Sữa Việt Nam

Đơn Dương: Tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa

Xác định chăn nuôi bò sữa là một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương, huyện Đơn Dương luôn ưu tiên và có cơ chế phù hợp để thúc đẩy ngành Chăn nuôi bò sữa phát triển; đồng thời, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người nông dân tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

 Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tổng đàn bò sữa toàn huyện là 16.330 con, chiếm tới 67% tổng đàn bò sữa của toàn tỉnh. Trong đó có khoảng 7.739 con bò sữa đang cho khai thác với sản lượng sữa bình quân 160 tấn/ngày, tăng trung bình 9,7%/năm. Tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi nguyên liệu hiện nay ước đạt trên 2 tỷ đồng/ngày. 

 

Toàn huyện có 677 hộ, trang trại chăn nuôi bò sữa, trong đó có 3 trang trại quy mô lớn (trên 300 đơn vị vật nuôi) gồm: Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt, Trang trại bò sữa Organic Đà Lạt, Trang trại Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (thuộc Tập đoàn TH); trên 530 trang trại quy mô vừa và nhỏ và 140 hộ chăn nuôi.

 

Trong giai đoạn vừa qua ngành Chăn nuôi bò sữa đã phát triển tích cực, tỷ lệ tổng đàn bò sữa tăng theo từng năm (tăng trung bình 7,9%/năm), quy mô đàn trong nông hộ đã tăng dần, tỷ lệ số hộ nuôi quy mô trang trại ngày càng chiếm tỷ lệ cao. 

 

100% hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện có ký kết hợp đồng mua bán sữa tươi nguyên liệu với các doanh nghiệp thu mua sữa hoặc thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo đầu ra ổn định. 99% sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nông hộ cung cấp cho các công ty thu mua chế biến, chỉ 1% tiêu thụ tại chỗ. Việc liên kết tiêu thụ sữa tươi đã tạo nên một cầu nối phát triển bền vững, hài hòa với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sữa. Bên cạnh liên kết ký hợp đồng thu mua, các trạm thu mua, hợp tác xã, tổ hợp tác còn phân phối thức ăn chăn nuôi bò sữa, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi cho các hộ.

 

Thời gian qua, do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá cả nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng cao trong khi giá nông sản có thời điểm thấp, thiếu ổn định đã làm ảnh hưởng đến sự đầu tư và thu nhập của người nông dân. 

 

Để chủ động tháo gỡ khó khăn cho ngành Chăn nuôi, UBND huyện Đơn Dương đã tổ chức làm việc với các đơn vị thu mua sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn để xem xét điều chỉnh nâng giá thu mua sữa tươi nguyên liệu; tăng cường hỗ trợ về công tác khuyến nông cho các hộ, trang trại chăn nuôi để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của công ty thu mua đề ra và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết từ thu gom, tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn huyện. 

 

 Theo đó, các công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu đã điều chỉnh giá thu mua sữa tươi nguyên liệu (tăng trung bình từ 1.000 - 2.000 đồng/kg) và áp dụng hỗ trợ giá thức ăn chăn nuôi. Công ty Cổ phần VP Milk đã thành lập trạm trung chuyển sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn huyện Đơn Dương, đồng thời đã hoàn thành việc triển khai công tác ký kết với các hộ nông dân. 

 

Bà Tou Prong Nai Khoan - Phó  Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại xã Đạ Ròn và Tu Tra. Từ những tiềm năng, lợi thế vốn có và kết quả đạt được, huyện Đơn Dương trở thành một trong những điển hình tiêu biểu phát triển ngành Chăn nuôi bò sữa của tỉnh và là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. 

 

Trong kế hoạch về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, huyện hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh; chuyển dần từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi trang trại với trình độ chăn nuôi được hiện đại hóa, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, nâng cao tỷ trọng ngành Chăn nuôi bò sữa, phấn đấu đàn bò sữa phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng một cách bền vững, tổng đàn hàng năm tăng bình quân 5 - 6%. 

 

Để chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi, ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi diện tích ở những nơi phù hợp và có diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây bắp, bắp sinh khối; tăng cường hoạt động liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Đồng thời tiếp tục duy trì, quan tâm chế độ chăm sóc, dinh dưỡng phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sữa để đạt chất lượng cao nhất và thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất sữa tươi nguyên liệu, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác