Nội bộ

"Nữ tướng" người Khmer nuôi bò sữa

Nhắc đến đảng viên hiện đang là Thường trực HĐND huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Trần Thị Thu Hằng, nhiều cán bộ, nông dân trong huyện đều biết chị là người luôn hết lòng giúp mọi người nuôi bò sữa để thoát nghèo, một trong những người có công đầu phát triển đàn bò sữa ở Sóc Trăng.

 Chị Trần Thị Thu Hằng sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, xã có hơn 70% số dân là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm trước đây, Tham Đôn có nhiều diện tích đất hoang hóa do nhiễm phèn, mặn, thủy lợi chưa làm được đến đâu.

 

Những hộ có đất, canh tác cũng không có hiệu quả; hộ ít đất và không có đất sản xuất lại càng vất vả hơn. Thấy bà con còn nghèo, chị Hằng nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, cứ nung nấu làm sao giúp bà con làm ăn có hiệu quả trên vùng đất khó.

 

Nghĩ mình là đảng viên, muốn nói dân nghe thì trước hết phải làm để dân tin, chị Hằng quyết tâm chọn mô hình nuôi bò sữa.

 

Muốn ăn nên làm ra thì phải có vốn, chị Hằng vận động chị em tham gia nhóm phụ nữ tiết kiệm (PNTK), góp vốn xoay vòng. Nhóm PNTK hoạt động ngày càng có hiệu quả, đã giúp nhiều hộ nghèo có vốn chăn nuôi, mua bán nhỏ... dần cải thiện cuộc sống gia đình. Đến năm 2002, chị Hằng tiếp tục phát triển nhóm PNTK thành câu lạc bộ (CLB) khuyến nông do chị làm chủ nhiệm. Thấy đất bỏ hoang còn nhiều, cỏ mọc um tùm; bà con còn nghèo, trong bụng lại không có cái chữ, chị Hằng quyết định ra tận Bình Dương học hỏi cách nuôi bò sữa. Có được kiến thức cơ bản từ lớp tập huấn, trở về quê, chị Hằng tiếp tục mày mò học hỏi ở sách báo, tài liệu hướng dẫn nuôi bò sữa, rồi vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm. Từ một con bò do dự án hỗ trợ vào năm 2003, hiện nay, chị Hằng có đến chín con bò sữa, được nuôi theo quy trình khép kín: tận dụng phế phẩm từ phân bò nuôi trùn quế, làm bi-ô-ga, phân bón, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường vừa tăng thêm thu nhập. Năm công đất ruộng cha mẹ cho lúc ra ở riêng, chị Hằng trồng cỏ đủ cung cấp thức ăn cho cả đàn bò. Chị còn nuôi thêm lợn, gà để nâng cao thu nhập cho gia đình. Chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, chị thu lãi hơn 185 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập bền vững này, chị Hằng đã xây được một căn nhà mới khang trang và lo cho hai con ăn học đàng hoàng.

 

"Thành công, mình đem chút ít kinh nghiệm chia sẻ với các thành viên trong CLB, chỉ dẫn cho nhiều người khác để cùng nuôi bò sữa với mình", chị Trần Thị Thu Hằng bộc bạch. Bà con Khmer ở ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn cho biết, CLB mỗi tháng sinh hoạt một lần. Tại buổi sinh hoạt, chị Hằng chỉ dẫn cách chăm sóc làm sao để bò khỏe, cho sữa nhiều, chất lượng cao.

 

Nhờ được chị Hằng tận tình chỉ dẫn, mô hình làm ăn có hiệu quả này không ngừng được nhân rộng, vùng đất phèn, mặn cằn cỗi ngày nào đã dần hồi sinh trở lại, ngày càng có nhiều hộ Khmer thoát nghèo, niềm vui rộn lên trong từng phum, sóc. Chị Hằng nhớ lại, lúc đầu, trong 31 hộ thành viên CLB của chị có đến 16 hộ nghèo, giờ đây số thành viên đã tăng lên 41 hộ nhưng chỉ còn vài ba hộ nghèo; tổng đàn bò sữa tăng lên gấp 7-8 lần.

 

"Tiếng lành đồn xa", nhiều nông dân trong xã và các xã lân cận cũng tìm đến chị Hằng để học hỏi. Bình quân mỗi hộ có 4-5 con bò sữa.

 

Đến nay, riêng xã Tham Đôn đã có đến tám CLB nuôi bò sữa với tổng đàn gần cả nghìn con, góp phần nâng tổng đàn bò sữa trong tỉnh lên gần 5.000 con, sản lượng sữa khoảng 16 tấn/ngày... đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh nuôi bò sữa đứng hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

 

Những việc làm tưởng như "nhỏ nhặt" của chị Trần Thị Thu Hằng đã tạo nên sức lan tỏa "lớn lao" góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

 

Năm 2011, mặc dù chị Trần Thị Thu Hằng về huyện giữ nhiệm vụ là Thường trực HĐND huyện, có lúc công việc bộn bề nhưng theo yêu cầu của bà con, chị tiếp tục là Chủ nhiệm CLB chăn nuôi bò sữa ở xã, tranh thủ thời gian buổi trưa hoặc chiều tối để sinh hoạt CLB với bà con.

 

Nghe bà con nói: "Cô Hằng về huyện... Đừng bỏ chúng tôi nghe", thì dù có bận bịu cách mấy, mình cũng ráng ở lại giúp bà con" - chị Trần Thị Thu Hằng xúc động nói.

 

 

MINH TRƯỜNG

Nguồn: nhandan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác