Sữa Việt Nam

Doanh nghiệp sữa nội tăng độ phủ

Ngành sữa đã có những thay đổi lớn về cấu trúc với các thương vụ Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk, Blue Point và Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mua lại Sữa Quốc tế (IDP)…

 CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) vừa thông báo tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền với tỷ lệ 5%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 500 đồng. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 7/9/2020 và chi trả vào ngày 18/9/2020. Như vậy, với gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, QNS sẽ chi khoảng 178 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

 

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2020, dù doanh thu giảm 20% (đạt 3.122 tỷ đồng) và lãi ròng giảm 16,5% so với cùng kỳ 2019, nhưng QNS vẫn bỏ túi 488 tỷ đồng, hoàn thành trên 53% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

 

Với CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), kết quả còn tích cực hơn khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức kỷ lục là 5.861 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2019, tương đương 55% kế hoạch năm. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7%.

 

"Xuất khẩu sẽ trở thành bài toán được đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng. Hiện các nhà sản xuất sữa trong nước được xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm Vinamilk, TH True Milk, Vinasoy, Mộc Châu Milk. Mới đây, Vinamilk đã đẩy mạnh đầu tư sang Lào."    

 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu doanh nghiệp ngành sữa duy trì độ hấp dẫn và thanh khoản tốt những tháng gần đây. QNS hiện giao dịch quanh mức 34.000 đồng/cổ phiếu, còn VNM là 117.000 đồng/cổ phiếu, đều tăng gần 50% so với đáy tháng 3.

 

Triển vọng của doanh nghiệp ngành sữa khá ổn định. Báo cáo của Nielsen cho thấy, nhu cầu các sản phẩm sữa trong nước ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉ giảm 4% về giá trị so với mức giảm 7,3% của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Cũng theo báo cáo này, tiêu thụ sữa chiếm 12% tiêu thụ hàng FMCG tại Việt Nam trong nửa đầu năm, không thay đổi so với năm 2019.

 

Với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu nội địa vượt trội trong ngành, lần lượt đạt 2,5% và 9,7%, Vinamilk và Mộc Châu Milk (mã MCM) cho thấy hiệu quả kinh doanh thời kỳ bệnh dịch. Nhận định này phần nào được chứng minh khi Vinasoy - mảng sữa thực vật của QNS giảm 6% doanh thu nội địa so với cùng kỳ.

 

Với giả định không có thêm đợt giãn cách xã hội trên toàn quốc trong nửa cuối năm nay, CTCK SSI dự phóng VNM sẽ đạt mức tăng trưởng 8% về doanh thu và 5,5% về lợi nhuận cho cả năm 2020, trong khi doanh thu và lợi nhuận của Vinasoy ước tính giảm 1% và 9,2 %.

 

Cuộc rượt đuổi thị phần cho thấy, tuy là ngành tăng trưởng trong đại dịch, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có "phao" chắc chắn.

 

Sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng nhu cầu từ người tiêu dùng vẫn có thể bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm sút. Vì thế, quá trình cao cấp hóa sản phẩm để có biên lợi nhuận lớn hơn có thể sẽ chậm lại.

 

Ngành sữa cũng đã có những thay đổi lớn về cấu trúc với các thương vụ Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk, Blue Point và VCSC mua lại IDP…, bên cạnh những thương hiệu mới trong nước đang phát triển nhanh như Vitadairy.

 

Đại dịch đem đến giá sữa nguyên liệu hợp lý sẽ là một thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn.

 

Theo đó, Cơ quan Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo giá sữa sẽ giảm 8,5% trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021.

 

Rabobank thì ước tính, giá bột sữa nguyên kem và bột sữa tách kem tại châu Úc sẽ tiếp tục giảm từ nay đến quý III/2021, khiến giá sữa trung bình giảm 10-11% trong năm 2021.

 

Việc đẩy mạnh bán hàng qua kênh hiện đại (hiện chiếm 10-15% doanh thu của các công ty sữa) có thể khiến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm do chi phí bán hàng và chiết khấu tăng.

 

Bên cạnh đó, các thương hiệu sữa trong nước sẽ đối diện với sức ép lớn hơn từ các thương hiệu nước ngoài, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực cho phép loại bỏ các mức thuế từ 5-20% đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong 3-5 năm tới.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác