Phối giống nhân tạo - Phát hiện động dục

Thế hệ thứ hai của công nghệ sinh sản trên bò

(a) Kỹ thuật đa xuất noãn và cấy truyền phôi (MOET).

Cấy truyền phôi bắt đầu cách đây khoảng 4 thập kỷ, là một công nghệ sinh sản tiến bộ hơn hẵn so với GTNT. Kỹ thuật này đạt thành tựu trong 25 năm qua và đã đánh dấu công nghệ chuyển phôi bò thương mại như là lĩnh vực kinh doanh quốc tế lớn nhất (Mapletoft và Hasler, 2005; Lonergan, 2007). Những đóng góp có ý nghĩa của kỹ thuật này vào sự gia tăng tính thương mại toàn cầu của phôi là sự phát triển thành công bảo quản đông lạnh và quy trình rửa phôi để thu được những phôi sạch bệnh, chất lượng cao (Mapletoft và Hasler, 2005). Trong năm 2005, khoảng 130 ngàn bò cái đã cho hơn khoảng 600 ngàn phôi phục vụ cấy truyền, tăng 10% trên phạm vi toàn cầu so với năm trước đó, các khu vực Bắc Mỹ, nam Mỹ và châu Á lần lượt chiếm 45%, 21% và 19% lượng ET trên thế giới (Thibier, 2005).

Sự kết hợp giữa đa xuất noãn, cấy truyền phôi trên con cái và GTNT từ con đực đã cho phép việc nhân nhanh thế hệ  sau từ những con bò ưu tú về di truyền. Tuy nhiên, ET và GTNT chỉ thể hữu ích khi đặt trong điều kiện tốt về chăn nuôi, dinh dưỡng và quản lý. Một trong những yếu tố hạn chế của MOET là sự biến động và khó dự đoán số nang noãn phát triển sau khi xử lý bằng kích dục tố (Mapletoft và Hasler, 2005). Thực tế, có rất ít tiến bộ đạt được trong gây đa xuất noãn, số phôi (có thể sử dụng ET) trung bình trên một bò cho phôi trong hai thập niên qua (Galli và cs, 2003; Thibier, 2005). Cũng như GTNT, các quy trình MOET đã thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật gây động dục và rụng trứng đồng loạt nhằm giúp cho toàn bộ quy trình xử lý được thuận tiện và rút ngắn hơn nữa. Chuyển phôi  vào thời điểm cố định và chuyển phôi đông lạnh trực tiếp là những quy trình mới hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, MOET hiện vẫn còn khá đắt, phần lớn do chi phí nhân công và xử lý hormone. Vì những lý do đó, MOET sẽ tiếp tục được sử dụng mạnh ở những trại bò giống hạt nhân.

(b) Kỹ thuật siêu âm:

là một trong những kỹ thuật hình ảnh quan trọng nhất được ứng dụng rộng rãi trong sinh sản trên bò, từ mục đích nghiên cứu đến thương mại. Giữa thập niên 1980s, nhiều báo cáo đã trình bày về độ chính xác của siêu âm như là công cụ hữu hiệu để nghiên cứu sự tiến bộ của sinh sản trên bò (Curran và cs, 1986; Kastelic và cs, 1988 và Ginther, 1998). Kỹ thuật siêu âm là kỹ thuật không xâm lấn, cho phép nghiên cứu trên bò sống trong giai đoạn mang thai mà không làm tổn thương bào thai.

Bằng cách sử dụng siêu âm, hiện tượng nang noãn phát triển trên bò đã được khám phá và mô tả rõ ràng, điều này cho phép chúng ta hiểu rõ và điều khiển chu kỳ động dục cũng như sinh sản gia súc. Siêu âm vượt qua kỹ thuật khám (qua) trực tràng trong điều kiện thực tiễn để đánh giá, mô tả và nâng cao khả năng sinh sản của bò trên cả hai quy mô cá thể và toàn đàn. Siêu âm đã được sử dụng hiệu quả nhằm đánh giá cấu trúc và hoạt động của buồng trứng, chẩn đoán bệnh trong đường sinh sản của con đực và cái, khám phá những mang thai bất thường, xác định khả năng sống của phôi và bào thai, xác định mang thai đôi, dự đoán giới tính của thai và chẩn đoán sớm sự mang thai, chết phôi/thai… (Ginther, 1998). Siêu âm là một công cụ chẩn đoán sớm và chính xác đã được sử dụng để cải thiện hiệu quả sinh sản của cả đàn bò và giúp nâng cao khả năng quản lý sinh sản đàn bò. Tỷ lệ thụ thai thấp và tỷ lệ chết thai là những vấn đề chung của chăn nuôi bò sữa, đặc biệt trong điều kiện chăn nuôi thâm canh. Để tối ưu hóa sinh sản gia súc, siêu âm hình ảnh được sử dụng để mô tả chính xác tình trạng sinh sản của từng cá thể. Nhờ vậy,quyết định của người chăn nuôi hay biện pháp xử lý sẽ chính xác và hiệu quả hơn nhằm rút ngắn khoảng cách hai lứa đẻ và giúp bò sớm lên giống trở lại sau khi sinh.

 

 

Tổng hợp: TS. Chung Anh Dũng

Nguồn: ias-cnsh.org
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác