Sữa Việt Nam

Dự án Trang trại bò sữa Vinamilk: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo triển khai đúng tiến độ

Chiều 13-9, làm việc với UBND huyện Mộ Đức liên quan đến việc triển khai dự án Trang trại bò sữa của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk)

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của ngành nông nghiệp, là cơ hội lớn để địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển KT-XH, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương. Do vậy, yêu cầu các sở ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, giải quyết các vấn đề về đất đai, thủ tục và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo dự án triển khai thuận lợi, đúng tiến độ.

 

Theo UBND huyện Mộ Đức, trên cơ sở những yêu cầu sơ bộ của dự án, huyện đã triển khai thực hiện các công việc liên quan, tổng diện tích dự kiến quy hoạch trang trại khoảng 131,16 ha (xã Đức Phú 120,7 ha và Đức Hòa 10,46 ha); trong đó Vinamilk xác định diện tích quy hoạch xây dựng vùng trung tâm (vùng lõi) là 30 ha.

 

Đối với diện tích quy hoạch xây dựng vùng trung tâm 30 ha, huyện đã thuê đơn vị tư vấn xác định có 274 thửa đất, trong đó UBND xã Đức Phú quản lý 16,28 ha/86 thửa và đất giao cho hộ dân theo Nghị định 64 là 13,72/188 thửa.

 

Huyện Mộ Đức cho biết, dự án nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở, mong muốn dự án sớm được triển khai đầu tư từ vị trí đã chọn. Tuy vậy, người dân vùng quy hoạch cũng có ý kiến đề nghị Công ty khi thực hiện thuê đất hỗ trợ kinh phí cải tạo đất, đầu tư trồng mía mà người dân đã thực hiện. Riêng đồng Thượng Lâm đất tốt, màu mỡ hơn nên hỗ trợ cao hơn so với các khu vực khác từ 200-300 ngàn đồng/sào; có chế độ đãi ngộ đối với con em và người dân không có đất sản xuất vùng dự án; tổ chức cho một số hộ dân tham quan trang trại của Vinamilk hiện đang triển khai tại các tỉnh, thành để học tập phối hợp tham gia dự án.

 

Dự án Trang trại bò sữa Vinamilk tại Mộ Đức dự kiến quy mô nuôi khoảng 4.000 con để cung cấp sữa tươi nguyên liệu ổn định cho 2 Nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk tại Đà Nẵng và Bình Định. Hiện nay, các trang trại của Vinamilk chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, do vậy, đầu ra của trang trại hoàn toàn được đảm bảo.

 

Trang trại bò sữa Vinamilk sẽ đóng vai trò hạt nhân tạo ra chuỗi sản xuất theo sau dự án. Cụ thể, người dân trong khu vực và vùng lân cận có thể nuôi bò sữa, trồng cỏ, ngô để cung cấp nguyên liệu sữa tươi, thức ăn chăn nuôi,... Vinamilk sẽ hỗ trợ về giống, quy trình kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo chuỗi sản xuất.

 

Tại buổi làm việc, Vinamilk cho biết với quy mô dự kiến như trên thì trang trại cần khoảng 150 lao động và 10 cán bộ quản lý, chủ trương của Công ty là ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương. Về việc hỗ trợ kinh phí như ý kiến của bà con vùng dự án, Công ty ghi nhận và sẽ sớm có văn bản trả lời; Công ty thống nhất tổ chức cho một số hộ dân tham quan trang trại của Vinamil trong thời gian đến.

 

Để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ yêu cầu đặt ra đối với dự án trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Đặng Văn Minh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương bổ sung Dự án vào Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2025, hướng dẫn UBND huyện Mộ Đức trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành.

 

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Mộ Đức khẩn trương hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục thuê đất đối với diện tích đất nhà nước đang quản lý và đất giao cho hộ dân theo Nghị định 64, trình UBND xem xét, quyết định trước ngày 31/10/2017; hỗ trợ nhân lực, hỗ trợ huyện Mộ Đức hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các diện tích do hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng nhưng chưa có giấy chứng nhận; hỗ trợ Nhà đầu tư thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất đối với các hộ dân vùng dự án theo đúng quy định hiện hành.

 

UBND huyện Mộ Đức tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tích cực hỗ trợ, giúp các xã liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đất đai,...đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong vùng dự án; trong quá trình tổ chức thực hiện, các vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

 

Đối với Nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan tổ chức thực hiện những nội dung công việc thuộc trách nhiệm của Nhà đầu tư; cùng với địa phương thống nhất với các hộ dân về giá thuê đất, thời gian thuê đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân; trong đó lưu ý mức thuê đất thấp nhất là 18 triệu đồng/ha, riêng vùng Thượng Lâm mức thấp nhất là 23 triệu đồng/ha; Nhà đầu tư xem xét ưu tiên sử dụng lao động như nguyện vọng của bà con vùng dự án; tính toán, hỗ trợ các khoản đầu tư về đất; cây trồng của người dân chưa đến kỳ khai thác,...

 

 P.V

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác