Sữa Việt Nam

Không để bò sữa bị ảnh hưởng stress nhiệt

Với sự liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sữa tươi của Công ty cổ phần Sữa Vinamilk, nuôi bò sữa nông hộ ở ngoại thành trở thành một trong những vật nuôi chủ lực của TPHCM, dẫn đầu cả nước về số lượng đàn bò sữa với hàng ngàn hộ nuôi, là mô hình được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng lên thành chương trình phát triển bò sữa và nhân rộng nhiều tỉnh, thành với sự tham gia của nhiều công ty chế biến sữa khác.

 Tuy nhiên, trong bối cảnh giá sữa nguyên liệu thế giới sụt giảm kéo dài, người nuôi bò sữa phải khắc phục được các nhược điểm để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh. Một trong những hạn chế này là thời tiết nóng làm cho bò sữa bị stress nhiệt.

 

 

Stress nhiệt là trạng thái nhiệt độ môi trường chênh lệch lớn so với vùng nhiệt độ trung hòa của cơ thể gia súc, gây ra xáo trộn các hằng số sinh lý trong cơ thể. Vùng nhiệt độ trung hòa là vùng nhiệt độ môi trường tốt nhất giúp cơ thể gia súc có thể đạt năng suất tối đa và chịu sự tác động của stress ở mức tối thiểu.

 

Vùng nhiệt độ trung hòa phụ thuộc vào tuổi, loài, giống, lượng thức ăn tiêu thụ, thành phần thức ăn, tình trạng sản xuất, điều kiện chuồng nuôi. Ở vùng nhiệt độ này, thú nuôi duy trì thân nhiệt bằng cách co hoặc giãn mạch, thay đổi tư thế, hành vi, đổ mồ hôi hoặc thở dốc.

 

Khi nhiệt độ môi trường cao, sự chênh lệch nhiệt độ xung quanh và thân nhiệt bò càng lớn, khi đó bò làm mát cơ thể bằng cách bốc hơi (tiết mồ hôi và thở gấp). Nếu ẩm độ chuồng nuôi tương đối cao thì sự bốc hơi tỏ ra không hiệu quả và thân nhiệt bò tăng lên, khả năng thu nhận thức ăn của bò bị giảm (có thể từ 10% - 12% hoặc nhiều hơn), làm giảm sản lượng sữa, giảm thể trọng.

 

Đối với bò cái sinh sản, nhất là bò sữa cao sản, stress nhiệt làm bò chậm hoặc không lên giống, dấu hiệu lên giống không rõ ràng, có khi lên giống mà không rụng trứng, khó phát hiện lên giống, khó xác định thời điểm phối giống thích hợp; tỷ lệ phối giống đậu thai thấp (từ mức bình thường 52% giảm xuống còn 30%); phôi có sức sống yếu, tỷ lệ phôi chết cao. Ngoài ra, khi nhiệt độ môi trường tăng cao, bệnh viêm vú thường gia tăng do khả năng phòng vệ của tuyến vú giảm.

 

Thông thường bò sữa cao sản có nhu cầu dinh dưỡng cao, hoạt động trao đổi chất mạnh, tỏa nhiệt và thải năng lượng nhiều. Trong điều kiện nóng ẩm như Việt Nam, để hạn chế stress nhiệt trong chăn nuôi bò sữa cần:

 

- Ổn định tiểu khí hậu chuồng nuôi sao cho đảm bảo thông thoáng, mát mẻ khi thời tiết nóng và ấm áp trong thời tiết lạnh. Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào bò. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa áp dụng các hình thức làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi không phù hợp như phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi… Điều này sẽ làm tăng độ ẩm, giảm sự thoát nhiệt của bò sữa do hạn chế sự bốc thoát mồ hôi, làm tăng các bệnh hô hấp, bệnh chân móng trên bò. Do vậy, tốt nhất nên trang bị hệ thống làm mát chuồng trại giúp cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với sinh lý của bò, giảm nhiệt độ bên trong chuồng từ 3oC - 5oC so với ngoài trời, giảm stress nhiệt cho đàn bò sữa, đảm bảo sức khỏe đàn bò kể cả khi nhiệt độ môi trường tăng cao, góp phần giảm chi phí thuốc thú y, tăng sản lượng, chất lượng sữa và hiệu quả chăn nuôi.

 

- Tăng chất lượng khẩu phần để bù vào số lượng thức ăn thu nhận hàng ngày thấp so với nhu cầu, đồng thời, tăng số lần cho ăn trong ngày. Nên cho ăn thêm vào ban đêm.

 

- Cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho bò uống tự do.

 

- Bổ sung vitamin C-150WSP khi nhiệt độ môi trường tăng cao để gia tăng sức đề kháng cho bò.

 

Nói chung, stress gây tác động xấu đến hệ miễn nhiễm của cơ thể, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, khả năng sinh sản, duy trì thể trạng của bò. Cần chú trọng công tác chăm sóc nuôi dưỡng tốt, mật độ hợp lý, chuồng trại thoáng mát, thông thoáng, nên trang bị hệ thống làm mát chuồng trại để hạn chế tối đa stress nhiệt trên bò sữa.

 

Th.S NGUYỄN THỊ LIỄU KIỀU

Nguồn: sggp.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác