Sữa Việt Nam

Chờ đợi áp trần giá sữa

Không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả các siêu thị, đại lý kinh doanh mặt hàng sữa cũng trông đợi việc áp trần giá sữa từ các cơ quan chức năng, với kỳ vọng giúp thị trường sữa bình ổn và đem lại lợi ích cho hàng triệu trẻ em đang dùng sữa.

   

Tuy nhiên, điều khiến mọi người quan ngại là nếu không quản lý chặt giá gốc và tính toán kỹ mức giá trần thì các công ty sản xuất - kinh doanh sữa vẫn có những “chiêu trò” mới để tăng giá sữa, như: đổi mẫu mã mới, giữ nguyên giá bán song rút bớt khối lượng... Và vì vậy, nỗ lực mới trong quản lý giá sữa này sẽ khó khả thi.

 

  * Giá sữa sẽ giảm?

 

  Nghị quyết số 29-NQ/CP của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2014 nêu rõ, Chính phủ thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đề nghị của Bộ Tài chính, bằng cách quy định giá trần và buộc niêm yết giá.Việc áp trần giá sữa sẽ giúp mặt hàng này giảm 50-70 ngàn đồng/hộp tùy loại, và 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi đang dùng sữa trong cả nước sẽ được hưởng lợi. Như vậy, giá sữa sẽ chính thức được áp một mức trần tối đa.

 

  Theo Bộ Tài chính, kết quả thanh tra đối với 5 doanh nghiệp vừa qua cho thấy doanh nghiệp còn có nhiều khả năng giảm chi phí mà vẫn duy trì được lợi nhuận để góp phần bình ổn giá sữa.

 

  Chị Nguyễn Thị Phương, ấp Cầu Hang, xã Hóa An (TP. Biên Hòa), cho biết: “Sữa là sản phẩm không thể thiếu với trẻ em dưới 6 tuổi. Do đó, giá sữa có liên tiếp tăng phụ huynh cũng không thể vì thế mà bỏ, không mua cho con. Vì vậy, Chính phủ quản lý chặt giá gốc và áp giá trần để tránh việc các công ty bắt tay đồng loạt tăng giá là hợp lý”.

 

  Chủ đại lý sữa Phương Thảo trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) cho hay: “ Đại lý chỉ hưởng chiết khấu từ công ty, còn giá bán do các công ty sản xuất - kinh doanh sữa đưa về, do đó ảnh hưởng của việc áp trần giá sữa cũng chưa rõ”.

 

  * Lo thiếu khả thi

 

  Thời gian qua, giá sữa trên thị trường chỉ tăng mà không giảm, nên việc áp giá trần, bình ổn giá sữa là sự mong đợi của người tiêu dùng.

 

  Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Siêu thị Co.opmart Biên Hòa, chia sẻ: “Siêu thị đang trông đợi việc Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ và áp trần giá sữa để sản phẩm này ổn định hơn về giá. Như vậy, việc kinh doanh của siêu thị sẽ thuận lợi và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi”.

 

  Theo các đại lý, siêu thị có kinh doanh sữa, mỗi lần giá sữa tăng họ nhận được khá nhiều phản hồi từ khách hàng. Ngoài việc phải giải thích cho khách hàng hiểu giá sữa tăng do các công ty sản xuất điều chỉnh, thì việc làm các hóa đơn thủ tục cũng rườm rà, mất thêm nhiều thời gian. Bà Cao Thị Thanh Lan, Giám đốc Trung tâm Metro Biên Hòa, cho biết: “Mỗi lần giá sữa tăng, khách hàng mua giảm bớt số lượng và khá bức xúc. Vì thế, chúng tôi mong giá sữa được Chính phủ quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng điều chỉnh tăng nhiều lần trong năm gây thiệt thòi và bức xúc cho người tiêu dùng”.

 

  Nhiều bà mẹ có con nhỏ, điều kiện kinh tế không dư giả giãi bày, việc đầu tiên của họ khi lĩnh lương là nghĩ ngay đến việc phải mua sữa cho con. “Lo lắng lớn nhất là nếu không quản lý chặt chẽ, thì thay vì tăng giá, nhiều công ty sữa sẽ dùng cách rút bớt khối lượng của hộp sữa. Cũng như trước đây các hãng sữa thường đóng gói 450gr/hộp, song nay rút xuống chỉ còn 400gr/hộp. Hoặc 1 thùng sữa nước trước đây 12 lốc, nhưng nay chỉ đóng 10 lốc...” - chị Nguyễn Thị Huyền, một người tiêu dùng ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) lo ngại. Thực tế với “chiêu” này, dù giá sữa vẫn được giữ nguyên, túi tiền của người tiêu dùng vẫn bị rút ruột.

 

Hương Giang       

Nguồn: baodongnai.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác