Sữa Việt Nam
Cần chủ động nguồn giống trong nước cho ngành chăn nuôi bò Việt Nam
Cần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu bò giống
Trong bối cảnh hiện nay, cơ cấu tiêu dùng thịt ở Việt Nam đã có sự khác biệt. Trong đó thịt lợn chiếm trên 60%, thịt gà chiếm 20% và thịt bò chiếm 7%. Những năm gần đây, do đời sống kinh tế phát triển nên nhu cầu thịt bò tăng nhanh. Theo đề án tái cơ cấu và chiến lược phát triển ngành chăn nuôi tới năm 2020, thịt bò chiếm 12% cơ cấu thịt. Sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nên Việt Nam nhập khẩu rất nhiều bò thịt, đặc biệt từ Úc. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò, rất cần thiết giảm tỷ lệ nhập khẩu.
Theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, do nguồn giống chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập từ nước ngoài, vì vậy, việc có thể chủ động sản xuất, lai tạo con giống để cung cấp cho ngành chăn nuôi bò trong nước là bài toán quan trọng của ngành chăn nuôi bò nói chung của Việt Nam. Nếu người chăn nuôi đầu tư điều kiện cơ sở vật chất về chuồng trại, kỹ thuật nhưng không có chất lượng đàn bò giống tốt sẽ rất lãng phí.
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, việc quản lý Nhà nước về con giống không đạt hiệu quả cao do còn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách, vì vậy, rất hy vọng nguồn giống bò sẽ được các doanh nghiệp có tiềm lực quan tâm đầu tư, sản xuất.
Theo GS.TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, hiện nay, việc nhập bò Úc về Việt Nam để vỗ béo và giết mổ đang là vấn đề rất nóng. Tuy nhiên, việc nhập giống này không bền vững và cũng không phải là chiến lược trong công tác giống bò thịt. Đồng thời, với việc nhập bò sống cũng mang lại những rủi ro tiềm ẩn về môi trường và dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có giống bò thịt chuyên dụng, rất nhiều nghiên cứu về bò thịt nhưng chỉ chủ yếu tập trung vào con lai.
Cần có chương trình chọn tạo giống cho từng vùng
Theo ông Tống Xuân Chinh, để làm tốt chiến lược về giống, cần phát hiện, đánh giá sự đa dạng di truyền, bảo tồn nguồn gen các loài bò bản địa. Trên cơ sở đó thực hiện việc phân loại giống dựa trên sự đa dạng về di truyền và mối quan hệ di truyền bằng các chỉ thị phân tử ADN, ADN nhân bằng các công nghệ di truyền. Tiếp tục thực hiện chọn lọc nhân thuần và làm nguồn nguyên liệu cho chọn lọc, lai tạo giữa các giống bò thịt bản địa để tạo ra các giống lai phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng và phù hợp với hình thức chăn nuôi nông hộ ở Việt Nam. Đồng thời, đưa nhanh tỷ lệ bò sữa giống 100% máu HF vào chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp và nông hộ có quy mô vừa, có điều kiện áp dụng khoa học, công nghệ để cải tiến năng suất và chất lượng đàn bò.
Riêng với quản lý giống bò sữa, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý giống vật nuôi trên cơ sở ứng dụng tin học và các phần mềm quản lý cài đặt trên điện thoại thông minh, trong đó có hệ thống nhận dạng vật nuôi, trước mắt cần ưu tiên cho quản lý đàn bò sữa, cơ sở sản xuất giống. Bên cạnh đó, quản lý được hệ thống giống của bò, định dạng cá thể bằng gắn số tai, gắn chíp điện tử vào sổ giống và xử lý tính trạng năng suất của giống, đảm bảo có thể truy cập thông tin về giống qua hệ thống mạng.
Với giống bò thịt, cần nghiên cứu chọn, tạo các công thức lai và nuôi thử nghiệm bò thịt thuần chủng năng suất cao phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và phương thức chăn nuôi của Việt Nam. Chọn lọc, cải tạo đàn bò địa phương để nâng cao tầm vóc phù hợp với chăn nuôi cho hộ nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa. Trong chiến lược về thức ăn, cần chú ý việc sử dụng hợp lý các phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn cho bò; áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn thô xanh đảm bảo cho trâu, bò ăn quanh năm, đặc biệt vào mùa đông và mùa khô.
Bên cạnh đó, trong quản lý nhà nước, để hỗ trợ cho phát triển ngành chăn nuôi bò, trong năm 2016 sẽ ban hành pháp lệnh giống vật nuôi sửa đổi, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, tinh, phôi, trứng giống, quản lý xuất, nhập khẩu…và Quy chuẩn quốc gia đối với tinh bò thịt, bò sữa quy định về chất lượng và quản lý đối với tinh bò sữa, bò thịt sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu vào Việt Nam.
Ông Tom Ryan – phụ trách hệ thống bò sinh sản Australia cho biết, một trong những công tác quản trọng khi chăn nuôi bò là cần cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho đàn bò, đặc biệt cần quản lý tốt dịch bệnh và quan tâm đến cân nặng của bò cái giống khi chuẩn bị cho nhân giống sinh sản.
Theo GS.TS Vũ Chí Cương, chúng ta nên có một chương trình chọn tạo giống để phát triển bền vững, để có lãi và giảm nhập khẩu. Với 7 vùng sinh thái khác nhau nên tạo giống để có các giống bò thịt cho một số vùng với khí hậu đặc trưng. Trong đó, các tính trạng cần quan tâm trong chương trình tạo giống là khả năng chống lạnh, nóng, khối lượng sơ sinh, thời gian cai sữa, hiệu quả vỗ béo,… Đồng thời, để chương trình cải tạo giống bò thịt thành công rất cần các giải pháp hỗ trợ về chính sách, đặc biệt chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, môi trường…/.