Sữa Việt Nam

Hà Nam: Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng trang trại tập trung

Chủ trương tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng trang trại tập trung ở các địa phương đã có kinh nghiệm chăn nuôi và điều kiện tự nhiên phù hợp với vùng đất bãi ven sông thuận lợi... của tỉnh Hà Nam những năm gần đây đã mang lại hiệu quả.

 Chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng trang trại tập trung ở các địa phương đã có kinh nghiệm chăn nuôi và điều kiện tự nhiên phù hợp với vùng đất bãi ven sông thuận lợi cho trồng cỏ, ngô làm thức ăn cho bò của tỉnh Hà Nam những năm gần đây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Từ năm 2002, ông Nguyễn Văn Khu, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn đưa con bò sữa vào chăn nuôi. Là con vật nuôi hoàn toàn mới nên trong quá trình chăn nuôi gia đình ông đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Kiên trì học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đàn bò sữa của gia đình ông đã không ngừng tăng lên và cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Hiện nay, đàn bò sữa của gia đình ông Khu tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Chuyên Ngoại là 100 con, trong đó 60 con đang cho sữa; trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Khu cho biết, để chăn nuôi bò sữa hiệu quả thì người nông dân phải có tư duy tốt, tính chuyên nghiệp cao, không ngại khó ngại khổ và tâm huyết với nghề, đặc biệt là phải thường xuyên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; có diện tích đất thuận lợi cho việc trồng cây thức ăn thô xanh cho bò, cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ chất lượng cao, giá thành rẻ.

 

Gia đình anh Phạm Hồng Điệp bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2014 tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên. Hiện, trại bò của anh có 26 con, trong đó 15 con đang cho sữa.

 

Theo anh Phạm Hồng Điệp, một con bò sữa trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi khoảng 30 triệu. Chính vì vậy, với gia đình anh cũng như nhiều hộ khác tại xã Trác Văn, chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Để chăn nuôi hiệu quả hơn, anh mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, con giống chất lượng để năng suất sữa cao hơn.

 

Theo thông kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh Hà Nam hiện có 195 trại chăn nuôi 4.000 con bò sữa, trong đó, 59 trại quy mô chăn nuôi từ 10 - 20 con, 79 trại quy mô từ 20 - 100 con, đều nằm trong các khu quy hoạch chăn nuôi bò sữa tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững; chỉ có 57 trại quy mô chăn nuôi dưới 10 con trong các khu dân cư.

 

Chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao và ổn định, những hộ nuôi 10 con, thu lãi trung bình 17 triệu đồng/tháng/hộ, những hộ nuôi từ 40 con trở lên thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/hộ/tháng, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu cho các hộ chăn nuôi.


Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết: Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đây là một nghề khó đòi hỏi phải có trình độ cao, kinh nghiệm về bò sữa, nguồn vốn lớn, nhiều đất canh tác để trồng cây thức ăn cho bò. Tại địa phương phải có một đội ngũ kỹ thuật trình độ chuyên môn tốt, tính chuyên nghiệp cao để hình thành tổ dịch vụ tư vấn, phòng trị bệnh và phối giống nhân tạo cho đàn bò sữa.

 

Thời gian tới, tỉnh Hà Nam có chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa ở các khu chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch. Hà Nam đặt mục tiêu đến 2025, tổng đàn bò sữa đạt 6.500 con, sản lượng sữa đạt 20.000 tấn/năm, doanh thu đạt 260 tỷ đồng/năm; tạo thu nhập cao và ổn định cho người nông dân.

 

Để đạt mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân lựa chọn mua bò sữa tại các cơ sở giống tin cậy; hỗ trợ quản lý, giám sát dịch bệnh, hỗ trợ tinh bò sữa, dụng cụ, vật tư phối giống,… và các giải pháp kỹ thuật khác nhằm phục vụ phát triển bò sữa bền vững. Các địa phương bố trí đủ diện tích đất trồng cỏ cần thiết, phù hợp với tiến độ phát triển của đàn bò, chọn lọc một số giống cỏ chất lượng, năng suất cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò, bố trí cơ cấu vùng trồng cây thức ăn thuận lợi cho cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất.

 

Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với công ty Công ty sữa Vinamilk, FrieslandCampina Hà Nam tiếp tục hợp đồng thu mua 100% sản lượng sữa tươi đạt tiêu chuẩn và đầu tư xây dựng thêm các điểm thu mua sữa tại các khu quy hoạch chăn nuôi; đồng thời đa dạng hóa các hình thức chế biến, tiêu thụ sữa.

 

Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải có bể lắng đảm bảo tối thiểu 1m3/con bò; áp dụng các biện pháp xử lý môi trường bằng men vi sinh vật, nuôi giun quế.

 

 

 Hà Nam

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác