Sữa Việt Nam

Đề xuất “cấm tiệt” quảng cáo thức ăn công thức thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng

Chiều 15/7, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị giải thích khái niệm “sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi” mà luật Quảng cáo đã quy định cấm quảng cáo…

 Tờ trình do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, luật Quảng cáo năm 2012 có khoản 4 Điều 7 quy định “nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi”. Quy định này nhằm mục đích khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đến dưới 24 tháng tuổi và để các bà mẹ không bị ảnh hưởng bởi thông tin quảng cáo về các sản phẩm dinh dưỡng công thức này.

 

Tuy nhiên, điều luật này “vênh” so với Nghị định có từ năm 2006 của Chính phủ, chỉ “cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi”. Quá trình xây dựng Nghị định thay thế thì có điểm vướng mắc về khái niệm “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ”.

 

Do vậy, Chính phủ đề nghị UB Thường vụ Quốc hội có văn bản giải thích nội dung khoản 4 Điều 7 luật Quảng cáo về nội dung “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi”.

 

 

 

Bộ trưởng Kim Tiến nêu rõ, hiện có 2 loại ý kiến diễn giải về khái niệm “sản phẩm thay thế sữa mẹ”. Chính phủ đề xuất quy định rõ sản phẩm thay thế sữa mẹ bao gồm 2 dòng: sản phẩm dinh dưỡng công thức (dạng lỏng hoặc bột) được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi - infant formula và sản phẩm để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi - follow up formula.

 

Loại ý kiến thứ 2 do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam - EUROCHAM đề xuất cũng đưa ra 2 dòng sản phẩm là infant formula và các sản phẩm dinh dưỡng khác mà có thành phần sữa dùng cho trẻ đến 24 tháng tuổi được công bố hoặc ghi nhãn là sản phẩm dùng để thay thế một phần hoặc hoàn toàn sữa mẹ.

 

Góp ý về vấn đề này, UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng dẫn khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF), sản phẩm dinh dưỡng công thức follow-up formula không được xác định là thức ăn bổ sung (thức ăn dặm).

 

Tuy nhiên, sản phẩm này lại được Bộ Y tế cấp phép cho các công ty sữa ghi nhãn mác là thức ăn bổ sung. Sản phẩm này hiện nay đang được quảng cáo tràn lan kèm theo hình ảnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến cho các bà mẹ dễ nhầm lẫn lựa chọn thay vì cho con bú sữa mẹ sau 6 tháng đầu đời và lâu hơn, trong khi thành phần và công thức của nó không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng để có thể thay thế sữa mẹ. Các chuyên gia của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) lo ngại rằng sẽ có nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu để sản phẩm này được phép quảng cáo.

 

Chủ nhiệm UB này – ông Đào Trọng Thi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là cấm quảng cáo cả sản phẩm infant formula và follow-up formula trong trường hợp này.

 

Tuy nhiên, ông Thi cho rằng chỉ liệt lê 2 loại sản phẩm dinh dưỡng cụ thể này vẫn chưa đủ. Trong tương lai những loại sản phẩm dinh dưỡng công thức mới cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có thể được các công ty sữa đưa ra thị trường sẽ không nằm trong đối tượng bị Luật Quảng cáo điều chỉnh.

 

 Do vậy, Thường trực UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất cách giải thích phù hợp, tránh việc phải tiếp tục bổ sung văn bản giải thích pháp luật khi có những sản phẩm mới phát sinh.

 

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản kết luận về vấn đề này và và giao Chính phủ làm Nghị định hướng dẫn, quy định rõ hơn Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo.

P.Thảo

Nguồn: dantri.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác