Sữa Việt Nam
Doanh nghiệp sữa sẽ được tự xác định giá bán lẻ
Mới đây, tại lễ công bố Sách Trắng 2017 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cơ quan này đã đề xuất Việt Nam nên gỡ bỏ chính sách giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; đồng thời cho phép quay trở lại với cơ chế giá thị trường và không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa như hiện tại, cũng như không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề buổi lễ trên, ôngNguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương,cho biết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do DN, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.
. Ông có bình luận gì về đề xuất bỏ trần giá sữa của EuroCham?
+ Ông Nguyễn Lộc An: Những đề xuất, đánh giá của EuroCham về thị trường sữa cũng là một kênh tham khảo trong quá trình chúng tôi xây dựng thông tư hướng dẫn đối với mặt sữa. Hiện tại Vụ Thị trường trong nước đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương: "Sau khi công tác quản lý sữa được chuyển giao cho Bộ Công Thương từ năm 2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao cho Vụ khẩn trương xây dựng dự thảo hướng dẫn quản lý giá sữa. Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng và người tiêu dùng được mua sữa với giá cả hợp lý".
. Nhiều ý kiến đánh giá việc quản lý giá sữa như hiện nay làm hạn chế hoặc ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này?
+ Việc quy định về quản lý giá sữa hiện nay không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường sữa, các biện pháp quản lý giá sữa chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng là trẻ em dưới sáu tuổi. Việc giữ giá sữa thấp sẽ làm tăng khả năng tiếp cận mặt hàng sữa với chất lượng tốt cho các đối tượng là trẻ em ở Việt Nam. Khi giá bán hợp lý hơn, có thể hỗ trợ tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nên không làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường của các đối tác tham gia thị trường sữa, trong đó có rất nhiều đối tác nước ngoài.
. Vậy việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi của Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Giá sữa luôn là chủ đề được người tiêu dùng quan tâm.
+ Trước mắt để có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai và bảo đảm quản lý được giá cả, cùng với đó là chất lượng mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng, Vụ Thị trường trong nước dự kiến quy định quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng theo hướng: DN, hợp tác xã đầu mối (sản xuất, nhập khẩu sữa) tự xác định mức giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các DN triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước; thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đã đăng ký hoặc kê khai.
Còn cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do DN, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường. Với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...; xác định được trách nhiệm của các DN, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Về lâu dài, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với các Vụ, Cục liên quan rà soát các chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong kinh doanh đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới sáu tuổi để xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh cao cho mặt hàng này; qua đó giá sản phẩm sẽ tự được điều chỉnh theo các quy luật thị trường về mức hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng; đồng thời bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường.
. Xin cảm ơn ông.
Theo Trà Phương (ghi)
Pháp luật TPHCM