Quản lý chăn nuôi bò sữa
Hạn chế của việc chăn nuôi bò sữa nhập nội ở Việt Nam và một số giải pháp khắc phục
Đặt vấn đề
Nước ta đã từng nhập nội một số giống bò sữa gốc ôn đới nhằm mục đích nhân thuần hoặc lai tạo giống. Các loại bò sữa thuần gốc ôn đới này nói chung có tiềm năng cho sữa cao hơn các giống bò sữa nhiệt đới (Red Sindhi, Sahiwal). Tuy nhiên tiềm năng ấy chỉ thể hiện khi bò được sống trong một môi trường sống thích hợp. Các yếu tố của môi trường sống bao gồm nhiệt độ, ẩm độ, gió, mưa, ánh sáng, chất lượng thức ăn, cách thức chăm sóc nuôi dưỡng và sự quản lí của người chăn nuôi. Đàn bò sữa nhập nội thực tế đã tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước và trải qua nhiều bước thăng trầm. Đã có nhiều mô hình nuôi bò sữa thành công, nhưng khó khăn và thất bại cũng không ít. Hiện tại, chăn nuôi bò sữa đang là một vấn đề thời sự. Để đáp ứng nhu cầu trước mắt về con giống, gần đây nhiều địa phương đã nhập bò sữa từ nước ngoài về để nuôi thích nghi. Liệu những địa phương nuôi bò sữa nhập nội này sẽ gặp những khó khăn hạn chế gì không? Phương hướng lâu dài cho công tác giống và chăm sóc nuôi dưỡng bò sữa nên như thế nào? Để góp phần giải đáp những vấn đề đó bài viết này trình bày khái quát những yếu tố ảnh hưởng bất lợi của khí hậu nhiệt đới lên bò sữa gốc ôn đới nhập nội, đánh giá thực tiễn nuôi bò sữa nhập nội ở nước ta trong nhiều năm qua, đồng thời nêu ra một số giải pháp giúp giảm thiểu các tác động bất lợi nhằm phát triển chăn nuôi bò sữa được rộng rãi và có hiệu quả hơn.
Khó khăn của việc nuôi bò sữa gốc ôn đới trong điều kiện nhiệt đới
Một điều hết sức quan trọng là phải nhận thức rõ ràng rằng năng suất sữa của bò không chỉ phụ thuộc vào phẩm giống đơn thuần mà còn phụ thuộc rất lớn vào môi trường trong đó bò được nuôi dưỡng. Nói cách khác năng suất sữa khai thác được trong thực tế là do kết quả tương tác giữa tiềm năng di truyền của con vật và các yếu tố môi trường, kể cả chăm sóc nuôi dưỡng. Về mặt khách quan, chăn nuôi bò sữa trong điều kiện khí hậu nóng ẩm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn ở các nước ôn đới. Các yếu tố khí hậu và thời tiết nhiệt đới nóng ẩm ảnh hưởng không thuận lợi đến sức khoẻ và sức sản xuất của bò sữa thông qua hai con đường:
- Ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ và ẩm độ cao lên cơ thể con vật.
- Ảnh hưởng gián tiếp qua chất lượng thức ăn và bệnh tật.
Do vậy, thành công của việc chăn nuôi bò sữa trong điều kiện nhiệt đới như ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào khả năng áp dụng kỹ thuật để khắc phục các tác động bất lợi trên do điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm gây ra.
Ảnh hưởng của nhiệt độ và ẩm độ cao đến trao đổi nhiệt và năng suất sữa của bò
Các yếu tố thời tiết khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến trao đổi nhiệt của cơ thể và do vậy mà ảnh hưởng đến khả năng thu nhận thức ăn, đến sức khoẻ và sản xuất của bò. Các yếu tố đó bao gồm nhiệt độ, ẩm độ, gió, bức xạ, thời gian chiếu sáng và lượng mưa. Trong các yếu tố này nhiệt độ và ẩm độ là những yếu tố quan trọng nhất.
Bò sữa là động vật máu nóng, vì vậy chúng phải cố gắng duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định mặc dù nhiệt độ môi trường luôn thay đổi. Muốn vậy, bò phải giữ được sự cân bằng giữa nhiệt sinh ra trong cơ thể và nhiệt thải ra khỏi cơ thể. Thân nhiệt bình thường ở bò sữa trưởng thành ổn định trong khoảng 38,5-39OC.
S¬ ®å 1: ChuyÓn ho¸ n¨ng lîng vµ sinh nhiÖt ë bß s÷a (NguyÔn Xu©n Tr¹ch, 2003a)
Nhiệt sinh ra trong cơ thể bò bao gồm nhiệt được giải phóng từ năng lượng dùng cho duy trì và lao tác của cơ thể cùng với toàn bộ năng lượng gia nhiệt (Sơ đồ 1). Do vậy, bò có khối lượng cơ thể càng lớn thì nhu cầu năng lượng duy trì càng nhiều và cuối cùng nhiệt sinh ra càng nhiều. Thức ăn thô nhiệt đới có chất lượng thấp, khó tiêu nên làm tăng gia nhiệt (liên quan đến thu nhận và tiêu hoá thức ăn) và do vậy mà tăng tổng lượng nhiệt sinh ra. Khi năng suất sữa càng cao thì nhiệt thừa sinh ra trong cơ thể bò càng nhiều (do gia nhiệt sản xuất tăng).
Có ít nhất 40% năng lượng hấp thu của bò sữa phải được giải phóng ra khỏi cơ thể dưới dạng nhiệt (Orskov, 2001). Các phương thức chính để thải nhiệt ở bò gồm bốc hơi nước, dẫn nhiệt, đối lưu và bức xạ nhiệt. Sự bốc hơi nước qua da (đổ mồ hôi) và phổi (thở) là con đường chủ yếu để thải nhiệt. Khi nhiệt độ từ 5-16OC thì bò sữa thở 15-30 lần/phút, còn khi nhiệt độ tăng cao thì nhịp thở tăng cao, có khi lên trên 80 nhịp/phút, bò thở dồn dập và nông (Đinh Văn Cải, 2003). Sự thoát nhiệt bằng cách bốc hơi nước của bò phụ thuộc nhiều vào ẩm độ môi trường. Ẩm độ môi trường càng cao thì càng cản trở bốc hơi nước từ bò nên quá trình thải nhiệt sẽ càng khó khăn. Mặt khác, nhiệt độ của môi trường cao lại cản trở thải nhiệt từ cơ thể qua con đường dẫn nhiệt. Chính vì thế, trong môi trường càng nóng ẩm thì sự thải nhiệt thừa càng bị trở ngại. Bức xạ nhiệt của môi trường cao và lưu thông gió kém (những ngày oi bức) thì quá trình thải nhiệt của bò thông qua bức xạ và đối lưu càng bị trở ngại. Ngoài ra, khả năng thải nhiệt của bò sữa gốc ôn đới còn bị hạn chế do tỷ diện bề mặt da (diện tích da/thể trọng) thấp (do thể trọng lớn và thường không có yếm, ít nếp nhăn). Do vậy, trong môi trường nóng ẩm con vật buộc phải hạn chế lượng thu nhận thức ăn (chính là nguyên liệu tạo sữa) để giảm sinh nhiệt và kết cục là năng suất sữa giảm sút rõ rệt cho dù con vật có tiềm năng (di truyền) cho sữa cao.
Khi nhiệt sinh ra trong cơ thể lớn hơn khả năng thải nhiệt thải vào môi trường thì thân nhiệt tăng và bò xuất hiện stress nhiệt. Bò bị stress nhiệt thì thu nhận thức ăn và năng suất sữa giảm tùy theo mức độ nghiêm trọng. Sự giảm sữa có thể khác nhau nhưng ước chừng nhiệt độ ở trực tràng tăng lên 1OC so với bình thường thì con vật giảm 1 lít sữa. Trong điều kiện bị stress nhiệt hàm lượng mỡ và protein sữa giảm, tế bào soma trong sữa tăng, đỉnh sữa của chu kỳ thấp thấp, hệ số sụt sữa cao. Mặt khác, hoạt động sinh sản cũng bị ảnh hưởng xấu. Bò chậm hoặc không động dục lại sau khi đẻ, biểu hiện động dục không rõ ràng, có khi có động dục mà mà không rụng trứng. Tỷ lệ phối giống đậu thai thấp, phôi có sức sống yếu, tỷ lệ phôi chết cao, nhất là những ngày đầu sau phối giống. Thai sống sót cũng phát triển kém, khối lượng bê sinh ra nhỏ (Johnson, 1992, Đinh Văn Cải, 2003).
Do tầm quan trọng đặc biệt của nhiệt độ và ẩm độ đối với khả năng thích nghi của bò đối với các vùng khí hậu khác nhau, nên người ta đã xây dựng chỉ số nhiệt-ẩm (THI) liên quan đến stress nhiệt của bò (bảng 1). Bò HF sẽ không bị stress nhiệt nếu THI <72, bị stress nhẹ khi THI = 72-78, bị stress nặng khi THI=79-88, bị stress nghiêm trọng khi THI=89-98 và sẽ bị chết khi THI>98. Do vậy, THI là một chỉ số rất hữu ích cần phải tham khảo khi quyết định chăn nuôi bò sữa nguồn gốc ôn đới trong một vùng nhiệt đới nào đó. Đồng thời chỉ số này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc điều hành chăm sóc nuôi dưỡng bò hàng ngày vì nó có thể cho ta dự đoán được vào một giai đoạn nào đó bò có thể bị stress hay không căn cứ vào nhiệt độ và ẩm độ môi trường lúc đó. Chỉ số THI này cũng phản ánh được rõ ràng rằng trong điều kiện ẩm độ càng cao thì bò đòi hỏi phải được sống trong điều kiện nhiệt độ càng thấp để không bị stress nhiệt. Đây là một khó khăn lớn cho phần lớn các vùng sinh thái ở Việt Nam.
Bảng 1: Bảng chỉ số nhiệt-ẩm (THI) dùng để dự đoán stress nhiệt ở bò sữa (Viersma, 1990)
Bảng 2 minh hoạ khả năng bị stress nhiệt của bò HF khi nuôi ở một số vùng có nhiệt độ và ẩm độ trung bình khác nhau. Các địa phương vùng cao như Lâm Đồng, Mộc Châu (Sơn La), Tuyên Quang nhờ có nhiệt độ bình quân (xa dưới 22OC) và chỉ số nhiệt ẩm (THI<72) thấp nên nguy cơ bị tác động trực tiếp của stress nhiệt là không lớn. Tuy nhiên, khả năng bị stress thực tế còn phụ thuộc vào chỉ số THI của từng tháng và từng ngày, thậm chí từng thời điểm trong ngày. Nói chung ở Việt Nam, trong các tháng mùa hè nhiệt độ và chỉ số nhiệt ẩm THI vượt xa giới hạn thích hợp đối với bò sữa. Căn cứ vào các thông số nhiệt độ và ẩm độ của mình các địa phương có thể lường trước được mức độ ảnh hưởng của stress nhiệt khi nuôi bò HF nhập nội.
Bảng 2: Nhiệt độ, ẩm độ và chỉ số nhiệt ẩm (THI) trung bình của một số địa phương
Địa phương |
Nhiêt độ trung bình tháng (OC) |
Ẩm độ trung bình tháng (%) |
Chỉ số nhiệt-ẩm (THI) trung bình |
Hà Nội |
23 |
84 |
73 |
Huế |
25 |
88 |
75 |
TP Hồ Chí Minh |
27 |
82 |
78 |
Lâm Đồng |
17,9 |
84 |
<72 |
Mộc Châu |
18,2 |
82,5 |
<72 |
Tuyên Quang |
20 |
80 |
<72 |
Do tác động tiêu cực của nhiệt độ và ẩm độ cao đến năng suất sữa nên cùng một giống bò nhưng nuôi ở các nơi càng nóng ẩm (THI cao) thì thu nhận thức ăn và năng suất sữa thực tế càng thấp (bảng 3). Bình quân lượng thu nhận thức ăn giảm 0,23 kg VCK/ngày và năng suất sữa giảm 0,26 lít/ngày khi THI tăng 1 đơn vị (Johnson, 1992). Do vậy, việc nuôi bò HF ở các nước càng nóng ẩm thì sẽ có nhiều hạn chế đến sức sản xuất sữa.
Bảng 3: Ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới đến năng suất sữa của bò HF (Johnson, 1992)
Nơi nuôi |
Chỉ số nhiệt-ẩm (THI) |
Năng suất sữa (kg/con/ngày) |
Missouri |
54 |
23 |
Mexico |
73 |
9 |
Ai Cập |
69 |
9 |
Guyana |
77 |
6 |
Ảnh hưởng thời tiết khí hậu đến chất lượng và tính mùa vụ của thức ăn
Thức ăn, đặc biệt là thức ăn thô, ở Việt Nam cũng như các nước nhiệt đới khác thường có chất lượng không cao như ở các nước ôn đới. Cây cỏ nhiệt đới thường có hàm lượng hydratcacbon bị lignin hoá cao nhưng hàm lượng protein lại thấp. Hơn nữa, hàm lượng khoáng cũng thấp và không cân bằng, đặc biệt là thường thiếu phốt-pho. Chính vì thế mà tỷ lệ tiêu hoá của cỏ nhiệt đới thấp hơn nhiều so với cỏ ôn đới. Vì tỷ lệ tiêu hoá của cỏ nhiệt đới thấp nên bò không ăn được nhiều (do tốc độ giải phóng thức ăn khỏi dạ cỏ chậm). Ngoài ra, do bò sữa gốc ôn đới đã được chọn lọc lâu dài trong điều kiện thức ăn tốt nên dung tích đường tiêu hoá (tính theo % thể trọng) thấp hơn nhiều (khoảng 33%) so với bò nhiệt đới. Bởi hai lý do này mà ngay cả khi mát mẻ bò sữa gốc ôn đới cũng không ăn được nhiều thức ăn thô nhiệt đới. Do khối lượng và chất lượng thức ăn thu nhận thấp nên năng suất sữa của bò ôn đới nuôi trong điều kiện nhiệt đới sẽ giảm xuống và trong một thời gian dài sức khoẻ và khả năng sinh sản của bò cũng giảm sút.
