Sữa Việt Nam

Hiệu quả từ đề án sữa học đường

Đồng Nai là địa phương thứ 3 trên cả nước triển khai đề án “Sữa học đường” đối với trẻ mầm non, tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 3). Đề án được triển khai từ năm 2014 đến nay đã góp phần kéo giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng.

 Nếu như năm học 2014-2015 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân là 11%, thì nay chỉ còn 6%; trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi từ 12,6% đã giảm xuống còn chưa đầy 6%.

 

* Đi vào nền nếp

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa HiệpĐề án “Sữa học đường” là một trong những chính sách quan trọng của tỉnh góp phần phát triển tốt về thể chất cho trẻ. Do đó mỗi thầy cô giáo cần nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm vì sự phát triển của học sinh.

Đề án “Sữa học đường” được HĐND tỉnh thông qua năm 2014, trong đó Sở GD-ĐT được tỉnh giao nhiệm vụ chủ nhiệm của đề án. Sở đã triển khai thí điểm đối với bậc tiểu học ở 5 huyện là: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu.

 

Sau đó, đề án được nhân rộng ở tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh (từ lớp 1 đến lớp 3) và bậc mầm non, kể cả các nhóm trẻ ngoài công lập.

 

Trung bình mỗi tuần trẻ mầm non và học sinh tiểu học được uống 4 hộp sữa tươi, dung tích 180ml vào các ngày từ thứ hai đến thứ năm. Đề án được phụ huynh hưởng ứng bởi hiệu quả và với chi phí thấp. Phụ huynh chỉ đóng góp 35% giá trị mỗi hộp sữa, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, 15% còn lại do doanh nghiệp trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ trực tiếp vào giá. Đặc biệt học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn phí.

 

Đến nay toàn tỉnh chưa phát hiện đơn vị nào để xảy ra thất thoát sữa học đường, hoặc để xảy ra khiếu nại về chất lượng sữa. Theo đề nghị của Sở GD-ĐT, đơn vị cung cấp sữa đã thực hiện nghiêm việc in bao bì riêng cho các sản phẩm sữa thuộc đề án “Sữa học đường” của tỉnh.

 

Ông Phan Thành Chánh, Phó phòng GD-ĐT TX.Long Khánh, cho biết: “Khâu kiểm tra bảo quản và cấp sữa ở các trường của thị xã được kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc, đặc biệt là thực hiện công khai, minh bạch cho giáo viên, phụ huynh giám sát để tránh xảy ra thất thoát”.

 

* Nhiều lợi ích 

 

Theo Sở GD-ĐT, kinh phí thực hiện đề án từ năm 2014 đến  nay đã lên tới 385,4 tỷ đồng. Qua thực hiện đấu thầu công khai chọn nhà cung cấp sữa đã tiết kiệm cho ngân sách tỉnh được 35,6 tỷ đồng.

 

Cô Phạm Thanh Thảo, giáo viên Trường mầm non Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), cho biết: “Đến giờ uống sữa các bé đều rất vui vẻ, hào hứng xếp hàng để đến bàn lấy sữa. Gần như 100% trẻ uống hết hộp sữa trong một lần uống”.

 

Trẻ của Trường mầm non Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ uống sữa.
Trẻ của Trường mầm non Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ uống sữa.

 

Nhiều giáo viên các trường còn tận dụng các vỏ hộp sữa để làm ra các mô hình, thiết bị dạy học trong cho học sinh. Điển hình như Trường mầm non Phước Thiền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) đã dùng vỏ hộp sữa làm mô hình ngôi trường mầm non thu nhỏ. Hay Trường mầm non Tuổi Ngọc (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) dùng những vỏ hộp sữa để thiết kế ra những bộ thời trang cho trẻ biểu diễn tuyên truyền bảo vệ môi trường…

 

Bà Ngô Diệu Thanh, Phó phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho rằng thực hiện đề án đã góp phần nâng cao thể chất cho trẻ bậc mầm non và học sinh tiểu học.

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết thời gian tới sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận hơn nữa trong phụ huynh trong việc tham gia đề án “Sữa học đường”, đảm bảo phát triển tốt về thể chất cho học sinh trong quá trình học tập.

 

Công Nghĩa

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác