Sữa Việt Nam

Chuỗi bò sữa an toàn đầu tiên ở Vĩnh Phúc

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã chủ động đầu ra, giá cả ổn định cho người dân.

 Đặc biệt, mô hình khép kín chất lượng sản phẩm được nâng cao, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

 

Trước đây, người nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc hễ cứ sản xuất ra phải phụ thuộc vào các Cty sữa, thường xuyên bị ép giá. Bởi vậy, HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo đã tiên phong chuyển hướng sang chế biến các sản phẩm từ sữa bò nhằm giúp bà con nông dân chủ động về đầu ra.

 

HTX đã mạnh dạn chuyển từ sữa tươi nguyên liệu sang tự sản xuất, chế biến sữa bò thành các sản phẩm sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa chua uống, sữa thanh trùng, bánh sữa… cho hiệu quả cao.

 

Theo chị Kim Thị Tân, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cho biết: Dự án chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2019 được triển khai tại 3 xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương của huyện Tam Đảo. Trên cơ sở đó, tháng 5/2018, HTX được thành lập, chuyên cung cấp sữa cho một số Cty sữa, nhưng một thời gian, một số Cty sữa dừng dự án không nhận thu mua sữa.

 

Khi thấy đầu ra không ổn định, luôn phải phụ thuộc vào các Cty thu mua khiến người dân thua thiệt, các thành viên trong HTX đã bàn nhau tìm hướng đi mới để tiêu thụ sữa cho nông dân. Sau đó, các thành viên trong HTX họp bàn và quyết định tự sản xuất, chế biến sữa bò thành các sản phẩm từ sữa bò.

 

Đến nay, các sản phẩm mang thương hiệu bò sữa Tam Đảo tiêu thụ rộng khắp ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang, Hải Phòng... Tuy mới có mặt trên thị trường nhưng các sản phẩm từ sữa bò của HTX đã dần khẳng định được chất lượng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.


Hơn nữa, hướng đến sản xuất được chuyên nghiệp, HTX đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như: Máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa, lò ủ sữa chua, máy đóng gói có ghi ngày đóng gói và hạn sử dụng, phòng lạnh bảo quản sản phẩm… song song với đó, trên mỗi sản phẩm còn có mã vạch, tem, nhãn… giúp người dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để đảm bảo chất lượng các sản phẩm luôn tươi, ngon, giữ nguyên hương vị đặc trưng, sau khi thu gom sữa nhân viên của HTX thực hiện chế biến và chuyển hàng thành phẩm đi luôn trong ngày đến nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, từ vùng nguyên liệu đến kỹ thuật chăn nuôi của bà con nông dân đều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Tất cả các sản phẩm của HTX đều đủ điều kiện công bố sản phẩm và đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh (QLCL-NLTS) cấp giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong thu mua, bảo quản sữa tươi nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ sữa. Hiện, mỗi ngày, HTX đã sản xuất và bán ra thị trường khoảng 300 lít sữa thành phẩm.

 

Chị Tân tâm đắc: “Đây là hướng đi mới của người nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc. Các sản phẩm từ sữa cho giá trị kinh tế cao hơn so với bán sữa tươi nguyên liệu, cho giá trị gia tăng trên 30%. Đây cũng chính là những thành công ban đầu, mở ra niềm tin phát triển thương hiệu bò sữa Tam Đảo trong tương lai”.

 

Cũng theo chị Tân, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục QLCL-NLTS hướng dẫn bà con chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAHP để chất lượng sữa ngày càng được nâng lên. Với phương châm “Luôn đặt mình ở địa vị là khách hàng”, HTX luôn coi trọng chất lượng lên hàng đầu, mong muốn trong tương lai không những xây dựng được thương hiệu sản phẩm sữa bò Tam Đảo thành công như Ba Vì (Hà Nội) hay Mộc Châu (Sơn La) mà còn góp sức giúp người chăn nuôi quản lý tốt chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, HTX đang hướng đến sản phẩm chủ lực phục vụ khách du lịch khi đến Tam Đảo.

 

Ông Nguyễn Tự Cường, Trưởng phòng Thương mại và Chế biến nông sản, Chi cục QLCL-NLTS Vĩnh Phúc đánh giá: “Đây là mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ tiên phong ở Vĩnh Phúc. Thứ nhất tạo được đầu ra ổn định cho các nông sản. Thứ hai, qua chuỗi liên kiết như vậy, sẽ giúp quản lý công tác chất lượng lý quy cũ, tốt hơn. Thứ ba, từ khâu nguyên liệu ban đầu đến quá trình chế biến cho ra sản phẩm đến người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

"Chúng tôi tin rằng, qua mô hình như thế này, các HTX, doanh nghiệp khác có thể học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra không chỉ sản phẩm sữa mà còn các sản phẩm khác nữa”, ông Cường đánh giá

.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác