Sữa Việt Nam
Di Linh: Người dân mong có một trạm thu mua sữa
Các tổ viên Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Đinh Lạc phản ánh: “Chúng tôi có tất cả 10 tổ viên, nhưng mới chỉ có 9 tổ viên được Vinamilk ký hợp đồng thu mua sữa tươi. Và, có một điều bất cập, là 6 tổ viên thì giao sữa ở Bảo Lộc, 3 tổ viên khác lại giao sữa tại Đức Trọng, mặc dù 2 trạm thu mua sữa đó đều của Công ty cổ phần Vinamilk”.
Theo các tổ viên Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Đinh Lạc, để đảm bảo chất lượng của sữa tươi, 2 trạm thu mua sữa này yêu cầu họ giao sữa 2 lần/ngày. Chính yêu cầu này đã gây ra nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi bò sữa ở Di Linh trong quá trình mang sữa đi tiêu thụ.
“Khoảng cách từ khu chăn nuôi đến các trạm thu mua sữa trên 50 km. Nếu giao sữa 1 ngày 2 lần thì chúng tôi phải đi trên 200 km. Yêu cầu đó khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, chúng tôi còn phải đóng phí đường bộ tại Trạm thu phí Liên Đầm”, ông Đỗ Văn Huy (thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc) nói.
Ông Huy có 7 con bò sữa; trong đó, có 6 con đang cho sữa. Mỗi ngày, ông thu khoảng 1 tạ sữa tươi. Riêng chi phí vận chuyển sữa, mỗi kg sữa tươi (14.000 đồng) người nông dân phải mất 1.700 đồng cho tiền vận chuyển.
Cùng ngụ thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc với ông Đỗ Văn Huy, gia đình bà Nguyễn Thị Sáu chăn 11 con bò sữa. “Riêng chi phí vận chuyển sữa, mỗi ngày gia đình tôi mất khoảng 500.000 đồng”, bà Sáu cho biết. Còn gia đình ông Đặng Công Định ở thôn Tân Lạc 2 thì chi phí để vận chuyển sữa trong vòng 1 tháng vào khoảng 7 triệu đồng.
“Mong mỏi của những hộ chăn nuôi bò sữa là sớm có một trạm thu mua sữa tươi tại Di Linh để giảm bớt chi phí vận chuyển cho người nông dân. Nếu vì lý do nào đó mà chưa xây dựng được thì Công ty cổ phần Vinamilk nên tạo điều kiện cho bà con giao sữa tập trung một nơi ở Đức Trọng hoặc Bảo Lộc để bà con thuận tiện hơn trong việc bố trí xe cộ vận chuyển”, ông Lê Quốc Hải, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Đinh Lạc tâm sự.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng và chính quyền huyện Di Linh tiến hành đo đạc và giao 800 m2 đất tại thôn Đồng Lạc 3 (xã Đinh Lạc) cho Công ty cổ phần Vinamilk xây dựng trạm thu mua sữa. Công ty cổ phần Vinamilk cũng đã thiết kế phối cảnh Trạm thu mua sữa Di Linh. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Ông Trần Nhật Thi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh thừa nhận, các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Di Linh đang gặp phải khó khăn trên. Tuy vậy, vấn đề bà con chăn nuôi bò sữa xã Đinh Lạc phải giao sữa ở 2 nơi trước mắt vẫn chưa thể giải quyết về một mối được.
“Mặc dù hai địa điểm thu mua đó đều thuộc Công ty cổ phần Vinamilk, thế nhưng điểm thu mua sữa Bảo Lộc thuộc về nhà máy sữa ở TP Hồ Chí Minh, trong khi điểm thu mua sữa Đức Trọng lại thuộc về nhà máy sữa TP Quy Nhơn”, ông Thi giải thích.
Ông Trần Đức Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh trao đổi: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, chúng tôi đã có công văn gửi đến Công ty cổ phần Vinamilk đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm thu mua sữa Di Linh”.
Ông Trần Đức Công cho biết thêm, hiện tại, các thủ tục liên quan đến Trạm thu mua sữa Di Linh đã được hoàn tất và đang trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Khi UBND tỉnh phê duyệt, huyện sẽ triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, trong quý I/2017, Trạm thu mua sữa Di Linh sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
TRỊNH CHU