Quản lý chăn nuôi bò sữa

Sự bài tiết sữa và cơ sở sinh lý của kỹ thuật vắt sữa

1. Bài tiết sữa

Sữa sau khi được hình thành nó tích đầy trong bao tuyến và ống dẫn sữa, dưới tác động kích thích của động tác bú sữa hoặc vắt sữa làm giải phóng oxytoxin của thùy sau tuyến yên, hormon này có tác dụng co bóp cơ trơn dẫn sữa để đẩy sữa vào bể sữa, áp lực trong bể sữa tăng lên tới khi nào vượt quá sự chịu đựng của cơ vòng đầu vú thì sữa được thải ra ngoài.

Lúc đầu những động tác chuẩn bị vắt sữa như xoa bóp, rửa đầu vú hay động tác húc vào bầu vú của con trươc khi bú đã hưng phấn thần kinh giao cảm làm giãn bể sữa. Nhưng sau đó sữa ồ ạt chuyển từ ống dẫn sữa về, làm cho áp lực trong bể sữa tăng nhanh chóng. Yếu tố áp lực cao đã kích thích cơ vòng đầu vú mở và tiết sữa. Trong suốt thời gian tiết sữa, áp lực trong bể sữa duy trì mức cao (35 - 50 mgHg).

Sữa vắt lúc đầu tiên là sữa trong bể sữa, ở bò lượng tiết sữa trongbể sữa chiếm 1/3 - 1/2 lượng sữa tiết và tỷ lệ mỡ thấp. Sữa trong bao tuyến và ống dẫn sữa thải về sau, do phản xạ nên gọi là “sữa phản xạ” hoặc sữa bao tuyến chiếm 1/2 - 2/3 tổng lượng tiết sữa, có tỷ lệ mỡ cao. Sữa phản xạ bao gồm cả lượng sữa được hình thành tức thời trong quá trình vắt sữa. Kỹ thuật vắt hợp lý sẽ khai thác được tối đa lượng sữa phản xạ do đó nâng cao được sản lượng sữa.

Quá trình bài tiết sữa cũng chịu sự điều hòa của cơ chế thần kinh thể dịch. Động tác bú hoặc vắt sữa làm hưng phấn thụ quan nhận cảm ở vú, xung động thần kinh truyền vào rễ lưng và rễ bên tủy sống, rồi truyền qua hành tủy, từ dây xung động gửi tiếp lên vùng dưới đồi và vỏ não. Ở tủy sống vùng hông, xung động truyền ra theo dây giao cảm tới tuyến vú. Từ vùng dưới đồi xung động gây kích thích thùy sau tuyến yên tiết oxytoxin để gây co bóp mãnh liệt cơ trơn bể sữa để thải sữa ra ngoài.

Phản xạ bài tiết sữa còn chịu ảnh hưởng của vỏ não do vậy những kích thích của môi trường bên ngoài thông qua các giác quan như thị giác, thính giác… trở thành các tác nhân tín hiệu, hình thành các phản xạ có điều kiện, thúc đẩy hoặc ức chế sự thải sữa. Địa điểm vắt, thời gian, người vắt sữa… đều có ảnh hưởng tới quá trình bài tiết sữa. Những kích thích lạ, dụng cụ vắt sữa lạ, sự ồn ào… đều gây ức chế phản xạ tiết sữa.

2. Cơ sở sinh lý của kỹ thuật vắt sữa
Muốn vắt sữa đạt năng suất cao, cần vắt sữa đúng kỹ thuật, phù hợp với hoạt động tiết sữa của gia súc.

-Xoa bóp bầu vú: Trước khi vắt sữa người ta thường lau rửa bầu vú và xoa bóp, để kích thích làm hưng phấn thụ quan nhận cảm áp lực và nhiệt độ bầu vú và núm vú để từ đó dấy lên phản xạ bài tiết sữa. Khi xoa bóp làm tăng co bóp một cách phản xạ cơ trơn ống dẫn sữa để chuyển sữa xuống bể sữa. Xoa bóp phải đúng kỹ thuật. Thời gian phù hợp với thời kỳ tiềm phục của phản xạ thải sữa. Nếu xoa bóp đúng kỹ thuật và thời gian thỏa đáng thì sẽ làm cho 70-90% sữa bao tuyến đi vào bể sữa. Nếu không xoa bóp hoặc xoa bóp không thỏa đáng thì chỉ có 10-25% sữa bao tuyến chuyển tới bể sữa. Thời gian xoa bóp cũng không nên kéo dài vì áp lực đầu vú sẽ giảm xuống nhanh chóng, ức chế phản xạ thải sữa. Nhiệt độ nước rửa bầu vú cũng vừa phải, không dùng nước quá ấm cũng sẽ gây ức chế phản xạ bài tiết sữa.

-Tốc độ vắt sữa: Phải phù hợp với phản xạ bài tiết sữa, tần số vắt thích hợp là 84-132 lần/phút. Nếu tần số chậm thì phản xạ bài tiết sữa dễ bị ngừng lại sớm. Tần số vắt quá nhanh gây ức chế thải sữa.

-Phương thức vắt sữa: Vắt sữa bằng máy vắt sữa, đồng thời vắt bốn vú một lúc (trâu bò) là phù hợp với phản xạ thải sữa, vì sự điều hòa thần kinh nội tiết phản xạ thải sữa là đông thời cho toàn bộ bầu vú. Nếu vắt sữa bằng tay thì áp dụng phương thức vắt luân phiên đôii vú trước, rồi đến đôi vú sau hoặc trước sau vắt chéo. Không áp dụng phương thức vắt luân phiên phải trái cùng bên. Vắt phải kiệt để kích thích tiếp phản xạ tiết sữa vào bể sữa, nếu vắt không kiệt sẽ làm giảm phản xạ tiết sữa.

 

 

-Số lần vắt trong ngày: Thường thì người ta áp dụng vắt hai lần một ngày là hợp lý đối với bò sữa. Đối với bò sữa cao sản thì có thể hơn. Căn cứ để vắt sữa là khi thấy bầu vú căng vừa phải.

 

 

-Quy trình kỹ thuật: Phản xạ thải sữa chịu ảnh hưởng điều hòa của vỏ não, nên dễ thành lập phản xạ có điều kiện thải sữa, do vậy cần đề ra và thực hiện nghiêm ngặt quy trình vắt sữa như thời gian ăn, nghỉ ngơi, vận động. Nơi vắt sữa và người vắt sữa cũng cần cố định. Tránh những kích thích lạ khi vắt sữa./.

Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác