Quản lý chăn nuôi bò sữa
Không nên nuôi bò sữa bằng khẩu phần có nhiều thức ăn tinh
Dùng nhiều thức ăn tinh cho bò sữa không những không làm tăng sản lượng sữa mà còn gây rối loạn tiêu hoá và chuyển hoá, rút ngắn tuổi sản xuất, đôi khi còn dẫn đến chết.
Dạ cỏ bò giống như một chiếc thùng lên men lớn (dung tích 200-250 lít) chứa một quần thể khổng lồ vi sinh vật. Cứ một mililít dịch dạ cỏ chứa từ 1 đến 10 tỷ vi khuẩn (bacteria) và từ 10 vạn đến 1 triệu động vật nguyên sinh (protozoa). Số lượng này bằng ba bốn trăm lần dân số trên hành tinh của chúng ta. Quần thể vi sinh vật chỉ tồn tại và phát triển trong những điều kiện thích hợp như nhiệt độ (39-400C), pH gần trung tính (6,4-7), độ ẩm cao (85-90% nước) và liên tục nhận được các chất dinh dưỡng từ thức ăn ăn vào.
Tuỳ thuộc vào sản phẩm lên men, người ta chia vi khuẩn làm ba nhóm chính đó là nhóm lên men phân giải chất xơ, nhóm phân giải bột đường và nhóm phân giải protein và urê. Sản phẩm phân giải xơ và bột đường của vi khuẩn dạ cỏ là các axit béo như axit axetic, axit propionic và axit butyric (gọi chung là các axit béo bay hơi dạ cỏ). Sản phẩm phân giải protein là amoniac (NH3). Chính axit béo được ví như xăng của ôtô, là nguồn năng lượng của con vật, còn amoniac lại được vi sinh vật dạ cỏ sử dụng để tổng hợp nên protein của chúng, rồi trở thành nguồn protein của con vật chủ sau khi được tiêu hoá hấp thu ở ruột.
Khẩu phần nhiều thức ăn tinh làm sản sinh nhiều axit béo bay hơi trong dạ cỏ, pH dịch dạ cỏ giảm. Với khẩu phần giầu thức ăn tinh, bò nhai lại cũng ít hơn, nước bọt tiết cũng ít hơn so với khẩu phần chứa nhiều thúc ăn thô giầu xơ. Nước bọt chứa chất đệm (muối bicacbonat) để trung hoà axit dạ cỏ. Khi nước bọt tiết ít, axit sản sinh không được trung hoà, pH dạ cỏ giảm mạnh. pH thấp (<6) vi khuẩn phân giải xơ hoạt động kém dẫn đến giảm tỷ lệ tiêu hoá xơ của khẩu phần.
Trong trường hợp quá nhiều thức ăn tinh (trên 9kg/ngày) hoặc chuyển đột ngột từ khẩu phần thức ăn thô sang khẩu phần chỉ có thức ăn tinh hoặc con vật bị bỏ đói lâu ngày, sau đó cho ăn ngay thức ăn tinh không có thức ăn thô, ở dạ cỏ sẽ có quá trình lên men axit lactic, pH dạ cỏ lại tiếp tục giảm xuống (< 5), vi khuẩn phân giải xơ và protozoa bị chết, nhu động dạ cỏ rất yếu, dạ cỏ bị viêm.
Axit lactic tích tụ nhiều ở dạ cỏ làm tăng áp xuất thẩm thấu dịch dạ cỏ, lúc này nước đổ dồn vào dạ cỏ, gây mất nước toàn thân (bị nhẹ nước mất 4-6%, bị nặng nước mất 10-12% khối lượng cơ thể). Axit lactic hấp thu qua vách dạ cỏ vào máu làm cho máu bị axit (acidosis), hồng cầu không thực hiện được chức năng vận chuyển oxy và cacbonic, con vật bị chết một cách nhanh chóng (sau 24 - 72 giờ).
Tóm lại sử dụng nhiều thức ăn tinh trong khẩu phần có thể sẩy ra hai trường hợp:
- Một là tỷ lệ tiêu hoá chất xơ của khẩu phần giảm, từ đó lượng thức ăn tiêu thụ cũng giảm và sản lượng sữa giảm.
- Hai là bị rối loạn tiêu hoá, trong trường hợp nặng (ăn quá nhiều thức ăn tinh hoặc chuyển đột ngột từ thức ăn thô sang thức ăn tinh) thì bị axit huyết, có thể dẫn đến chết.
Vậy lượng thức ăn tinh trong khẩu phần bao nhiêu là thích hợp?
Lượng thức ăn tinh cung cấp hàng ngày cho bò sữa phụ thuộc vào sản lượng sữa. Cứ 1kg sữa cần cung cấp 0,5 kg thức ăn tinh hỗn hợp (tăthh), tuy nhiên chỉ nên cung cấp thức ăn tinh từ cân sữa thứ 6 trở đi. Ví dụ: bò tiết 15 kg sữa/ngày cần cung cấp: 15 - 5 = 10 x 0,5 = 5 kg tăthh.
Tỷ lệ thức ăn tinh trong khẩu phần tuỳ thuộc vào giai đoạn tiết sữa:
Giai đoạn 1 - từ ngày sinh đến tuần tiết sữa thứ 10: tỷ lệ thức ăn tinh chiếm 45-50% lượng chất khô của khẩu phần.
Giai đoạn 2- từ tuần tiết sữa thứ 11 đến tuần tiết sữa thứ 20: tỷ lệ thức ăn tinh chiếm 35-40% lượng chất khô khẩu phần.
Giai đoạn 3- từ tuần tiết sữa thứ 21 đến tuần thứ 44: tỷ lệ thức ăn tinh chỉ cần chiếm 15-25% lượng chất khô khẩu phần.
Lượng chất khô khẩu phần mà một con bò sữa có thể ăn được thường được xác định theo thể trọng của bò:
Bảng 1: Lượng chất khô khẩu phần mà bò có thể ăn vào hàng ngày
Sản lượng sữa (kg/ngày) |
Bò thể trọng 400kg |
Bò thể trọng 500kg |
Bò thể trọng 600kg |
% khối lượng cơ thể |
|||
10 |
2,7 |
2,4 |
2,2 |
15 |
3,2 |
2,8 |
2,6 |
20 |
3,6 |
3,2 |
2,9 |
25 |
4,0 |
3,5 |
3,2 |
30 |
4,4 |
3,9 |
3,5 |
Theo bảng trên đây, một con bò sữa nặng 400kg, tiết 15 kg sữa/ngày cần cung cấp một lượng chất khô là: 400kg x 3,2/100 = 12,8 kg. Nếu con bò này đang ở giai đoạn tiết sữa thứ 2 thì cần cung cấp cho bò một lượng chất khô của thức ăn tinh là: từ 4,48 đến 5,12 kg (tỷ lệ tinh 35- 40%). Thông thường cứ mỗi kg thức ăn tinh hỗn hợp chứa 87% chất khô, vậy lượng thức ăn tinh hỗn hợp mà cần cung cấp cho bò là: 4,48/0,87 hoặc 5,12/0,87 = 5,14 đến 5,88 kg.
Lượng chất khô của thức ăn thô cần cung cấp cho bò là: 12,8 - 4,48 (hoặc 5,12) - 8,32kg (hoặc 7,68 kg). Nếu toàn bộ lượng thức ăn thô này là cỏ voi thì lượng cỏ voi cần cung cấp là (cỏ voi có 17% chất khô): 8,32/0,17 - 7,68/0,17 = 48,94 - 45,17 kg.
Cần chú ý rằng cứ 1 kg thức ăn hỗn hợp tinh phải chứa 2400-2500kcal ME, 160 - 170g protein, 15g canxi và 12g phospho và có thể tự phối chế lấy theo công thức gợi ý như sau:
Bột ngô: 31,6kg
Bột sắn: 10,0kg
Cám gạo: 35,0kg
Khô lạc: 12,5kg
Bột cá mặn: 7,0kg
Bột sò: 1,0kg
Bột xương: 2,0kg
(hoặc thay bằng dicanxiphotphat)
Premix khoáng vitamin: 0,3kg
Urê: 0,6kg
(urê phải được trộn đều trong hỗn hợp)
Tổng cộng: 100,0kg
Thức ăn thô xanh thường dùng là cỏ xanh (cỏ voi, cỏ ghi-nê, cỏ lông para, cỏ ruzi, cỏ bãi, ngọn lá mía, thân cây ngô non...), thân cây ngô già, rơm khô...; các phụ phẩm như bã bia, bã đậu phụ, bã sắn cũng là những nguồn thức ăn rất tốt cho trâu bò, nhất là bò sữa.
Trong chăn nuôi bò sữa, khó khăn lớn nhất là giải quyết thức ăn thô xanh, đặc biệt là thức ăn thô xanh trong mùa khô. Có đầy đủ thức ăn thô xanh cho bò là một trong những bí quyết thành công của chăn nuôi bò sữa ở nước ta.
GS.TS. Vũ Duy Giảng (Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội)