Sữa Việt Nam
Đi tìm sự thật về sữa tươi
Sữa bột pha nước = sữa tươi!
Quy trình công nghệ này, tất nhiên là có thêm vi chất, các nhà chuyên môn gọi là “sữa hoàn nguyên”, trong đó, sữa bột được đông khô từ sữa vắt từ bò, đã mất nhiều dưỡng chất tự nhiên. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích: “Sữa đông khô có chất lượng kém xa sữa bò tươi, vì trước khi tiến hành đông khô, các nhà máy sơ chế ở nước ngoài đã rút hết các thành phần bơ và mỡ trong sữa. Khi đưa nguyên liệu về Việt Nam, các nhà máy phải thực hiện quá trình “hoàn nguyên” sữa, tức là bổ sung các thành phần dinh dưỡng sao cho gần đạt được như sữa tươi ban đầu”.
Theo tính toán của các nhà kinh tế, cách hoàn nguyên sữa bột nhập khẩu này giúp nhà sản xuất trong nước tăng lợi nhuận lên rất nhiều khi chi phí thấp, không phải đầu tư trang trại, không nuôi bò. Cũng nhờ quy trình này mà sữa hoàn nguyên (với tên gọi sữa tươi tiệt trùng) ghi trên bao bì, các DN tung ra hàng triệu lít sữa mỗi ngày.
Rõ ràng là thế, nhưng thực tế, loại sữa bột hoàn nguyên này lại đang được bán giá đắt hơn sữa tươi nguyên thủy (nhãn mác ghi là sữa tươi thanh trùng). Theo các chuyên gia, ngoài việc phải nhập nguyên liệu đắt còn có những chi phí tốn kém cho quảng cáo, truyền thông và hoa hồng đại lý... để bán hàng. Dư luận đặt câu hỏi là tại sao các nhà khoa học không đưa ra bảng phân tích chất lượng của 2 sản phẩm sữa tươi và sữa hoàn nguyên đang lưu hành trên thị trường?
Vấn đề này, người tiêu dùng rất cần, nói đúng hơn là có quyền được biết, bởi nếu nói sữa tươi chất lượng hơn sữa hoàn nguyên thì phải chỉ ra cái hơn đó ở đâu, giá trị kinh tế hay không để lựa chọn. Không thể hô khẩu hiệu “hãy là người tiêu dùng thông thái” khi không cho người dùng “hiểu” thì làm sao “thông thái”?
Cũng về vấn đề nhập nhằng này, nhiều người tiêu dùng bức xúc, rằng nếu là sữa tươi nguyên chất thì mới được quyền ghi sữa tươi trên bao bì, còn sữa hoàn nguyên thì phải ghi là sữa hoàn nguyên. Vì vậy, Nhà nước, các ngành chức năng cần có các quy định rõ ràng để phân biệt thế nào là sữa tươi, thế nào là sữa bột pha thành sữa tươi.
Trong “mê hồn trận” nhãn mác, người tiêu dùng khó mà phân biệt được đâu là sữa tươi, sữa hoàn nguyên. |
Không đủ sữa tươi
Việc mỗi ngày các nhà máy, DN tung ra hàng triệu lít sữa mỗi ngày và được gọi chung với cái mỹ từ sữa tươi cũng đủ để người dân hiểu rằng đàn bò hiện có trong nước không thể nào “tiết” ra được chừng ấy.
Thực chất, người tiêu dùng vì mập mờ trong nắm thông tin, chỉ hiểu một cách giản đơn là có 2 loại sữa: bột và nước. Vì vậy, gần như tất cả đều hiểu sai rằng sữa nước chính là “sữa tươi” được làm từ sữa bò vắt ra. Lợi dụng cách hiểu này, trên thị trường, phần lớn “sữa tươi” được làm từ sữa bột nhập khẩu, pha thêm nước, vi chất... để “hoàn nguyên” trở lại thành sữa nước, bán với tên gọi chung “sữa tươi”.
Trở lại nguồn cung cấp sữa tươi để chứng minh cung cho thị trường là không đủ. Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, tổng đàn bò sữa của chúng ta là 167.000 con, trong đó chỉ 1/2 số bò cho sữa với ước tính khoảng hơn 100 tấn/ngày. Tuy nhiên, khoảng 10% trong số đó được nông dân bán lẻ hoặc sử dụng cho mục đích khác. Lượng sữa này chỉ đủ cho một nhà sản xuất nhỏ, trong số hơn 10 DN đang sản xuất sữa trong nước. Đàn bò nuôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu sữa nước cho cả nước.
Cũng về nguồn cung, ông Nguyễn Đăng Vang - nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi tỏ ra hoài nghi: “Trong tất cả các DN chế biến sữa hiện nay, chỉ có Mộc Châu là đơn vị có đủ nguồn hàng để chế biến sữa tươi, với sản lượng khoảng 7.500-8.000 tấn. Các đơn vị khác đều trông chờ vào nguồn sữa bột nhập khẩu, nhưng trên thị trường lại đầy sản phẩm sữa tươi tiệt trùng. Thực sự sữa tươi ở đâu mà nhiều vậy?”.
Rõ ràng, đã đến lúc các bộ, ngành liên quan cần có quy định cụ thể trong việc ghi nhãn mác đối với sản phẩm đang ngày càng trở nên thiết yếu đối với người tiêu dùng trong cuộc sống hằng ngày. Hãy trả sữa tươi và sữa hoàn nguyên về đúng bản chất của nó. Đó cũng là cách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
N.Minh