Mặt khác, mùa vụ có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của cỏ. Điều này thực tế đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả chăn nuôi bò sữa khi khả năng khắc phục tính "trạng mùa" về thức ăn còn nhiều hạn chế. Bảng 4 cho thấy biến động năng suất sữa bình quân trên toàn đàn qua các tháng trong năm của bò HF thuần nuôi tại Mộc Châu trước đây (Nguyễn Xuân Trạch, 1989) và ở Lâm Đồng gần đây (Nguyễn Xuân Trạch và Phạm Ngọc Thiệp, 2003). Trong các tháng đông-xuân đáng lẽ bò có thể cho nhiều sữa do có nhiệt độ và ẩm độ thấp, thế nhưng do thiếu cỏ và chất lượng cỏ thấp nên năng suất sữa thực tế của bò thấp hơn so với các tháng mùa hè-thu. Như vậy, tác động "gián tiếp” của thời tiết khí hậu qua nguồn thức ăn thô xanh ở hai địa phương này đã có ảnh hưởng mạnh hơn là tác dộng "trực tiếp" qua trao đổi nhiệt của cơ thể bò.
B¶ng 4: BiÕn ®éng n¨ng suÊt s÷a cña bß HF nu«i t¹i Méc Ch©u vµ L©m §ång (kg/con/ngày)
Tháng |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
Mộc Châu* |
9,6 |
9,2 |
9,7 |
10,3 |
11,8 |
12,1 |
12,0 |
11,9 |
11,5 |
11,1 |
10,9 |
10,6 |
Lâm Đồng** |
11,6 |
11,9 |
11,1 |
11,5 |
12,5 |
12,4 |
12,4 |
12,4 |
12,7 |
13,0 |
12,7 |
12,4 |
Ghi chú: * Nguyễn Xuân Trạch (1989), **Nguyễn Xuân Trạch và Phạm Ngọc Thiệp (2003)
Thực tế trong điều kiện nhiệt đới như ỏ Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng, mỗi mùa bò phải chịu một kiểu "khổ" khác nhau: mùa hè có nhiều cỏ xanh thì phải chịu nóng, mùa đông không bị nóng thì lại thiếu cỏ xanh. Vì vậy, khắc phục được sự thiếu hụt thức ăn thô xanh trong vụ đông xuân có ý nghĩa sống còn đối với chăn nuôi bò sữa ở nước ta.
Ảnh hưởng các điều kiện nhiệt đới đến bệnh tật của bò
Trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm bò sữa mang máu ôn đới rất dễ bị mắc bệnh, đặc biệt là bò cao sản. Do bị stress nhiệt nên bò dễ mẫn cảm với bệnh tật. Hơn nữa, trong môi trường nóng ẩm vi sinh vật gây bệnh dễ sinh sôi nảy nở nên các bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh và lan truyền. Viêm vú là một bệnh rất phổ biến đối với bò sữa khi nuôi trong điều kiện nóng ẩm. Mặt khác, trong môi trường ẩm độ cao các loại côn trùng như ruồi, muỗi, ve rất nhiều. Chúng không chỉ tấn công gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe của bò mà còn là trung gian truyền bệnh kí sinh trùng đường máu rất nguy hiểm. Bò sữa gốc ôn đới không có sức kháng tự nhiên đối với các bệnh ký sinh trùng đường máu như biên trùng và lê dạng trùng nên các bệnh này rất dễ xáy ra, nhất là trong mùa hè khi ký chủ trung gian là ve phát triển mạnh. Ở những nơi mà thức ăn xanh cung cấp cho bò là cỏ cắt nơi đồng trũng, ven kênh rạch thì có nguy cơ cỏ này mang mầm bệnh như sán lá gan và kí sinh trùng đường ruột khác. Bò HF mới nhập gặp thời tiết nóng làm cho khả năng đề kháng bệnh tật thấp nên dễ bị bệnh.
Vì những tác động trực tiếp và gián tiếp không thuận lợi nói trên nên ở các nước nhiệt đới bò sữa cao sản gốc ôn đới không thể phát huy hết tiềm năng cho sữa chúng . Tổng kết tình hình nuôi bò sữa gốc ôn đới trong điều kiện nhiệt đới, Syrstad (1992) có nhận xét:
Trong một vài trường hợp việc nhập nội nuôi thuần chủng các giống bò gốc ôn đới vào nuôi trong điều kiện nhiệt đới đã thành công, nhưng phần đa các trường hợp đã làm thất vọng và đôi lúc dẫn đến thảm hoạ. Bệnh tật, tỷ lệ chết cao, sinh sản kém là những hiện tượng phổ biến đối với bò ôn đới nhập nội cũng như các thế hệ con cháu của chúng. Những con sống được cũng không cho được mức sản xuất như mong đợi. Con gái sinh ra trong điều kiện nhiệt đới thường cho năng suất thấp hơn mẹ của chúng được nhập khi còn là bò tơ. Bò sữa ôn đới thuần chỉ nên nuôi ở những nơi mà stress nhiệt không lớn, có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng và thú y tốt.
Thực tiễn nuôi bò nhập nội ở Việt Nam
Nước ta đã từng có nhiều thời kỳ nhập nội bò sữa từ các nước khác nhau với một số giống bò khác nhau. Đặc biệt đáng chú ý là trong những năm 1970, chúng ta đã nhập khá nhiều bò sữa Holstein Friesian (HF) từ Cuba về nuôi và nhân thuần tại các cao nguyên có khí hậu mát mẻ như Mộc Châu (Sơn La) và Đức Trọng (Lâm Đồng). Kết quả theo dõi trên đàn bò này qua một số thế hệ đầu nuôi tại Mộc Châu từ 1978 đến 1986 (Bảng 5) cho thấy mặc dù bò Holstein này đã được “nhiệt đới hoá” ở Cuba nhưng khi sang nuôi ở Việt Nam vẫn giảm năng suất sữa và thể vóc qua các thế hệ.
Bảng 5: Khả năng cho sữa và sinh sản của bò Holstein thuần nuôi tại Mộc Châu (Nguyễn Xuân Trạch và Lê Văn Ban, 1994a,b)
Thế hệ bò HF |
|||
Gốc Cuba |
Mộc Châu I |
Mộc Châu II |
|
Năng suất sữa (kg/chu kỳ 1) |
4099 |
3445 |
3348 |
Tuổi đẻ lứa 1 (ngày) |
940,1 |
955,3 |
1064,4 |
Khoảng cách lứa đẻ (ngày) |
439,6 |
438,1 |
450,9 |
Khối lượng bê sơ sinh (kg) |
36,1 |
31,7 |
30,4 |
Ghi chú: Bò HF gốc Cuba là bò được nhập trực tiếp từ Cuba; Bò Mộc Châu I là con của bò gốc Cuba sinh ra tại Mộc Châu; Bò Mộc Châu II là con của bò Mộc Châu I.
Năng suất sữa tính bình quân trên toàn đàn cũng giảm rõ qua các năm đầu nuôi thích nghi ở M?c Châu và tỷ lệ sẩy thai đẻ non rất cao (Bảng 6). Mặt khác, bò Holstein thuần nuôi ở Mộc Châu dễ bị mắc bệnh ký sinh trùng đường máu (nhất là về mùa hè do ve phát triển mạnh), bệnh viêm vú và các bệnh sản khoa khác, do vậy mà tỷ lệ loại thải hàng năm cao.
Bảng 6: Diễn biến năng suất sữa và tỷ lệ sẩy thai đẻ non của bò Holstein qua một số năm đầu nuôi thuần chủng tại Mộc Châu (Nguyễn Xuân Trạch, 2003b)
Năm |
1976 |
1977 |
1978 |
1979 |
1980 |
1981 |
1982 |
1983 |
Năng suất sữa bình quân (kg/con/ngày) |
15,7 |
13,8 |
12,5 |
11,7 |
11,1 |
12,0 |
11,3 |
9,0 |
Tỷ lệ sẩy thai và đẻ non (%) |
2,1 |
7,1 |
6,0 |
10,6 |
11,4 |
8,9 |
6,8 |
5,6 |
Việc giảm sút năng suất sữa qua các thế hệ đầu và trong những năm đầu sau khi nhập nội như trên có thể một phần do thay đổi khí hậu. Mặc dầu Cuba là một nước nhiệt đới nhưng đó là một quốc đảo với khí hậu biển rất ôn hoà, có đồng cỏ chăn thả luân phiên khoa học với năng suất và chất lượng cỏ cao. Khi chuyển về Mộc Châu khí hậu tuy mát mẻ nhưng vần mang tính lục địa. Do vậy dù nguy cơ stress nhiệt không lớn nhưng bò HF nhập nội này vẫn phải chịu sự thay đổi về thời tiết khí hậu nên đã ảnh hưởng đến sự thích nghi. Tuy vậy, vấn đề cơ bản là do chăm sóc nuôi dưỡng không được tốt. Giai đoạn đầu đồng cỏ được xây dựng theo mô hình đồng cỏ chăn thả luân phiên của Cuba và được chuyên gia trực tiếp chỉ đạo nên việc đảm bảo dinh dưỡng cho bò khá tốt, do vậy bò cho năng suất khá cao (bình quân 15,6 kg/con/ngày). Càng về sau đồng cỏ ngày càng suy thoái mà không được phục trạng kịp thời trong khi số lượng đầu con tăng lên nên bò bị thiếu thức ăn thô xanh nghiêm trọng, đặc biệt là trong vụ đông-xuân. Đó là lý do chính làm cho năng suất bình quân trên toàn đàn giảm sút rõ rệt qua các năm về sau cùng như sự thoái hoá của các thế hệ sinh ra sau.
Trước đó bò lang trắng đen Trung Quốc cũng đã được nhập về nuôi ở Nông trường Ba Vì (Hà Tây). Tổng kết 10 năm sau đó cho thấy sản lượng sữa bị giảm 50%, khối lượng cơ thể bò mẹ giảm 25-30%, bê sơ sinh chết 80% (Hội Chăn nuôi Việt Nam, 2000). Tuy nhiên, sau đó đàn bò này được chuyển lên Mộc Châu và do ở đây có khí hậu mát mẻ hơn và được nuôi dưỡng tốt hơn nên sản lượng sữa dần dần được nâng lên. Điều này cho thấy tầm quan trọng của điều kiện khí hậu và chăm sóc nuôi dưỡng đối với bò sữa gốc ôn đới nhập nội.
Trong những năm gần đây, một mặt do các thế hệ bò về sau sinh ra trong nước đã thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu, mặt khác do chăn nuôi bò sữa có lãi, việc đầu tư cho chăm sóc nuôi dưỡng bò được tốt hơn nên năng suất sữa của bò đã tăng lên liên tục qua các năm (bảng 7). Đặc biệt, ở những vùng mát mẻ có nhiệt độ <22OC hay THI<72 với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh thú y tốt thì việc nuôi được bò HF thuần chủng rất khả quan. Một khảo sát gần đây tại các cơ sở chăn nuôi bò HF tập trung và nông hộ ở Lâm Đồng cho thấy bò HF ở đây rất ít bệnh tật và cho năng suất sữa cao, đặc biệt trong khu vực chăn nuôi nông hộ nơi bò đã được chọn lọc, nuôi dưỡng và chăm sóc tốt hơn (bảng 8).
Bảng 7: Năng suất sữa bình của bò qua các năm (1000kg/chu kỳ 305 ngày)
(Cục Khuyến nông-Khuyến lâm, 2002)
Năm |
1990 |
1992 |
1994 |
1996 |
1998 |
2000 |
2002 |
Bò HF thuần |
2,8 |
3,2 |
3,3 |
3,4 |
3,6 |
3,7 |
3,9 |
Bò lai HF |
2,1 |
2,2 |
2,3 |
2,5 |
2,8 |
3,1 |
3,3 |
bß Holstein Friesian nu«i t¹i L©m §ång
(Nguyễn Xuân Trạch và Phạm Ngọc Thiệp, 2003)
|
Nu«i tËp trung |
N«ng hé |
||
C«ng ty LD Thanh S¬n |
C«ng ty gièng bß s÷a L©m §ång |
TP §µ L¹t |
HuyÖn §¬n D¬ng |
|
Năng suất sữa chu kỳ (kg) |
5276,9 |
4487,9 |
5488,7 |
6186,9 |
Năng suất bình quân (kg/ngày) |
17,49 |
14,71 |
18,00 |
20,28 |
Gần đây một số bò HF và bò Jersey được nhập từ Mỹ và một số lượng lớn bò được nhập từ Australia và New Zealand về nuôi ở nhiều vùng khác nhau trong nước, kể cả ở đồng bằng và những nơi lần đầu tiên chăn nuôi bò sữa. Nguồn gốc lý lịch và chất lượng giống của những bò nhập từ hai nước này không rõ ràng (có thể gồm cả bò HF, AFS, AMZ, NZFS). Cho đến nay, một số nơi cho thấy kết quả khá tốt, nhưng nhiều vấn đề về sức khoẻ, bệnh tật và năng suất thấp cũng rất đáng quan tâm. Cần phải có thêm thời gian dài hơn nữa mới đánh giá được khả năng thích nghi của những bò này trong điều kiện của các vùng khác nhau của nước ta. Tuy nhiên, cần phải coi việc nhập này là nhập nguồn gen và là một giải pháp tình thế và hết sức thận trọng bởi vì như đã phân tích ở phần trước nuôi thích nghi những bò này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi nuôi ở vùng đồng bằng (nóng ẩm) và/hay chưa có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa.
Trong số những nơi ta nhập bò vừa rồi thì bang Queensland của Australia được coi là có khí hậu nhiệt đới gần với Việt Nam nhất. Tuy nhiên, khí hậu ở đó ôn hoà hơn nhiều so với ở Việt Nam. Nhiệt độ trung bình ở đó vào tháng cao nhất là 25OC (tháng 12 và tháng 1) và tháng thấp nhất dưới 15OC (tháng 6-7). Đặc biệt độ ẩm ở đó thấp, trung bình khoảng 60%. Như vậy, ngay cả vào tháng nóng nhất thì chỉ số nhiêt-ẩm (THI) trung bình cũng chỉ khoảng 72, thấp hơn chỉ số THI trung bình cả năm của nhiều vùng của Việt Nam (trừ các cao nguyên như Lâm Đồng). Điêù đó có nghĩa là bò ở Queensland chỉ hơi bị stress nhiệt nhẹ vào tháng nóng nhất, trong khi đó ở Việt Nam bò hầu như luôn luôn bị stress nhiệt vào phần lớn các tháng trong năm nếu nuôi ở vùng đồng bằng.
Mặt khác, ở Australia và New Zealand bò được sống trong điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc rất khác so với ở Việt Nam sau khi nhập về. Ở hai nước này bò được chăn thả tự do thoải mái trên đồng cỏ rộng lớn, năng suất và chất lượng cỏ rất tốt. Vào mùa khô tuy cỏ trên đồng cỏ thiếu hụt nhưng chúng lại được bổ sung thêm cỏ khô, cỏ ủ xanh dự trữ chất lượng cao và khoáng hỗn hợp. Hơn nữa, trình độ quản lí của chủ trại, tính chuyên nghiệp của công nhân chăn nuôi rất cao, vì nuôi bò là một nghề truyền thống. Khi chúng được chuyển đột ngột qua Việt nam, không những môi trường tự nhiên mới quá khác biệt mà chúng phải trải qua một thời kỳ "tân đáo” với đủ loại stress “nhân tạo”. Hết thời gian nuôi tân đáo phần lớn bò được chuyển về nuôi tập trung hay phân tán tại các nông hộ theo phương thức nuôi nhốt trong điều kiện vệ sinh chuồng trại và nuôi dưỡng kém.
Phần lớn nông dân nuôi bò nhập nội hiện nay chưa có kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa. Có nhiều người lần đầu tiên nuôi bò nên không biết phát hiện bò động dục, không biết phát hiện viêm vú, không có khái niệm về stress nhiệt ở bò sữa, không biết phối hợp khẩu phần và cho ăn hợp lý. Một bộ phận lớn bò nhập nội hiện đang được nuôi trong chuồng lợn cũ rất chật chội tù túng và cho ăn không khác mấy so với nuôi lợn. Nhiều nông hộ đã cho bò ăn quá nhiều thức ăn tinh (do không nhận thức được tầm quan trọng của thức ăn thô xanh với bò sữa hay do thực tế không có đủ cỏ, đặc biệt là trong mùa đông) nên đã làm cho bò bị rối loạn tiêu hoá, bị các bệnh về trao đổi chất và thậm chí bò đã bị chết. Bệnh về chân móng là một hậu quả của việc chuyển bò từ chỗ chăn thả tự do trên đồng cỏ sang nuôi nhốt trên nền xi-măng và cho ăn nhiều thức ăn tinh.
Có thể đưa ra vài ví dụ để nói rằng trình độ và kinh nghiệm của nông dân ta còn quá thấp để có thể đáp ứng được yêu cầu của bò sữa, đặc biệt là bò HF mới nhập nội. Một số nông hộ ở Lương Sơn (Hoà Bình) do quá "quý" bê nên đã cho chúng ăn tới 10 kg sữa/ngày, không những không kinh tế trước mắt mà chắc chắn những con bê này sẽ bị khủng khoảng sau cai sữa và về sau khả năng tiêu hoá thức ăn thô của bò sẽ không tốt. Cũng tại đây nhiều hộ đã và đang cho bò ăn một chế phẩm "kích sữa" chứa các vitamin nhóm B, tốn tiền mà chẳng ích lợi gì vì vitamin nhóm B vi sinh vật dạ cỏ tự tổng hợp được. Còn có cả chuyện nực cười nữa là (theo Phạm Kim Cương, 2003) có nông dân mới nuôi bò sữa nhập nội ở Hà Nam đã mua bột sắn dây về cho bò ăn để “giải nhiệt” trong mùa hè.
Các giải pháp khắc phục khí hậu nóng ẩm
Các giải pháp chuồng trại
Thiết kế chuồng trại hợp lý sẽ giúp cho việc điều hoà nhiệt độ và ẩm độ không khí, hạn chế được stress nhiệt cho bò. Trái lại nếu thiết kế chuồng nuôi không hợp lý thì nhiệt độ và ẩm độ trong chuồng có thể cao hơn môi trường bên ngoài, gây bất lợi cho bò sữa khi trời nóng. Chuồng nuôi phải làm nơi cao ráo và thông thoáng. Mái chuồng cao và lợp bằng vật liệu cách nhiệt tốt. Xung quanh chuồng nên trồng cây bóng mát hoặc che mái rộng để cản ánh nắng chiếu trực tiếp. Nếu nuôi bò chăn thả thì trên bài chăn và đường đi cũng cần trồng cây bóng mát và/hay làm lán che mát cho bò. Trong chuồng nên lắp quạt thông gió và có hệ thống phun nước làm mát để hoạt động những lúc trời nóng. Kết hợp phun nước dưới dạng hạt sương với quạt gió sẽ làm mát chuồng nuôi và làm tăng khả năng bốc hơi nước trên mình gia súc cũng như làm tăng sự mất nhiệt do đối lưu.
Theo kinh nghiệm của một số nước nhiệt đới, vòi phun bụi nước và quạt gió đặt cao cách lưng bò 1,2-1,5m và phun theo chu kỳ 30 giây rồi quạt 5 phút theo chế độ tự động vào lúc trời nóng cho hiệu quả rất tốt. Ở nước ta những nơi chăn nuôi tập trung và các nông hộ có 10 bò trở lên nên lắp đặt hệ thống phun nước và quạt gió như vậy. Các hộ chăn nuôi nhỏ không có điều kiện đầu tư hệ thống quạt và phun sương tự động thì cần dội nước lên mình bò. Phun nước lên mái chuồng cũng là một cách làm mát tiểu khí hậu chuồng nuôi giúp bò được thoái mái hơn. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu cụ thể hơn cả về mặt kỹ thuật và kinh tế chuồng nuôi bò sữa ở nước ta với những mức độ đầu tư khác nhau cho các quy mô chăn nuôi và vùng sinh thái khác nhau.
