Sữa Việt Nam

Áp trần giá sữa: Doanh nghiệp gặp khó

(Dairy Việt Nam) - Việc áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đã thực hiện một năm, và mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP tiếp tục triển khai chương trình này đến ngày 31/12/2016.

Đây là chính sách đúng đắn nhằm mang nguồn sữa đến gần hơn với người dân nhưng làm sao để doanh nghiệp (DN) vẫn kinh doanh ổn định là điều phải tính đến.

 

     Giảm sản lượng Sau một thời gian áp dụng nhiều biện pháp quản lý như đăng ký giá, kê khai giá không phát huy tác dụng, ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079 về áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây được xem là biện pháp kích thích tiêu dùng, mang nguồn sữa đến gần hơn với người dân.

 

     Thế nhưng, trên thực tế, sau khi áp trần giá sữa, lượng sữa tiêu thụ trên thị trường đã không tăng như kỳ vọng. Báo cáo tháng 2/2015 của Nielsen tại hai thị trường chính là TP.HCM và Hà Nội, cho thấy, sau khi áp trần giá, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi giảm 10% về số lượng và 9% về giá trị so với những năm trước đó, đặc biệt giảm mạnh ở phân khúc cao cấp và trung bình.

 

    Còn theo một DN vừa nhập khẩu vừa sản xuất sữa tại Việt Nam thì năm qua, sản lượng sữa bán ra của công ty giảm nhiều so với năm 2013. Trước nay, giá sữa ở Việt Nam được xem là đắt nhất châu Á nhưng theo phân tích của Nielsen, mức giá này chỉ ở nhóm trung bình trong khu vực.

 

    Cụ thể, tính bình quân, 1kg sữa cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam bán với giá 16 USD, trong khi ở Hồng Kông là 41,8 USD, Trung Quốc 34,3 USD, Singapore 30,8 USD, Thái Lan 14 USD, Philippines 12,9 USD... Giá sữa ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines và các nước khác trong khu vực là do các khoản thuế giá trị gia tăng (VAT), nhập khẩu... Nghiên cứu của Tổ chức Thống nhất và Tín thác Bảo vệ Người tiêu dùng (CUTS Intenational) cho thấy, sữa nhập khẩu ở Việt Nam đang chịu tác động của mức thuế nhập khẩu và VAT cao nhất trong khu vực.

 

    Chẳng hạn, ở Philippines thuế nhập khẩu được áp ở mức 7%, Indonesia 5%, các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippnes là 0% thì Việt Nam lên đến 10%. Thuế VAT cũng thế. Trong khi Singapore và Thái Lan là 7%, Malaysia 6% thì Việt Nam đến 10%. Theo tính toán, với mức thuế đang áp dụng, một hộp sữa giá 10 USD nhập từ Úc và New Zealand về Việt Nam sẽ tăng lên 12,1 USD trong khi về Malaysia có giá chỉ 10 USD, Philippines là 11,984 USD, Thái Lan là 11,235 USD và Indonesia là 11,55 USD. Đây là một trong những nhân tố khiến giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam không thể thấp hơn các nước trong khu vực trước khi áp giá trần.

 

     Hơn nữa, hiện nay, giá sữa ở Việt Nam được tính bình quân từ cả ba phân khúc: bình dân, trung bình và cao cấp. Như vậy là chưa chính xác. Bởi, một công ty sản xuất, nhập khẩu sữa tại Việt Nam có thể chú trọng vào một phân khúc thị trường hoặc cùng lúc đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm cho các nhóm tuổi khác nhau, mức độ chuyên biệt khác nhau, ở các mức giá khác nhau. Vì vậy, khi đánh giá tính cạnh tranh của sản phẩm nên xem xét các dòng sản phẩm thuộc từng phân khúc thị trường riêng lẻ.

 

     Theo Nielsen, tính mức giá trung bình của cả ba phân khúc thị trường không phải là thước đo tốt nhất. Cách tính này không so sánh được giá của cùng một dòng sản phẩm trong mỗi phân khúc thị trường và không phản ánh được sự khác biệt về giá trong mỗi phân khúc thị trường. Cuối năm 2014, giá sữa nguyên liệu giảm và nhiều người đặt vấn đề là tại sao các DN không giảm giá.

 

    Thế nhưng, đại diện một thương hiệu sữa có tiếng cho rằng: "Nếu nói giá nguyên liệu sữa giảm thì các DN phải giảm giá bán là vô lý”. Theo phân tích của vị này, giá bán sữa được đưa ra dựa trên nhiều loại chi phí như chi phí nguyên liệu (sữa bột, vitamin, kháng chất và các thành phần khác), chi phí kiểm soát chất lượng, đầu tư nghiên cứu phát triển, dịch vụ chăm sóc khách hàng, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, các loại thuế, phí liên quan, lương và chế độ cho người lao động. Đó là chưa kể chi phí vận hành kinh doanh, khuyến mãi, tiếp thị, quảng cáo, phân phối, kho bãi, vận tải... Vì thế, chỉ có mỗi nguyên liệu giảm mà DN phải giảm giá bán là rất khó.

 

      Doanh nghiệp gặp khó Phải thừa nhận việc áp trần giá sữa mang lại thuận lợi cho người tiêu dùng vì mua được sản phẩm phù hợp với giá thấp hơn nhưng việc này đã gây ra những khó khăn nhất định cho DN. Một DN sữa có doanh thu bình quân 2.000 tỷ đồng/năm cho biết, năm 2014 việc áp trần giá sữa đã khiến công ty lỗ đến vài chục tỷ đồng.

 

      Ngay như Vinamilk, đơn vị có thị phần cao nhất thị trường cũng bị ảnh hưởng. Tại đại hội cổ đông năm 2015 diễn ra vào cuối tháng 4, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết, tổng doanh thu năm 2014 của Công ty đạt 35.704 tỷ đồng, bằng 98,4% so với kế hoạch và mặc dù lợi nhuận trước thuế và lãi ròng bằng 101% kế hoạch nhưng vẫn giảm lần lượt là 5% và 7,1% so với năm 2013.

 

    Theo bà Mai Kiều Liên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Cụ thể là sức mua thấp do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế, cạnh tranh ngày càng lớn khiến Công ty phải tăng chi phí bán hàng, xuất khẩu giảm do tình hình bất ổn ở Trung Đông, giá sữa nguyên liệu biến động lớn (tăng mạnh từ năm 2013 - 2014 và chỉ giảm vào những tháng cuối năm 2014). Đặc biệt, từ tháng 6/2014, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bị áp trần đã ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận cũng như ảnh hưởng nhất định đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

 

       Theo các nhà sản xuất, sữa cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam cạnh tranh khốc liệt vì có đến 709 loại. Thị trường đã hình thành 3 phân khúc theo giá: cao cấp, trung bình và bình dân để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khác nhau. "Để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như thế, DN phải chi mạnh cho quảng cáo, tiếp thị...

 

     Nhưng nếu cho rằng các chi phí quảng cáo, tiếp thị... khiến giá sữa bị đội lên nên buộc phải áp trần là không chính xác", đại diện một DN sữa ngoại cho biết. Các DN cho biết, chỉ sau một năm áp trần giá sữa mà đã khó khăn như thế nên việc kéo dài chương trình đến hết năm 2016 sẽ khiến nhiều công ty phải cân nhắc, tính toán lại kế hoạch kinh doanh.

 

   Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Mead Johnson, cho biết: "Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi không thỏa hiệp với việc giảm chất lượng sản phẩm mà cân nhắc đến khả năng ngưng kinh doanh một số ngành hàng quá lỗ hoặc cắt giảm các hoạt động cộng đồng". Trong khi đó, Công ty Friesland Campina Việt Nam chọn cách triệt để cắt giảm các chi phí sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để bù cho sản lượng bị sụt giảm.

 

    Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Nguồn: http://bizlive.vn/
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác