Sữa Việt Nam

Bước đi ngoạn mục nghề nuôi bò sữa

Rất ít người nghĩ rằng, Việt Nam lại cóTuy nhiên, chúng ta đã từng có một giai đoạn đầu tư rất lớn để phát triển nghề nuôi bò sữa. Một loạt tỉnh đã tham gia vào chương trình này. thể phát triển nghề nuôi bò sữa vì đây là xứ nhiệt đới, nóng, ẩm...

Nhưng kết quả không như mong đợi một thời. Nhiều địa phương đã xót xa vì phải chứng kiến hàng nghìn con bò sữa to lớn nhập từ nước ngoài về đã chết dần, chết mòn để rồi những con còn lại được đem bán thịt với giá như giá bò cóc. Đó là kết quả của sự nóng vội và coi thường KHKT ở một số vị của chúng ta.

Nhưng, thời kỳ đen tối ấy đã trôi qua. Mấy năm gần đây, nghề nuôi bò sữa đã có được những bước tiến kỳ diệu. Đến lúc này, hầu như mọi người đều thấy rằng, nuôi bò sữa lại là một nghề đầy triển vọng. Bà con nông dân ở những vùng nuôi bò sữa đều phấn khởi và hồ hởi với công việc nuôi bò. Cuộc sống của họ đổi thay từng ngày. Đàn bò sữa tăng lên rõ rệt.

 

Năm 2012, chúng ta đã có 167 ngàn con bò sữa. Dự kiến tới năm 2020, nó sẽ tăng lên 400 ngàn con. Tổng lượng sữa tươi của ta sẽ tăng lên gần gấp 3 lần, từ 381 ngàn tấn lên một triệu tấn vào năm 2020. Những tín hiệu ấy mở ra triển vọng tốt đẹp cho việc phát triển đàn bò sữa ở Việt Nam.

Ở Mộc Châu - Sơn La, nghề nuôi bò sữa đã tự khẳng định được bước đi vững chắc của mình bằng những chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân của Cty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Tuy Mộc Châu chỉ có 1.000 ha để phục vụ cho việc nuôi bò nhưng đàn bò của họ đã lên tới 15.000 con, trong đó có 7.500 con đang cho vắt sữa.

Mỗi năm, Mộc Châu cung cấp tới 45.000 tấn sữa tươi. Bình quân mỗi hộ ở đây đã có từ 30 – 35 con bò sữa. Cá biệt có những hộ có tới trên 100 con. Riêng nhà ông Nguyễn Văn Quất hiện nuôi tới 167 con. Thu nhập bình quân của các hộ ở đây từ 40 – 50 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ thu tới trên 100 triệu đồng/tháng.

Khó có nghề nào ở nông thôn mà lại có thu nhập cao như nghề nuôi bò sữa. Đã có lúc ở đồng bằng Bắc bộ người ta đưa ra khẩu hiệu phấn đấu đạt 50 triệu đồng/ha/năm. Điều ấy ở Mộc Châu chỉ cần làm trong… một tháng.

Tôi đã lên dự nhiều cuộc thi hoa hậu bò sữa ở Mộc Châu. Kỳ nào cũng vậy, nó như một ngày hội lớn. Cả một vùng đồi núi rực rỡ cờ hoa, rộn rã tiếng ca và tràn ngập không khí vui vẻ, hào hứng. Mọi người ở đây đều coi đó là ngày vui của gia đình mình. Ta bắt gặp trên các nẻo đường đổ về thị trấn đủ các dân tộc trong vùng với những bộ trang phục sặc sỡ.

Khó có ở nơi nào lại có được không khí chan hòa, đoàn kết, yêu thương và vui vẻ động viên lẫn nhau như ở nơi này. Người có bò cũng như người không có bò đi thi đều hồ hởi, phấn khởi tham dự ngày hội. Cao nguyên như bừng sáng, con người rạng rỡ hơn lên. Khắp nơi rộn ràng, vui nhộn.

Những chú bò được chọn đi thi mới điệu đà làm sao: đầu thắt nơ xanh đỏ, da sạch bóng, móng được chải chuốt đen nhánh. Với bầu vú khổng lồ, chúng đi nghiêng ngả, uốn éo, đầu gật gật chào mọi người…

Cả gia đình nhà chủ ríu rít theo sau. Bầu vú hồng tươi được lau chùi sạch sẽ cứ lúc lắc theo nhịp ưỡn ẹo, điệu đà của chú bò. Tôi nhớ năm 2010, con đạt danh hiệu hoa hậu ở đây cho năng suất tới 75,6 lít sữa/ngày! Còn năm vừa qua, “cô nàng” hoa hậu cho 60 lít/ngày.