Các giải pháp nuôi dưỡng
Khi thời tiết nóng bò giảm thu nhận thức ăn, vì vậy để đảm bảo cho bò ăn đủ dinh dưỡng thì cần phải sử dụng những loại thức ăn có chất lượng cao. Cho ăn thức ăn dễ tiêu và có nồng độ dinh dưỡng cao sẽ đảm bảo được tổng nhu cầu dinh dưỡng cho bò khi lượng thu nhận vật chất khô giảm, đồng thời giúp giảm năng lượng gia nhiệt (liên quan đến tiêu hoá thức ăn) nên hạn chế được sinh nhiệt trong cơ thể bò. Nên cho bò ăn thức ăn xanh chất lượng cao như cỏ non phơi héo (để vật chất khô đạt trên 25%). Khi ăn và tiêu hoá thức ăn thô nhiệt sinh ra nhiều, cho nên cần cho ăn thức ăn thô vào lúc trời mát (sáng sớm và chiều tối). Có thể phải tăng lượng thức ăn tinh lên để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bò nhưng phải chia làm nhiều bữa hay trộn đều với thức ăn thô xanh để tránh rối loạn tiêu hoá và ức chế tiêu hoá của vi sinh vật dạ cỏ đối với khẩu phần cơ sở. Có thể tăng hàm lượng năng lượng cho khẩu phần và giảm gia nhiệt bằng cách cho ăn nhiều các loại hạt có dầu để tăng hàm lượng chất béo.
Đảm bảo cho bò luôn có đủ nước sạch uống tự do suốt ngày đêm cũng giúp chống nóng. Uống nước lạnh giúp bò thải nhiệt vì uống vào nước lạnh và thải ra nước tiểu nóng làm giảm nhiệt độ cơ thể. Bò chưa thích nghi với môi trường nóng có nhu cầu nước cao hơn so với bò đã thích nghi (Đinh Văn Cải, 2003).
Ngoài biện pháp nuôi dưỡng bò hợp lý trong mùa hè thì chiến lược giải quyết đầy đủ thức ăn thô cho bò trong vụ đông (mùa khô) là một yếu tố sống còn đối với chăn nuôi bò sữa. Thế nhưng hiện nay vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở cả khu vực chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nông hộ. Cần phải hiểu rõ rằng trong mùa đông/khô hạn cả năng suất và chất lượng cỏ tự nhiên cũng như cỏ trồng đều giảm sút nghiêm trọng nên thường không đảm bảo đủ dinh dưỡng cung cấp cho bò. Nếu không khắc phục được tình trạng này thì không những năng suất sữa giảm sút mà sức khoẻ và khả năng sinh sản của bò cũng bị đe doạ. Để đảm bảo cho bò có đủ thức ăn thô xanh quanh năm, một số giải pháp sau cần phải được áp dụng:
- Dự trữ cỏ thu cắt trong mùa hè-thu bằng phương pháp ủ xanh và làm cỏ khô.
- Trồng bổ sung một số loại cây cỏ có thể phát triển được trong mùa đông/khô, đặc biệt là gần những nơi có nguồn nước.
- Chế biến dự trữ các loại phụ phẩm xơ thô (như rơm rạ, cây ngô sau thu bắp, ngọn lá mía, vv) để cho bò ăn trong mùa thiếu cỏ xanh.
Các giải pháp về giống
Nhập nội và nhân thuần
Chúng ta có thể nhập nội và nhân thuần bò HF nhưng phải hết sức thận trọng. Bò HF thuần cần phải có thời gian để thích nghi với thời tiết nóng ẩm. Con non sinh ra trong môi trường nóng dễ thích nghi hơn những con được nhập từ nơi khác về. Bò nhập lúc càng non thì càng dễ thích nghi với môi trường mới hơn. Chính vì vậy, khi nhập bò HF vào những nơi có khí hậu nóng ẩm ta nên nhập chúng ở độ tuổi còn non (bê từ sau cai sữa đến trước khi thành thục về tính). Nhập phôi để cấy truyền cho bò địa phương được xem là phương pháp nhập nội tốt hơn so với nhập bò sống vì bê sinh ra dễ thích nghi hơn và không có nguy cơ "nhập nội" các bệnh lạ.
Thời điểm nhập gia súc cũng có tác động lớn đến sức khoẻ đàn bò nhập. Tốt nhất là nên nhập vào mùa mát mẻ. Giai đoạn nuôi tân đáo đặc biệt quan trọng, cần coi đây là giai đoạn chuyển tiếp giúp bò thích nghi dần với môi trường sống mới. Trong thời gian nuôi tân đáo bò phải được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt và tạo ra cho bò những điều kiện trung gian để chúng có thể “chuyển tiếp” được dễ dàng.
Nói chung, bò HF thuần chỉ thích nghi tốt với điều kiện nhiệt độ dưới 22OC hay THI <72. Hơn nữa, nuôi bò HF thuần đòi hỏi phải có kĩ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và quản lí rất cao mới phát huy hết tiềm năng cho sữa. Trong điều kiện càng nóng ẩm bò HF càng dễ cảm nhiễm bệnh tật. Do vậy, chỉ nên nuôi bò HF thuần chủng ở những vùng khí hậu mát mẻ, có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh thú y tốt. Những người mới khởi sự chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là ở đồng bằng, không nên nuôi bò HF thuần.
Nhập nội và nuôi bò Jersey thuần cũng là một khả năng cần được nghiên cứu kỹ cả về mặt mặt kinh tế và kỹ thuật. Trước đây bò này đã từng được nuôi, nhưng do năng suất sữa không bằng bò HF nên không được ưa chuộng. Tuy nhiên cần phải biết rằng bò này có tầm vóc nhỏ hơn, chịu nóng tốt hơn và tiêu tốn ít thức ăn hơn bò HF (do nhu cầu duy trì thấp). Bò Jersey sản xuất nhiều sữa trên một đơn vị thể trọng hơn các giống bò khác. Chính vì thế nuôi bò Jersey rất có khả năng sẽ cho hiệu quả kinh tế tốt.
Lai tạo bò hướng sữa
Nhằm tạo ra bò lai hướng sữa, nước ta đã cho lai phổ biến giữa bò đực Holstein với bò cái Lai Sind. Ngoài ra bò Vàng, bò Sind hay bò Sahiwal thuần cũng đã được dùng để lai với bò đực Holstein. Bò lai hướng sữa hiện nay này có các mức máu Holstein Friesian (HF) khác nhau tuỳ theo thế hệ lai: F1 (1/2 HF), F2 (3/4 HF), F3 (7/8 HF) hay F2 (5/8 HF). Nhìn chung, thể vóc và sức sản xuất của các loại bò lai này không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ máu bò Holstein mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ máu Sind hay Sahiwal (từ bò mẹ). Tỷ lệ máu bò Holstein càng cao thì tiềm năng cho sữa càng cao, nhưng khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới càng kém. Tỷ lệ máu Sind/Sahiwal trong bò cái nền càng cao thì tầm vóc và năng suất sữa của con lai càng tốt.
Bảng 9: Một số chỉ tiêu về sức sản xuất sữa, sinh sản và sức khoẻ của bò lai Holstein x bò Vàng (Hà-Việt) nuôi tại Mộc Châu (Nguyễn Xuân Trạch, 2003b)
Chỉ tiêu theo dõi |
Loại bò lai (Hà-Việt) |
||
F1 (1/2 HF) |
F2 (3/4 HF) |
F3 (7/8 HF) |
|
N S sữa lứa 1 (kg/ngày) |
5,6 |
8,4 |
7,9 |
Chu kỳ tiết sữa (ngày) |
209 |
279 |
252 |
Sữa/100kg thể trọng |
329 |
635 |
534 |
Số lần phối/thụ thai |
1,52 |
1,34 |
1,60 |
Tỷ lệ sẩy thai & đẻ non (%) |
2,89 |
6,65 |
7,15 |
Tỷ lệ bê sơ sinh chết yểu (%) |
1,60 |
2,75 |
8,34 |
Khoảng cách lứa đẻ (ngày) |
386,9 |
382,9 |
390,1 |
Theo dõi các loại bò lai giữa bò Holstein với bò Vàng (Hà-Việt) nuôi ở Mộc Châu vào cuối những năm 1970 cho thấy rằng bò F2 (3/4 HF) cho kết quả tốt nhất (Bảng 9). Tăng tỷ lệ máu bò Holstein lên cao hơn nữa (7/8 HF) làm giảm năng suất sữa và khả năng sinh sản. Như vậy ngay cả ở nơi được coi là có thể nuôi bò Holstein thuần chủng thì việc tăng tỷ lệ máu bò Holstein lên quá cao cũng không tốt bằng con lai có 3/4 máu Holstein. Xu hướng này cũng phù hợp với kết quả theo dõi gần đây ở TP Hồ Chí Minh (Bảng 10) và ngoại thành Hà Nội (Bảng 11) trên bò lai Hà-Ấn (Holstein x Lai Sin), mặc dù những bò lai Hà-Ấn này cho năng suất sữa cao hơn nhiều. Khi tăng tỷ lệ máu HF lên quá cao (7/8 HF) có hiện tượng giảm khả năng sinh sản và bị stress nhiệt (nhịp thở tăng), và do đó mà năng suất sữa giảm xuống, bò dễ bị bệnh và tỷ lệ loại thải cao. Tuy nhiên, một số khảo sát gần đây nhất cho thấy nếu được nuôi dưỡng chăm sóc và có giải pháp chống nóng tốt thì bò lai F3 (7/8 HF) cũng có thể cho năng suất sữa cao hơn bò F2 (3/4 HF) ngay cả trong điều kiện đồng bằng.
Bảng 10: Một số chỉ tiêu về sức sản xuất sữa, sinh sản và sức khoẻ của bò lai Hà-Ấn nuôi tại TP Hồ Chí Minh (Nguyễn Quốc Đạt, 1999)
Chỉ tiêu theo dõi |
Loại bò lai (HàẤn) |
||
F1 (1/2 HF) |
F2 (3/4 HF) |
F3 (7/8 HF) |
|
Năng suất sữa (kg/chu kỳ) |
3671 |
3858 |
3457 |
Tỷ lệ mỡ sữa (%) |
3,8 |
3,7 |
3,7 |
Tỷ lệ protein sữa (%) |
3,3 |
3,3 |
3,2 |
Số lần phối/thụ thai |
1,7 |
1,9 |
2,1 |
Tỷ lệ viêm vú (%) |
2,0 |
7,4 |
5,0 |
Khoảng cách lứa đẻ (ngày) |
440 |
457 |
461 |
Tỷ lệ loại thải năm đầu (%) |
5,0 |
6,3 |
7,9 |
Nhịp thở/phút (ban trưa) |
41,8 |
45,7 |
49,7 |
Bảng 11: Một số chỉ tiêu về sức sản xuất sữa và sinh sản của bò lai HF (Holstein x Lai Sin) nuôi tại Phù Đổng, Hà Nội (Nguyễn Xuân Trạch, 2003b)
Chỉ tiêu theo dõi |
Loại bò lai (Hà-ấn) |
||
F1 (1/2 HF) |
F2 (3/4 HF) |
F3 (7/8 HF) |
|
Sản lượng sữa (kg/305ngày) |
3615 |
3757 |
3610 |
Chu kỳ tiết sữa (ngày) |
303,7 |
326,8 |
320,9 |
Tỷ lệ mỡ sữa (%) |
3,95 |
3,48 |
3,46 |
Tỷ lệ protein sữa (%) |
3,58 |
3,50 |
3,56 |
Tỷ lệ VCK không mỡ của sữa (%) |
9,84 |
9,31 |
9,41 |
Khoảng cách lứa đẻ (ngày) |
475,6 |
480,3 |
497,8 |
Việc lai giữa bò nhiệt đới với bò sữa gốc ôn đới nhằm tạo con lai hướng sữa thực ra đã được thực hiện trên một trăm năm nay ở các nước nhiệt đới khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc lai với bò sữa gốc ôn đới đã làm tăng rõ rệt năng suất sữa của con lai đời đầu tiên (F1) so với bò địa phương. Bò cái lai F1 đẻ lứa đầu sớm hơn, cho năng suất sữa cao gấp 2-3 lần, có chu kỳ sữa dài hơn và khoảng cách giữa các lứa đẻ ngắn hơn, tuy tỷ lệ chết và cảm nhiễm bệnh tật có hơi cao hơn bò địa phương chút ít. Những kết quả có được như vậy rõ ràng là do nguồn gen từ giống ngoại mang lại và do vậy mà người ta muốn tăng máu ngoại (bò ôn đới) trong con lai để tăng năng suất sữa hơn nữa bằng cách cho lai trở ngược với đực ngoại. Tuy nhiên, kết quả thường không được như mong đợi và thậm chí trong nhiều trường hợp năng suất còn bị giảm đi. Tỷ lệ máu bò ôn đới càng tăng thì tỷ lệ chết càng tăng và khả năng sinh sản càng giảm xuống. Điều này phần nào có thể thấy được qua kết quả tổng hợp 54 nguồn dữ liệu của Syrstad (1988) ở Bảng 12.
