Sữa Việt Nam
Hà Nam mở rộng chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững
Làm giàu từ nuôi bò sữa Anh Tống Văn Bính, thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) nhớ lại nỗi gian truân, vất vả của những ngày đầu bắt tay vào nghề chăn nuôi bò sữa đầy gian khó vì gia đình anh là một trong những gia đình tiên phong của làng, của xã mạnh dạn đầu tư vào nghề nuôi bò sữa.
Những háo hức ban đầu đã nhanh chóng tan biến, thay vào đó là cảm giác lo âu cho sức khỏe đàn bò vì chúng được nhập khẩu từ Ô-xtrây-li-a về, chưa quen với khí hậu nên bệnh tật nhiều, trong khi người nuôi chưa có một chút kinh nghiệm nào trong việc chăm sóc bò sữa. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà anh Bính được dồn cả vào đàn bò. Giá mỗi con bò lúc ấy vào khoảng 24 triệu đồng (trị giá bằng 4-5 cây vàng). Vất vả, vật lộn, mất ăn, mất ngủ để chăm sóc bò là vậy, nhưng khi bò có sữa thì chưa kịp mừng đã lại lo bởi giá sữa quá thấp, không có người thu mua, khiến những người nuôi bò lại một phen điêu đứng, có lúc đã phải tính đến phương án giải tán đàn bò. Mười năm trôi qua, với sự kiên trì, quyết tâm, đàn bò sữa của gia đình anh Bính hiện có 32 con, trong đó có tới 20 con đang cho khai thác sữa. Với giá sữa khá ổn định như hiện nay dao động từ 10 đến 14 nghìn đồng/kg, trung bình một con bò có thể cho 4.500-5000 kg sữa mỗi năm, trừ các khoản chi phí, mỗi con bò sữa cũng cho lãi khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Nhận thấy chăn nuôi bò sữa ngày càng cho thu nhập ổn định, năm 2007, anh Bính đã đầu tư xây dựng một trạm thu gom sữa, bảo đảm việc thu gom sữa ổn định cho các hộ chăn nuôi. Nhờ chăn nuôi bò sữa, gia đình anh có nguồn thu nhập cao, ổn định, đầu tư mua sắm các trang thiết bị chăn nuôi, đồng thời hỗ trợ các gia đình chăn nuôi trong xã vay vốn mua thêm bò.
Gia đình anh Nguyễn Văn Khu, thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên) đã quyết tâm vượt qua được giai đoạn khó khăn để duy trì được đàn bò sữa từ năm 2002 đến nay. Mỗi năm, tổng thu nhập từ đàn bò sữa của gia đình anh Khu đạt hơn 500 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi từ đàn bò khoảng 250 triệu đồng. Vừa qua, gia đình anh Khu đã đầu tư xây dựng trang trại bò sữa kiên cố với quy mô 20-25 con và mua sắm các dụng cụ máy móc hiện đại phục vụ nuôi bò, mua thêm đất mở rộng trang trại, xây nhà hai tầng khang trang với đủ tiện nghi, các con được đầu tư học hành.
Mở rộng chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững Nghề chăn nuôi bò sữa đã dần thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại địa phương, cùng với đó, giá sữa cũng tăng theo hướng ổn định giúp cho người chăn nuôi ngày càng có lãi. Điều đó đã giúp cho người chăn nuôi trên địa bàn yên tâm đầu tư mở rộng đàn bò sữa. Nếu như năm 2007, tổng đàn bò sữa của tỉnh Hà Nam có 158 con, đến nay đã tăng lên 477 con với 116 hộ chăn nuôi. Năng suất sữa bình quân 17 kg/con/ngày, giá sữa cao, ổn định, nhu cầu sữa trong nước và trên thế giới ngày một tăng, tiêu thụ thuận lợi, tạo ra sản phẩm hàng hóa trị giá 14-15 tỷ đồng/năm. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Tỉnh Hà Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển đàn bò sữa đến năm 2020 đạt 3.000 con trong đó có 1.600 con bò vắt sữa, 1.400 con bê tơ lỡ; thực hiện chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, sản lượng sữa đạt 8.500 tấn/năm, giá trị sản phẩm sữa, thịt đạt 120 tỷ đồng/năm. Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nam tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới đó là: Quy hoạch vùng nuôi bò sữa và tạo điều kiện để nông dân có đất quy hoạch tổ chức chăn nuôi bò sữa tập trung ở các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân. Theo đó, các huyện này đã rà soát và quy hoạch dành 408,6 ha đất để trồng cỏ nuôi bò sữa.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa năm 2014, xây dựng dự án "Phát triển mở rộng chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2014-2020" do UBND tỉnh phê duyệt.
Thực hiện tốt việc tuyên truyền nhân rộng điển hình, các giải pháp về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, các chính sách hỗ trợ. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Kiều Hữu Bình: Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo trung tâm phát triển bò sữa phối hợp chặt chẽ các địa phương quy hoạch vùng phát triển bò sữa. Đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho người dân, nhất là những hộ mới nuôi, cán bộ kỹ thuật hướng giúp đỡ người dân đầy đủ về việc chọn mua giống, biện pháp phòng, chống và chữa bệnh cho bò. Quy mô chăn nuôi bò sữa ở nông hộ, nông thôn từ 5 đến 10 con bò/hộ, trong đó có tám con bò vắt sữa theo hướng công nghiệp là phù hợp với khả năng về vốn, về lao động và ruộng đất trồng cỏ để đạt hiệu quả cao.
Cùng thực hiện mục tiêu chung sức phát triển đàn bò sữa của tỉnh, mười năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam đã tạo mọi điều kiện để người dân phát triển đàn bò sữa được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Vừa qua, ngân hàng đã bố trí được nguồn vốn 15 tỷ đồng về huyện Duy Tiên để giúp nông dân vay phát triển đàn bò sữa, với điều kiện, các hộ dân phải bảo đảm nguồn vốn tự có 20%, còn lại ngân hàng sẽ cho vay mức cao nhất là 80%. Ngoài ra, ngân hàng cũng đề nghị, tỉnh có cơ chế, hỗ trợ cho các hộ dân nuôi bò sữa gặp rủi ro khách quan bất khả kháng, để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi bò sữa.
Đối với Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam đã cam kết thu mua toàn bộ số sản phẩm sữa bò cho người dân. Hiện doanh nghiệp đã đầu tư một trạm bảo quản sữa bò tại thôn Dĩ Phố, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên và ký kết thu mua sữa của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Doanh nghiệp đang khẩn trương xây dựng mô hình trang trại bò sữa kiểu mẫu đầu tiên quy mô 50-80 con trên diện tích đất 66 ha được tỉnh Hà Nam bố trí tại xã Mộc Bắc. Phấn đấu đến năm 2017, toàn tỉnh có mười trang trại như vậy để làm mô hình điểm để giúp nông dân học hỏi và mở rộng sản xuất.