Sữa Việt Nam

Đầu tư nông nghiệp: Lại một trào lưu mới

Đúng 10 ngày sau khi HAGL công bố chiến lược nuôi bò trồng bắp, một DN đồng hương của họ là Đức Long Gia Lai cũng công bố chiến lược tương tự.

 

 

  Theo quyết định của Hội đồng Quản trị, Đức Long Gia Lai sẽ thành lập công ty con có tên Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Nông Nghiệp Đức Long Gia Lai, vốn điều lệ 360 tỉ đồng được trích từ vốn chủ sở hữu đơn vị mẹ. Lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp mới là trồng bắp, mía, dầu, cao su và chăn nuôi bò.

 

  Theo ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai, những năm gần đây, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt, nhiều Hiệp định về hợp tác đầu tư, phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam với các nước được ký kết thường xuyên, tạo động lực quan trọng cho hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu nông nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu gần 3 tỉ USD nguyên liệu bắp, đậu tương, bột cá... để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là một thị trường lớn đang có sẵn cho đầu ra của cây nông nghiệp ngắn ngày.

 

  “Thời gian qua, chúng tôi đã ấp ủ chiến lược này và đã lên kế hoạch chuẩn bị quỹ đất, huy động vốn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp cũng như giống cây trồng năng suất cao. Năm nay khi các khâu chuẩn bị đã tương đối hoàn thành, chúng tôi mới chính thức công bố chiến lược mới này”, ông Pháp nói.

 

   Không chỉ có HAGL, Đức Long Gia Lai, chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây lĩnh vực nông nghiệp cũng được nhiều doanh nghiệp khác đầu tư. Có thể kể đến như Công ty Thép Cẩm Nguyên đầu tư trồng lúa gạo, Tập đoàn công nghiệp Tân Tạo công bố thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm. Nguyễn Kim, một doanh nghiệp bán lẻ điện máy, cũng nhảy vào kinh doanh lúa gạo trong khoảng 2 năm trở lại đây khi mua cổ phần của một số doanh nghiệp kinh doanh gạo.

 

  Cuối năm 2013, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền đã công bố việc tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Ascentro. Hoạt động của doanh nghiệp mới này là nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống. Doanh nghiệp không sản xuất mà chỉ bán buôn nông sản, nguyên liệu thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, bán buôn thóc, bắp và các loại ngũ cốc.

 

  Trước đó, năm 2012 Gemadept, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển, logictics, đã đầu tư trồng 30.000 ha cao su tại Campuchia.

 

  Nhận xét về xu hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng việc chuyển hướng sang đầu tư sản xuất nông nghiệp của một số doanh nghiệp là xu hướng tốt.

 

  Theo ông Sơn, cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân cản trở thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 1-2% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, nếu tỉ lệ đó tăng gấp 10 lần, tình hình nông nghiệp Việt Nam sẽ khác hẳn.

 

  Lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đã được chứng minh, khi rất nhiều sản phẩm đang đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu. Tuy vậy, đứng ở góc độ doanh nghiệp, cuộc chơi ở lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao là không đơn giản.

 

  Vấn đề đầu tiên là vốn. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi khả năng thu hồi chậm.

 

  Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, cho biết đã đầu tư vào Lào khoảng 1,2 tỉ USD trong 7 năm qua, nhưng chỉ mới bắt đầu có doanh thu trong năm vừa qua. TH True Milk công bố đã đầu tư giai đoạn đầu 350 triệu USD để nuôi bò và hiện đã có sản phẩm tung ra thị trường là sữa tươi. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, còn lâu nữa TH True Milk mới có thể đạt đến điểm hòa vốn.

 

  Nói về lĩnh vực nuôi bò, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cũng cho rằng đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và không phải ai làm cũng thành công. Theo bà, đầu tư chăn nuôi bò đòi hỏi phải vốn lớn và lâu dài. Nếu dùng vốn đi vay để nuôi sẽ rất nguy hiểm. Khả năng hoàn vốn lâu, trong khi đó, lãi vay ngân hàng biến động thất thường.

 

   “3 năm đầu tiên, các trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk phải chịu lỗ, năm ngoái mới bắt đầu có lãi. Năm qua, Vinamilk đã thị sát ở Lào và Campuchia để xây dựng thêm vùng chăn nuôi bò sữa, nhưng đã ngưng vì nhận thấy có nhiều rủi ro. Trong tương lai, nếu mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty sẽ đầu tư trang trại ở New Zealand và Úc”, bà Liên cho biết.

 

  Vấn đề thứ hai mà các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gặp phải là quỹ đất. Do chính sách hạn chế tích tụ ruộng đất, nên việc tìm ra những khu đất có diện tích lớn để phát triển nông nghiệp quy mô lớn là rất khó. Thực tế này cho thấy vì sao các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn phải ra nước ngoài đầu tư.

 

  Đó là chưa nói đến hàng loạt các rào cản khác như chính sách thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nền công nghiệp và dịch vụ phụ trợ cũng như vấn đề con người trong những lĩnh vực này còn thiếu và yếu, cơ chế hoạt động còn manh mún và thiếu tầm nhìn dài hạn…

 

  Dĩ nhiên, trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cơ hội cũng thường đi kèm với rủi ro. Và việc thành công hay không tùy thuộc vào người làm kinh doanh có chọn được hướng đi phù hợp, có chiến lược kinh doanh tốt, có đủ nguồn lực và khả năng thực thi tốt hay không.

 

  Thế nhưng, liệu xu hướng đầu tư vào nông nghiệp có phải là một hướng đầu tư tốt hay lại theo kiểu “thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”. Quan sát thực tế ở một số doanh nghiệp cho thấy, nó chưa hẳn là chiến lược được vạch ra dựa trên lợi thế của mình.

 

  Sau khi HAGL công bố đầu tư vào cao su cùng những tuyên bố ngon ăn về loại cây này, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng nhảy vào. Tuy nhiên, khi được hỏi về chiến lược đầu tư vào cây cao su, ông Dương Văn Minh, Tổng Giám đốc Gemadept, nửa đùa nửa thật bảo rằng cứ làm theo bầu Đức là được.

 

  Thực tế hiện nay cho thấy cây cao su đã không còn là một loại cây có giá trị cao như 5 năm về trước. Giá xuất khẩu cao su giảm thê thảm từ 5.000 USD/tấn năm 2008 xuống còn chưa tới 2.000 USD/tấn trong những tháng đầu năm 2014. Ngay cả HAGL hiện cũng không còn phát triển thêm diện tích cao su mới mà chỉ phát triển những loại cây khác. Hai năm trước Công ty Bất động sản Phát Đạt cũng đã lên kế hoạch trồng cao su, nhưng giá cao su giảm đã khiến Phát Đạt phải từ bỏ ý định.

 

  Câu chuyện “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” đã diễn ra trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, từ trào lưu doanh nghiệp xuất khẩu, đến bất động sản rồi ngân hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng “đào được khoai”, thậm chí phải trả giá đắt là bài bài học nhãn tiền mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nếm trải trong mấy năm qua. Phần lớn khi đầu tư một lĩnh vực mới họ đều tin về một kết quả tốt đẹp. Tuy vậy, rất ít sự chuyển hướng đầu tư đó mang lại kết quả như ý.

Nguồn: http://baodatviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác