Sữa Việt Nam
Lâm Đồng thừa sữa nguyên liệu, ế bò sữa giống
Ngày 9/12, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, nơi chăn nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng cho biết, Công ty Sữa Vinamilk vừa ra thông báo có nội dung: Nhà máy sẽ không thu mua lượng sữa vượt quá so với sản lượng sữa tối đa được quy định tại hợp đồng hoặc sản lượng sữa tối đa khác đã được Vinamilk chấp thuận lần gần nhất bằng văn bản. Vinamilk sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hộ dân ký hợp đồng với doanh nghiệp, khi phát hiện bất kỳ hộ nào nhận sữa gửi của các đơn vị/hộ dân khác, nhà máy sẽ dừng thu mua và thông báo chấm dứt hợp đồng với hộ dân đã nhận giao sữa giúp này.
Theo ông Lê Đức Tiến, động thái này của Công ty Sữa Vinamilk khiến những gia đình chăn nuôi bò sữa tại địa phương sống trong thấp thỏm. Hàng chục gia đình chăn nuôi bò sữa mới phát sinh sau, chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sữa với bất kỳ doanh nghiệp nào đang lâm vào tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi không thể tìm kiếm được đầu ra ổn định cho sản phẩm sữa. Trong khi đó, chi phí để nuôi một con bò sữa hiện nay là rất lớn, lên tới gần 5 triệu đồng mỗi tháng.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn 1, xã Đạ Ròn, cho biết, hiện gia đình chị đang rất lo lắng bởi không thể ký được hợp đồng tiêu thụ sữa cho các doanh nghiệp. Mỗi ngày, hai con bò sữa của gia đình chị Hồng cho hơn 40 lít sữa, để tiêu thụ được sản phẩm, hằng ngày chị Hồng phải đem sữa thô đi bán dạo cho các cơ sở làm sữa chua trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đà Lạt nhưng vẫn không hết. Nếu như trước đây, để có một con bò sữa giống, người chăn nuôi phải đặt con giống từ các hộ khác trước đó cả năm nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu có bò sữa để chăn nuôi. Cách đây vài tháng, giá một con bò chuẩn bị cho sữa không thể dưới 80 triệu đồng thì hiện nay, loại bò này bán không còn có người mua.
Anh Nguyễn Văn Tiến, ở thôn 1, xã Đạ Ròn, cho biết, gia đình anh đang có nhu cầu bán 2 con bò sữa giống nhưng rao mãi vẫn không có người hỏi mua. Anh Tiến khẳng định, hiện bò sữa giống tại địa phương đã ế. Trước thực trạng trên, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đang xúc tiến làm việc với chính quyền các địa phương có nghề chăn nuôi bò sữa và một số doanh nghiệp thu mua sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để tìm cách giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi.
Lâm Đồng có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa thô cho người chăn nuôi là Vinamilk, Cô Gái Hà Lan và Đà Lạt Milk (nay đã chuyển giao cho TH true Milk). Hiện những doanh nghiệp này đang thu mua cho những gia đình trước đó đã ký hợp đồng với giá từ 11.500 – 14.000đ/lít. Tuy nhiên, đến nay, cả 3 công ty trên đều không có nhu cầu ký thêm hợp đồng thu mua sữa mới, mà đang siết chặt quản lý chất lượng sữa.
Theo UBND xã Đạ Ròn, quy hoạch chăn nuôi bò sữa của xã đến năm 2015 là 1.500 con; đến năm 2020, con số được ấn định là 2.000 con bò. Tuy nhiên, hiện nay đàn bò sữa của xã đã lên tới 2.431 con và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng do bò giống sinh sản. Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 13.300 con bò sữa, tăng 74% so với năm 2013, sản lượng sữa tươi đạt gần 40.500 tấn, tăng trên 45%. Đàn bò và lượng sữa tăng vượt tầm kiểm soát đã khiến người chăn nuôi mới phát sinh lâm vào cảnh khốn khó.
Kim Ngân