Bảng 12: Năng suất sữa và sức sinh sản của bò zebu, bò sữa gốc ôn đới và con lai của chúng ở vùng nhiệt đới (Syrstad, 1988)
Tỷ lệ máu bò ôn đới |
Năng suất sữa (kg) |
Tuổi đẻ lứa đầu (tháng) |
Khoảng cách lứa đẻ (ngày) |
0 (bò zebu) |
1052 |
43,6 |
459 |
1/8 |
1371 |
40,1 |
450 |
3/8 |
1553 |
36,1 |
435 |
1/2 ( F1) |
2039 |
32,4 |
429 |
5/8 |
1984 |
33,8 |
432 |
3/ 4 |
2091 |
33,9 |
450 |
7/8 |
2086 |
34,4 |
459 |
1 (bò ôn đới) |
2162 |
31,6 |
460 |
1/ 2 ( F2, từ F1 x F1) |
1523 |
33,7 |
449 |
Như vậy có thể phải dùng bò đực lai để cố định tỷ máu bò ôn đới. Tuy nhiên nhiều kết quả dùng bò F1 tự giao cho thấy đời sau thường có năng suất sữa và khả năng sinh sản thấp hơn bò F1 thế đầu (Bảng 12). Điều này có thể giải thích là do hiện tương phân ly ở các thế hệ sau đã làm giảm ưu thế lai. Cũng do sự phân ly này mà màu lông của con lai sau đó rất khác nhau, có thể không đáp ứng được thị hiếu của người chăn nuôi. Ưu thế lai giữa bò zebu (nhiệt đới) và bò sữa ôn đới thể hiện ở đời F1 đầu tiên là rất mạnh do có sự khác biệt lớn về di truyền giữa bố và mẹ. Ưu thế lai này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện môi trường có nhiều yếu tố gây stress. Để cố định tỷ lệ máu bò ôn đới (chủ yếu là Holstein) hiện nay một số nước như Thái Lan dùng phổ biến bò đực lai F2 (3/4 HF) trong chương trình nhân giống bò sữa của họ. Việc đưa máu bò Jersey vào các công thức lai cũng cần được nghiên cứu.
Kết luận
Từ những phân tích trên, một số kết luận có thể rút ra như sau:
- Nhiệt độ và ẩm độ cao cản trở khả năng thải nhiệt của bò sữa nguồn gốc ôn đới nên làm giảm lượng thu nhận thức ăn và năng suất sữa của chúng. Do đó cần phải có các giải pháp về chuồng trại và nuôi dưỡng để giảm stress nhiệt cho bò ôn đới nhập nội ở những nơi/thời gian có nhiệt độ cao hơn 22oC hay chỉ số nhiệt ẩm trên 72. Để an toàn bò sữa thuần chủng gốc ôn đới chỉ nên nuôi ở những vùng cao có khí hậu mát mẻ và có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh thú y tốt.
- Khí hậu nhiệt đới ảnh hưởng không tốt tới chất lượng thức ăn thô xanh, tính mùa vụ của thời tiết làm giảm năng suất và chất lượng cỏ cho bò trong mùa đông/khô. Do vậy, chiến lược đảm bảo đủ thức ăn thô xanh quanh năm cho bò sữa có ý nghĩa sống còn.
- Khi được nuôi ở những nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ, điều kiện nuôi dưỡng và vệ sinh thú y tốt thì bò lai có nhiều máu bò sữa ôn đới sẽ phát huy được tiềm năng cho sữa tốt hơn, ngược lại khi gặp điều kiện sống khó khăn thì bò có nhiều máu ôn đới sẽ chịu ảnh hưởng (xấu) nhiều hơn. Bò lai có 50-75% máu bò sữa ôn đới (HF) có thể nuôi ở nhiều vùng trong nước. Muốn tăng tỷ lệ máu bò ôn đới lên cao hơn nữa thì đòi hỏi phải có các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt mới phát huy được tiềm năng di truyền cho sữa cao của chúng và hạn chế được tổn thất.
Tài liệu tham khảo chính
Cục Khuyến nông-Khuyến lâm (2002) B¸o c¸o t×nh h×nh ch¨n nu«i bß s÷a n¨m 2002.
Đinh Văn Cải (2003) Nuôi bò Hà Lan thuần (HF) nhập nội.
http://www.vcn.vnn.vn/quitrinh/QT_2003/qt_20_11_2003_1.htm
Hội Chăn nuôi Việt Nam (2000) Cẩm nang chăn nuôi gia súc gia cầm Tập 3. NXB Nông nghiệp Hà Nội.
Johnson, H.D. (1992) The lactating cow in the various ecosystems: environmental effects on its productivity. Feeding dairy cows in the tropics. FAO animal production and health paper 86: 9-21.
Nguyễn Quốc Đạt (1999) Một số đặc điểm về giống của bò cái lai (Holstein Friesian x Lai Sin) hướng sữa nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sỹ khoa học nông nghiệp. Viện KHKTNN Việt Nam.
NguyÔn Xu©n Tr¹ch (1989) X©y dùng hÖ sè tr¹ng mïa vÒ n¨ng suÊt s÷a cña ®µn bß Holstein nu«i t¹i Méc Ch©u. Th«ng tin Khoa häc kü thuËt n«ng nghiÖp, §¹i häc N«ng nghiÖp 1-Hµ Néi, Sè 1/1989.
NguyÔn Xu©n Tr¹ch (2003a) Sö dông phô phÈm n«ng nghiÖp nu«i gia sóc nhai l¹i. NXB N«ng nghiÖp-Hµ Néi. 180 trang
Nguyen Xuan Trach (2003b) Quelles races de vaches laitiÌres devrient-elles ªtre ÐlevÐes au Vietnam? Livestock Research for Rural Development 15 (4). http://www.cipav.org.co/lrrd/lrrd15/4/trac154a.htm
NguyÔn Xu©n Tr¹ch vµ Lª V¨n Ban (1994a) DiÔn biÕn søc s¶n xuÊt s÷a cña bß Holstein thuÇn ë Méc Ch©u- Th«ng tin khoa häc kü thuËt n«ng nghiÖp. Sè 2/1994. Trêng §HNN1. Trang 1-3.
NguyÔn Xu©n Tr¹ch vµ Lª V¨n Ban (1994b) Thùc tr¹ng sinh s¶n cña ®µn bß s÷a Holstein thuÇn nu«i t¹i Méc Ch©u. Th«ng tin khoa häc kü thuËt n«ng nghiÖp. Sè 1/1994. Trêng §HNN1 - Hµ néi. Trang 3-4.
Nguyễn Xuân Trạch và Phạm Ngọc Thiệp (2003) Sức sản xuất sữa của bò Holstein Friesian nuôi tại Lâm Đồng. Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp Tập 1 Số 4.
Orskov, E.R. (2001) Sustainable Resource Management and Rural Development in Vietnam. Paper presented at a seminar on ruminant nutrition held in Hanoi on 12 January 2001.
Syrstad, O. (1988) Crossbreeding for increased milk production in the tropics. Norwegian Journal of Agricultural Sciences 2:197-185.
Syrstad, O. (1992) The role and mechanisms of genetic improvement in production systems constrained by nutritional and environmental factors. Feeding dairy cows in the tropics. FAO animal production and health paper 86: 48-65.
Nguyễn Xuân Trạch-Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội