Sữa Việt Nam
"Biệt thự” bò có… bò giả ở Hà Nam: Lo đi vào “vết xe” đổ
Xung quanh vấn đề này, NTNN đã phỏng vấn ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT). Ông Chinh cho biết: “Tôi lo Hà Nam sẽ rất dễ đi vào “vết xe đổ” của Tuyên Quang nếu không kiểm soát tốt con giống, quy hoạch và định hướng rõ ràng”.
Vừa qua, tỉnh Hà Nam có chủ trương phát triển mạnh đàn bò sữa, trong đó chú trọng đến vấn đề nhập khẩu giống từ nước ngoài, chủ yếu là Úc. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, việc thực hiện các quy định trong nuôi bò tân đáo ở đây không được nghiêm túc, ông có thể cho biết, muốn nuôi bò tân đáo phải thực hiện những quy định gì?
- Theo tôi được biết, hiện chưa có một quy định nào về các tiêu chí, tiêu chuẩn về việc nuôi bò tân đáo. Việc này thường được các tỉnh chỉ định một công ty, đơn vị nào đó đảm nhiệm, thông thường là những công ty có chuyên môn, chuyên ngành về chăn nuôi sẽ được chọn. Nuôi tân đáo, có nghĩa là bò sau khi được nhập khẩu về, sẽ được nuôi cách ly ít nhất 21 ngày, trong thời gian này bò phải được tiêm tất cả các loại vaccine chống các bệnh nguy hiểm được Cục Thú y quy định như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, lưỡi xanh…
Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh, một vấn đề mà người nuôi bò hiện đang rất lo lắng, đó là chất lượng của con bò đó, như hay ốm yếu, sản lượng sữa thấp. Vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát khâu này, thưa ông?
- Hiện cũng chưa có một đề tài, đơn vị nào được Bộ NNPTNT giao khảo nghiệm về bò sữa giống cả. Bởi quyết định khảo nghiệm, đề tài nghiên cứu phải do Thủ tướng ký, Bộ NNPTNT không được phép ra Thông tư để khảo nghiệm, nên việc kiểm tra chất lượng bò chưa có đơn vị nào đảm nhiệm.
Như vậy, có thể nói việc giao cho một công ty như ở Hà Nam nuôi bò tân đáo hiện đang có vấn đề và tồn tại nhiều kẽ hở, thưa ông?
Hà Nam đang có kế hoạch sẽ triển khai nuôi bò suốt dọc 45km theo sông Hồng, sông Châu Giang và phía tây sông Đáy với những mô hình chăn nuôi nông hộ, trang trại kiểu mẫu và cả mô hình biệt thự bò.
- Rõ ràng là luật của chúng ta đang còn rất nhiều kẽ hở. Và lợi dụng việc này, nhiều công ty đã vô tư nhận nuôi bò tân đáo, mặc dù trong ngành nghề kinh doanh không có, hoặc không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này. Như Báo NTNN phản ánh, một công ty mới được thành lập vài tháng mà được giao nuôi bò tân đáo, dù có giỏi đến đâu cũng khó bằng những đơn vị có thâm niêm trong nghề, nên việc bò kém chất lượng là khó tránh khỏi.
Vậy theo ông, trong trường hợp này chúng ta cần có sự giám sát như thế nào đối với các đơn vị nuôi bò tân đáo để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi bò?
- Nếu có vấn đề gì xảy ra đối với đàn bò sữa giống, người nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Tôi cũng không biết họ có cam kết cụ thể với công ty như thế nào, nhưng việc mua phải bò kém chất lượng, cho sữa kém, trước tiên người dân sẽ chịu thiệt do phải chi phí tiền thuốc men và nếu bò chết thì thiệt hại rất lớn, không cẩn thận sẽ trắng tay, bởi đa số hộ nuôi bò đều vay ngân hàng. Về việc này, chúng ta đã có bài học của Tuyên Quang, nếu không cẩn thận Hà Nam rất dễ đi theo “vết xe đổ” này. Về trách nhiệm của Cục Chăn nuôi, chúng tôi đã và tiếp tục tham mưu, đề xuất Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề xuất lên Thủ tướng để điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp trong việc kiểm soát các đơn vị nuôi bò tân đáo.
Xin cảm ơn ông!