000 con. Do còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm chăn nuôi, cơ chế quản lý không phù hợp, điều kiện chế biến và tiêu thụ sữa khó khăn nên nhiều nông trường đã phải giải thể do chăn nuôi bò sữa không có hiệu quả. Đàn bò sữa cũng vì thế mà giảm sút nhanh chóng.
1985 - 1987
Đồng thời với việc nuôi bò thuần nhập nội, chương trình lai tạo bò sữa Hà-Ấn (HFx Lai Sin) cũng được triển khai song song với chương trình Sin hoá đàn bò Vàng nội. Trong thời gian 1985-1987 Việt Nam nhập bò Sin (cả bò đực và bò cái) từ Pakistan về nuôi ở nông trường Hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ và Trung tâm tinh đông lạnh Moncada (Ba Vì, Hà Tây). Đồng thời năm 1987, bò Sahiwal cũng đã được nhập từ Pakistan về nuôi tại Trung tâm tinh đông lạnh Moncada và Nông trường bò giống miền Trung (Ninh Hoà, Khánh Hoà). Những bò Sin và Sahiwal này đã được dùng để tham gia chương trình Sin hoá đàn bò Vàng Việt Nam nhằm tạo ra đàn bò Lai Sin làm nền cho việc gây HF khác nhau tuỳ theo thế hệ lai: F1 (1/2 HF), F2 (3/4 HF), F3 (7/8 HF) hay F2 (5/8 HF).
Trong thời gian trên Việt Nam cũng đã nhập tinh đông lạnh bò Jersey và Nâu Thuỵ Sĩ dùng để lai với bò cái Lai Sin (LS), bò Vàng và bò cái lai F1, F2 (HF x LS). Tuy nhiên do năng suất sữa của con lai kém xa so với bò lai với bò Holstein, hơn nữa do màu lông không hợp với thị hiếu của người nuôi, nên việc lai tạo với bò này không có hướng phát triển thêm.
Từ năm 1986 Việt Nam bắt đầu phong trào Đổi mới và chỉ sau 3 năm từ một nước thiếu lương thực Việt Nam đã có lương thực xuất khẩu. Kinh tế phát triển đã tạo ra nhu cầu dùng sữa ngày càng tăng. Do vậy, đàn bò sữa ở TP HCM, các tỉnh phụ cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, ngoại thành Hà Nội và các tỉnh phụ cận cũng tăng nhanh về số lượng. Từ năm 1986 đến 1999 đàn bò sữa tăng trưởng trung bình 11%/năm. Phong trào chăn nuôi bò sữa tư nhân đã hình thành và tỏ ra có hiệu quả.
Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành sữa của Việt Nam với việc thông qua Quyết định 167/2001/QĐ/TTg về chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa trong giai đoạn 2001-2010. Theo chủ trương này từ năm 2001 đến 2004 một số địa phương (TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nam, …) đã nhập một số lượng khá lớn (trên 10 nghìn con) bò HF thuần từ Australia, Mỹ, New Zealand về nuôi. Một số bò Jersey cũng được nhập từ Mỹ và New Zealand trong dịp này. Nhìn chung, ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh từ đầu những năm 1990 đến 2004, nhất là từ sau khi có Quyết định 167 nói trên.
Từ 2008 đến nay, có nhiều dự án đầu tư vào xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn và áp dụng khoa học công nghệ từ nước ngoài mà điển hình là Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH Sữa Cho Tương Lai - Dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài tại Tuyên Quang, Các dự án trang trại quy mô lớn của Vinamilk tại Tuyên Quang, Nghĩa Đàn - Nghệ an, Bình Định,... và đặc biệt là Dự án đầu tư chăn nuôi bò với quy mô rất lớn của Công ty CP TH True Milk tại Nghệ An.