Quy trình chăn nuôi bê trong và ngoài nước
Kỹ thuật chăm sóc Bò đực giống và Bê lai
I. Kỹ thuật chăm sóc bò đực giống:
+Trong quá trình nuôi dưỡng bò đực giống phải tuân thủ nguyên tắc nuôi dưỡng tốt ngay từ đầu. Không để nhiệt độ chuồng nuôi quá cao, về mùa nắng có thể tắm cho bò đực giống và giờ nóng cao điểm và áp dụng biện pháp tắm phun.
+ Thường xuyên cho bò đực giống vận động 1-2 lần/ngày trên quãng đường dài tối thiểu 5km, mục đích rèn luyện cơ xương và giãn căng thần kinh.
+ Nguời chăn dắt giữ cho bò phải thân thiện với bò đực giống để tránh tai nạn do bò đực giống gây ra.
+ Chải lông 1-2lần/ngày để vệ sinh và tạo kích thích phi sinh dục.
+ Định kỳ sửa móng và diệt ký sinh trùng ngoài da cho bò đực giống.
+ Tổ chức huấn luyện và theo dõi bò nhảy giá.
+ Chuồng bò đực giống phải nhốt riêng có diện tích tối thiểu 2 x 2,5m.
+ Cho bò đực giống ăn uống đầy đủ cả chất lượng và số lượng, đảm bảo sức khoẻ và kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho bò đực giống.
+ Đối với bò đực nhảy trực tiếp phải có sổ ghi chép ngày giờ và bò cái được phối giống nhằm có điều kiện theo dõi đời con.
II. Kỹ thuật chăm sóc bê lai:
+ Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi cho bê ở nhà cạnh bò mẹ. Bê giai đoạn này cần được giữ ấm, tránh gió lùa, chỗ ở của bê phải khô ráo sạch sẽ. Thời gian này thức ăn của bê là hoàn toàn bằng sữa mẹ.
+ Khi bê trên 1 tháng tuổi chăn thả theo mẹ ở các bãi cỏ gần chuồng và tập cho bê ăn thức ăn tinh: cháo, củ, quả... tự do.
+ Từ 3-6 tháng tuổi cho ăn 5-10kg cỏ tươi và 0,2kg thức ăn tinh, cho bê bú
+ Nên cai sữa bê lúc 6 tháng tuổi.
Khi bê được 6-24 tháng tuổi: Chăn thả là chính, mỗi ngày bê ăn 10-20kg cỏ tươi và ăn thêm các loại khác: ngọn mía, cây ngô non, củ quả và 0,2-0,4kg mật đường.
+ Cho bê uống nước đủ và sạch.
+ Chú ý các bệnh ỉa chảy và viêm phổi cho bê.
III. Một số bệnh thường gặp ở bò:
1. Bệnh lỡ mồm long móng: Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của nhiều loài gia súc có móng guốc như: trâu, bò, dĩ, hươu, nai, lợn...
Bệnh do một loại siêu vi trùng gây ra, loại virus này có nhiều type, nhiều chủng. Bệnh lây lan nhanh và hậu quả rất lớn: gia súc non chết 50-60%, gia súc cày kéo mất sức, gia súc cho sữa giảm tiết sữa. Việc chữa bệnh và chăm sóc rất tốn kém.
Triệu chứng:
Thời gian nung bệnh từ 2-5 ngày, khi mới bắt đầu xuất hiện bò ủ rũ, lông dựng, sốt nhẹ, đi đứng khó khăn chậm chạp. Bệnh gây nhiều mụn nước ở lợi, vòm họng, vú, kẻ móng chân. Do viêm miệng nên con vật bị sốt, miệng thường sùi bọt như bọt bia.
Mụn nước lớn dần và vỡ ra. Sau 1-2 ngày sau khi mụn vỡ các vết loét ở miệng, chân làm gia súc không ăn được và bị què. Các vết loét tiếp xúc với đất nước bẩn rất dễ bị nhiễm trùng, bị nặng móng chân của bò hở ra, có con bị lọt cả móng ra ngoài.
Bệnh tích:
Ở đường tiêu hoá niêm mạc có mụn loét, mép chân, răng, lưỡi, thực quản, dạ mũi khế, dạ cỏ, ruột non có những mảng xuất huyết tụ máu. Đường hô hấp: Viêm phế quản, phổi, cuống phổi, cơ tim biến chất, dĩ mềm nát, có vết xám trắng nhạt hay vàng nhạt, màng tim chứa nước, lách sưng đen, chân có mụn loét.
Phòng trừ và trị bệnh
Phòng bệnh:
+ Khi nghi có bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y. Vùng có bệnh cũ phải tiêm vacxin hàng năm.
+ Cách ly triệt để trâu, bò bị bệnh cho đến khi khỏi hẳn.
+ Tiêu độc hàng ngày chuồng nuôi, chất thải của gia súc bị bệnh, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột, Formon, nước sôi, xút...
Chữa bệnh:
Dùng dung dịch thuốc tím 0,1% hoặc giấm chua, nước chanh, khế, nước muối rửa các vết loét hàng ngày, liên tục 4-5 ngày. Các vết loét ở chân có thể dùng bàn chải chà rửa sạch đất, cắt bỏ da chết.
Nếu nhiễm trùng nặng thì dùng kháng sinh Penicyline, Streptomycine... tiêm thêm Vitamin C và các thuốc chống viêm, tăng lực.
2. Bệnh tụ huyết trùng: Nguyên nhân:
Do vi khuẩn, bệnh lây nhiễm qua thức ăn, nước uống, người và dụng cụ chăn nuôi, thú y. Bệnh có thể tự phát do vi khuẩn ký sinh sẵn trong đường hô hấp của bò.
Triệu chứng:
Bò ngưng nhai lại bỏ ăn sau đó chướng hơi và nước miếng, nước mũi chảy nhiều, nhiệt độ cơ thể sốt cao: 41- 42,5oC, con bò thở mạnh, mắt đỏ, phân thường có máu tươi do xuất huyết ruột, nước tiểu đỏ hơi vàng và có mùi khai đặc biệt. Ở thể nặng con bò có thể liệt một chân hoặc toàn thân.
Bệnh tích:
Thịt có nhiều nước và đỏ tím, toàn bộ hạch lâm ra đều tụ huyết và sưng đen, phổi tụ huyết đen. Trong khí quản, phế quản có bọt nước nhiều, tim xuất huyết, xoang bao tim có tích nước vàng.
Phòng bệnh:
Tiêm phòng bằng vacxin tụ huyết trùng loại keo phèn 2ml/1 con cho bò từ 6 tháng tuổi trở lên, bò chữa từ tháng thứ 4 trở đi đều tiêm được. Định kỳ 1 năm 2 lần.
Trị bệnh:
Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời bò sẽ khỏi ở tỷ lệ cao. Dùng kháng sinh đặc trị Gram âm như Streptomycine tiêm bắp liều 30mg/1kg thể trọng ngày 2 lần, liệu trình 3-5 ngày hoặc Kanamycine, Gentamycine, Teracyline... Khi tiêm kháng sinh kết hợp tiêm thuốc hạ nhiệt Anagin, trợ lực Vitamin C, Gluconat Canxi, ADE Bcomplex, trợ tim Strychirin B1, Cophora...
Trong quá trình điều trị cần chăm sóc bò tốt và cách ly bò bệnh ra khỏi đàn để điều trị.
3. Hội chứng ỉa chảy ở bê nghé:
Ỉa chảy là một vấn đề nan giải và thường gặp ở gia súc non và do nhiều nguyên nhân gây ra: vi khuẩn, virus, thức ăn, nước uống, khí hậu...sau đây là một số vấn đề thường gặp.
a.Bệnh ỉa chảy ở bê kèm theo nhiễm trùng huyết:
Gây ra do một nhóm virus có độc lực cao gây ỉa chảy và viêm phổi. Bê có thể nhiễm loại virus này rất sớm, đặc biệt có thể do nhiễm trùng cấp tính 12-96 giờ sau khi sinh, đôi khi chưa kịp xuất hiện triệu chứng ỉa chảy... Triệu chứng ỉa chảy xuất hiện từ 4 ngày đến 20 ngày, kèm theo có triệu chứng viêm phổi.
Phòng bệnh:
Loại này chủ yếu là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, vú mẹ, vệ sinh thức ăn, nước uống và bổ sung Vitamin A hoặc dùng Sulfonamides và kháng sinh phòng sau 10 ngày.
Điều trị:
Tiếp nước sinh lý và dung dịch điện giải cho bê từ 500-1000ml/1con, tốc độ tiếp 1-2ml/1 phút. Dùng dung dịch điện giải: NaCL: 5,5g/lít, CaCL2: 0,3; MgCl-H2O: 0,3g...
Điều trị bằng kháng sinh: cho uống Streptomycine (1g) nên nhắc lại sau 12 giờ, uống Oxytetramycine 250mg-500mg nhắc lại sau 6-12 giờ.
b. Ỉa chảy do vi khuẩn Samonella:
Bệnh thường nhiễm Samonella với tỷ lệ lớn, nó có thể là một yếu tố độc lập hoặc kết hợp gây nên ỉa chảy ở bê nghé.
Triệu chứng:
Chủ yếu là gây ỉa chảy, mất nước, có thể chết sau vài giờ đến vài ngày nếu không điều trị kịp thời.
Phát hiện bằng cách nuôi cấy bệnh phẩm phân trong môi trường nuôi cấy đặc biệt.
Điều trị:
Tốt nhất là Sulfathalidine với liều cao hoặc Chloramphenicol liều 500- 1500mg cho 1 bê uống trong 1 ngày, bê uống liên tục 3-5 ngày.
c. Bệnh cầu trùng bê nghé:
Đây là bệnh ký sinh trùng gây ra do một loại đơn bào ký sinh trong niêm mạc đường tiêu hoá, thuộc họ Eimeria, nó có tới ít nhất là 10 loài Eimeria gây bệnh cho bê, nghé. Hai loài có độc lực quan trọng nhất là Eimeria zureui và E. bovis.
Bệnh gây thiệt hại kinh tế lớn do ỉa chảy nặng có máu màng nhầy, gia súc còi cọc, chậm sinh trưởng và phát triển. Gia súc thường mắc bệnh sớm sau 2-3 tuần đến 6 tháng tuổi. Bệnh này gây tổn thương niêm mạc ruột và mạch máu ruột. Gây ỉa chảy nặng nề kèm theo máu và màng nhầy.
Điều trị:
Dùng Sulfonamides, như: Sulfaguinoxaline, Sulfamethazine, Sulfadimedine... liều lượng 50-60mg/kg P dùng liên tục trong 3-5 ngày.
Có thể dùng Furazolidon liều 15-20mg/1kg P liên tục trong 3 ngày.
d. Bệnh giun đũa bê nghé:
Là loại bệnh do giun tròn Toxocarum vitunorum ký sinh ở ruột non bê nghé.
Thường hay mắc ở bê nghé 15-65 ngày tuổi, với triệu chứng điển hình là phân trắng thối khắm do sữa không tiêu.
Đây là bệnh thường xảy ra, nhất là vào mùa mưa rét ở miền núi. Bệnh nặng ở bê, nghé gây thiệt hại lớn. Bê, nghé mắc bệnh thường dưới 4 tháng tuổi.
Bệnh lây lan trực tiếp do trứng có sức gây bệnh ô nhiễm trong chuồng trại, thức ăn nước uống qua đường tiêu hoá vào niêm mạc ruột theo hệ thống tuần hoàn lên gan, phổi đi khắp cơ thể rồi trở về ký sinh ở ruột (hoàn thành vòng đời trong 6 tuần). Bệnh cũng có thể lây lan qua bào thai, trong quá trình di hành của ấu trùng trong hệ tuần hoàn và vào tử cung qua bào thai.
Bệnh có thể làm tổn thương niêm mạc ruột, mạch quản và các cơ quan mà ấu trùng đi qua. Khi giun trưởng thành có thể làm tắc ruột, tắc ống mật.
Triệu chứng:
Biểu hiện rõ nhất là đi phân trắng, đầu tiên con vật lờ đờ, kém ăn. Khi nặng con vật bỏ ăn nằm một chỗ, đau bụng, phân lỏng màu trắng, mùi khắm. Con vật sốt 40-41oC, có triệu chứng thần kinh.
Điều trị:
Tẩy giun đũa cho bê, nghé bị bệnh bằng các loại thuốc sau:
+ Piperazin Sunfat liều 0,5g/kg P.
+ Medevet liều 200mg/1kg P.
+ Levaneyzon liều 1ml/10kg P.
Nên áp dụng tẩy phòng cho bê nghé ở những vùng hay mắc bệnh vào ngày thứ 10-30-50 sau khi sinh.
4. Bệnh viêm khớp bê nghé:
Xảy ra ở bê nghé sau khi sinh 1 tháng, trâu bò lớn cũng bị nhưng ít. Nguyên nhân:
- Do bị té ngã làm xây xát các khớp -viêm khớp.
- Do kế phát các bệnh viêm rốn, viêm tử cung... Vi khuẩn vào máu di căn tới khớp gây viêm.
Triệu chứng:
Thường thấy ở khớp gối sưng to sờ vào thấy cứng hoặc mềm, đi đứng cà nhắc và ít đi lại.
Điều trị:
Nếu bóp thấy mềm nhũn ra dùng kim 14 chọc dò có mủ không, nếu có mủ phải giải phẫu lấy mủ ra và bơm rửa lại bằng nước sinh lý 9‰. Sau đó sát trùng bằng thuốc đỏ và băng lại (nếu vết mở rộng).
Nếu mới sưng chưa có mủ ta tiêm thuốc:
- Chlotetraol tiêm bắp, hoặc xung quanh ở khớp đã bị với liều 1ml/5kg P/1 ngày liên tục 3-4 ngày.
- Vitamin C (ống 500mg). Bê nghé 3-4 ống/1 lần/1 ngày, trâu bò 6-8 ống/1 lần/ 1 ngày.
Hoặc dùng Penicyline 15000 - 30000 UI/ 1 kg P ngày 2 lần, chích liên tục 3-5 ngày.
- Kết hợp tiêm ADE Bcomplex, Dexavet.
Ngoài ra còn có thể dùng một số loại kháng sinh khác: Neoxin Tylan 50, Suanovil, Novocin, Erythromycine...