Cũng nhờ nuôi bò sữa mà cuộc sống của bà con ở Mộc Châu thay đổi hẳn. Không ai muốn rời khỏi vùng đồi núi xa xôi này nữa.

Người ta cứ nói rằng, Mộc Châu nuôi được bò sữa vì ở đó có khí hậu mát mẻ như vùng ôn đới. Nhưng tại vùng đồi gò ở Ba Vì, phong trào nuôi bò sữa cũng rất phát triển. Tính tới hết năm 2013, đàn bò ở đây tăng tới 300% so với năm 2008. Hiện họ đã có tới trên 12.000 con (kể cả các vùng phụ cận). Công việc nuôi bò sữa thu hút tới 2.700 hộ nông dân tham gia. Bình quân mỗi hộ đã có tới 5 con bò sữa.

 Bà con phấn khởi lắm vì cuộc sống cứ ngày một vươn lên. Công ty CP Sữa quốc tế (mà ta quen gọi là Sữa Ba Vì) đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho nông dân vay để phát triển đàn bò. Họ tổ chức tập huấn miễn phí và có nhiều chính sách khuyến khích để nông dân tham gia nuôi bò. Cty đã xây dựng tới 3 nhà máy (với công nghệ Tetra Pak của Thụy Điển và Đan Mạch) để thu mua và chế biến sữa cho nhân dân. Sản phẩm của họ đạt tiêu chuẩn quốc tế và được tiêu thụ rộng rãi khắp nơi.

Trong kế hoạch những năm tới, Cty tiếp tục đầu tư thêm 400 tỷ đồng để giúp bà con nâng sản lượng sữa lên 400 – 500 tấn/ngày. Hàng nghìn nông dân trong vùng đã hồ hởi tham gia cùng Cty. Rất nhiều tỉnh xa cũng muốn bắt tay với Cty để phát triển đàn bò sữa. Khi mỗi hộ nuôi được 10 – 15 con bò sữa thì nông thôn dễ dàng vươn tới đích “nông thôn mới”.

Ở TP.HCM, phong trào nuôi bò sữa cũng phát triển rầm rộ. Ngay tại cái xứ nhiệt đới ấy nhưng bà con vẫn nuôi bò sữa rất tốt. Hiện ở thành phố đã có tới hơn 90.000 con. Bò ở trong đó lại cho năng suất rất cao, đạt 4.500kg sữa/con/chu kỳ. Hiện nay, bình quân mỗi hộ ở trong đó cũng đã có được từ 10 con trở lên.

Gần 9.000 hộ dân đã tham gia nuôi bò sữa. Thu nhập của bà con cứ tăng dần. Rất nhiều hộ, mỗi tuần cũng thu được 6 – 8 triệu đồng (sau khi đã trừ hết các chi phí). Cty Vinamilk, Cty Châu Á – Thái Bình Dương và nhiều đơn vị khác luôn sát cánh với bà con…

Một khu công nghệ cao với các thiết bị nuôi bò sữa hiện đại đã được xây dựng ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ngay tại nơi cửa ngõ “đón” gió Lào này mà người ta vẫn tổ chức nuôi bò sữa tốt như ở những vùng ôn đới. Đàn bò ở đây đã lên tới 35.000 con. Họ đang tăng tốc để đưa số lượng bò lên gấp bội. Họ sử dụng hoàn toàn công nghệ hiện đại của Ixraen để nuôi bò. Có lẽ, đây là trang trại bò hiện đại nhất ở vùng Đông Nam Á…

Trên đất nước mình, còn biết bao vùng có thể tiến hành nuôi bò sữa. Dù tới năm 2020, ta nâng sản lượng sữa lên tới 1 triệu tấn thì cũng mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu về sữa của dân ta. Vì vậy, nghề nuôi bò sữa còn đầy triển vọng.

Ở những vùng trồng lúa, trồng mía mà thu nhập bấp bênh, ta có nên nghĩ tới việc chuyển sang nuôi bò sữa hay không? Bò sữa rất có thể sẽ là đối tượng giúp cho bà con ở nhiều nơi vươn lên trong thời kỳ hội nhập khó khăn này.

Những bước đi ngoạn mục của nghề nuôi bò sữa đang mở ra một chân trời mới cho ngành nông nghiệp nước nhà. Chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng đang rộng mở trên những miền quê của chúng ta.

Nguyễn Lân Hùng

Nguồn: dunghangviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác