Sữa Việt Nam
Dùng biện pháp mạnh để “quản” giá sữa?
Cân nhắc biện pháp mạnh
Ngày 7/3, đoàn thanh tra của Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đã bắt đầu thanh tra tại 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường gồm Mead Johnson, Nestlé Việt Nam, Vinamilk, Friesland Campina Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A. Đoàn thanh tra sẽ làm rõ cơ cấu giá, rà soát các quy định của pháp luật để làm rõ nghi vấn có hay không việc các doanh nghiệp sữa “bắt tay” tăng giá, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Ở thời điểm đó, giá sữa và các sản phẩm bổ sung dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi đã có nhiều đợt điều chỉnh giá tăng đến chóng mặt. Nhiều mặt hàng điều chỉnh tăng từ 6 - 8%, thậm chí 10% nhưng được chia thành các đợt nhỏ nhằm "lách" luật. Đơn cử Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, đơn vị phân phối dòng sữa Nan, đã tăng giá 11 sản phẩm với mức 7-9% từ ngày 31/1, trong khi ngày 12/2 Bộ Tài chính mới nhận được giải trình của doanh nghiệp này.
Gần 1 tháng sau ngày bắt đầu thanh tra, chiều 4/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: “Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thanh tra giá sữa tại 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa. Sau khi có kết quả thanh tra, liên Bộ sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Mặc dù chưa công bố kết quả thanh tra giá sữa, song Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng khẳng định sẽ có biện pháp bình ổn giá sữa, đặc biệt là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sau khi có kết quả thanh tra các doanh nghiệp sữa. Trước một số bức xúc của người dân về việc giá sữa tăng vô tội vạ trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, trong quá trình nghiên cứu, xem xét các biện pháp quản lý, giám sát giá sữa, không loại trừ khả năng sử dụng cơ chế giá trần.
Theo Bộ Tài chính, dựa trên kết quả thanh tra các doanh nghiệp sữa, Cục Quản lý giá sẽ có nghiên cứu đưa ra đề xuất với cơ quan chức năng để đánh giá cụ thể. Không loại trừ khả năng sử dụng cơ chế giá trần để quản lý, giám sát giá sữa và theo quy định của Luật Giá thì có tới 7 biện pháp bình ổn giá nên Bộ Tài chính cho rằng vẫn đang cân nhắc cẩn trọng.
Nhiều nghi vấn chưa có câu trả lời
Ngày 4/4, hàng loạt câu hỏi đã được các cơ quan báo chí gửi lên Bộ Tài chính nhằm xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý giá đến đâu? Liệu có nhóm lợi ích trong các doanh nghiệp sữa hay không? Hay có sự liên kết để tăng giá hay không?... Những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ông Nguyễn Anh Tuấn từng khẳng định rằng, doanh nghiệp sữa tự ý tăng giá trong khi chưa giải trình xong là dấu hiệu vi phạm về giá. Tuy nhiên, có tội hay không, nếu có tội đến đâu hiện vẫn phải chờ kết luận cơ quan thanh tra làm rõ vấn đề này. Trong quá trình bắt đầu thanh tra giá sữa, dù Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu trong thời gian đang giải trình lý do, đề nghị bán giá như cũ, song quan tìm hiểu của chúng tôi, giá bán các loại sữa vẫn không có dấu hiện giảm giá. Phải chăng các DN phớt lờ cơ quan chức năng?
Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí… cho phép xử lý các doanh nghiệp có hành vi tự ý nâng giá bán trong thời gian phải giải trình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, phương án hành động của Cục Quản lý giá trong thời gian gần đây vẫn chưa làm cho giá sữa hạ xuống. Dư luận cho rằng cần làm rõ nghi vấn các đơn vị có liên kết để tăng giá hay không bởi thực tế trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp sữa lớn đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán. Và tại sao việc xác minh của đoàn thanh tra lại mất nhiều thời gian đến vậy?
Hiện tượng tăng giá sữa rất giống với sự việc tăng giá cước 3G trong cùng thời điểm hồi đầu năm. Lúc đó, người tiêu dùng cũng đặt câu hỏi liệu các nhà mạng có vi phạm luật cạnh tranh hay không? Lần này đến các doanh nghiệp sữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp sữa lớn đều tăng giá, lại một lần nữa nghi vấn đó được đặt ra. Khi hai hiện tượng xảy ra giống nhau, trong khi nhà quản lý chưa có kết luận cuối cùng, rất nhiều người e ngại lại một kết luận thanh tra tương tự như vụ 3G. Có nghĩa là, người tiêu dùng phải chấp nhận mức tăng giá của doanh nghiệp nếu cơ quan thanh tra khẳng định không có sự “bắt tay” như dư luận vẫn nói.Và bây giờ, người tiêu dùng tiếp tục chờ kết quả thanh tra với hy vọng kịch bản tương tự sự việc tăng cước 3G không lặp lại.
Nguồn: xaluan.com
Ý kiến của bạn
Bài viết khác