Sữa Việt Nam
Bộ Công thương: Sẽ liên tục “canh chừng” giá sữa
Sau khi tiến hành áp giá trần đối với mặt hàng sữa, Bộ Công thương sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả, tránh tình trạng các doanh nghiệp tìm cách "lách luật" để đẩy giá sữa lên cao.
Cần cụ thể hóa lộ trình và phương án
Trả lời trong Họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 5/5, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau khi áp trần giá đối với mặt hàng sữa, Bộ Công thương sẽ thường xuyên kiểm tra giám sát xem các doanh nghiệp có thực sự đưa giá sữa được phê duyệt cho người tiêu dùng biết hay không. Và nếu đã đưa, thì liệu có bán chính xác giá đó hay sẽ tìm những cách khác nhau để “lách luật” và tiếp tục tăng giá sữa như đã xảy ra trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại vẫn được đặt ra, đó là làm sao để việc áp dụng giá trần thật sự có hiệu quả mà không bị các DN bán sữa qua mặt bằng cách không công khai, niêm yết giá đã được cơ quan quản lý phê duyệt cho người tiêu dùng biết. Hiện tại, giá sữa là một trong những mặt hàng thuộc danh mục quản lý giá, nếu có biến động giá hoặc dấu hiệu DN bắt tay thao túng đẩy giá, liên bộ Tài chính – Công thương sẽ điều tra giá sữa trong 30 ngày để công bố kết quả. Như vậy, nếu Bộ Công thương đẩy mạnh “canh chừng” giá sữa trong thời gian tới thì rất cần cụ thể hóa lộ trình và các phương án để người tiêu dùng được biết và theo dõi
Ông Hải cũng cho biết thêm, sữa là mặt hàng vẫn luôn nằm trong nhóm đặc biệt quan tâm của cơ quan quản lý thị trường và trong thời gian tới, Bộ sẽ có những biện pháp phù hợp để tránh tình trạng các doanh nghiệp bắt tay nhau đẩy giá sữa tăng cao hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
Hai phương án áp giá trần
Dự kiến, ngay sau khi cơ quan chức năng đưa ra mức giá trần cho mặt hàng sữa, mỗi dòng sữa hộp sẽ giảm được từ 50.000 – 70.000 đồng. Đây sẽ là một tín hiệu đáng mừng đối với người tiêu dùng – những nạn nhân trực tiếp của việc đẩy giá sữa leo thang của các DN trong thời gian vừa qua.
Theo kiến nghị của Bộ Tài chính trình Chính phủ và đã được thông qua, sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá quy định tại Điều 17 của Luật Giá. Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ biện pháp quản lý khống chế giá trần đối với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, dự kiến hai phương án áp giá trần, một là đăng ký giá và áp giá bán tối đa trong thời gian 6 tháng, hai là đăng ký giá bán trong 6 tháng và giá bán tối đa trong 12 tháng.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, khi có quy định về áp trần giá sữa, doanh nghiệp, đại lý có thể bán giá bao nhiêu tùy ý, cơ quan quản lý sẽ không can thiệp chỉ cần không vượt quá giá tối đa mà Nhà nước đã quy định. Như vậy, cùng một mặt hàng, có thể sẽ có các mức giá khác nhau, có DN bán bằng mức giá tối đa, nhưng cũng có DN bán thấp hơn mức giá được quy định.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính trong quý I/2013, các công ty sữa đã ba lần tăng giá, với mức tăng từ 5-15%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2013, các công ty sữa đã lãi khoảng 20-30%, một con số đáng mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp nào. Và mới đây nhất, trong cuộc thanh tra sữa tại 5 DN lớn đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm. Với những sai phạm này, Bộ Tài chính sẽ có những hình thức xử lý phù hợp.
Liên quan đến câu chuyện áp trần giá sữa, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, đây là giải pháp mang tính nhân văn, hướng đến đảm bảo quyền lợi cho trẻ em dưới 6 tuổi của Việt Nam.