Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi không ngừng đầu tư công nghệ hiện đại áp dụng vào quy trình chăn nuôi nên sữa bò tăng cả về chất lượng và sản lượng. Trang trại bò sữa của Công ty TNHH Sữa cho tương lai Future Milk hiện có gần 700 con cho vắt sữa. Bà Ngô Thị Cúc, Trợ lý điều hành của doanh nghiệp này cho biết, để đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng cho đàn, ngoài thức ăn chế biến sẵn, đơn vị hợp đồng với các hộ trồng cỏ, trồng ngô trong khu vực để cung cấp thêm thức ăn xanh, trung bình mỗi ngày, trang trại thu mua hơn chục tấn cỏ và khoảng 20 tấn ngô cho đàn bò. Mỗi ngày, 1 con bò sữa cung cấp trên 32 kg sữa, sản lượng cả đàn đạt trên 21 tấn sữa tươi/ngày. Theo bà Cúc, đơn vị đang tính toán mở rộng quy mô chăn nuôi lên khoảng 3.000 con trong năm tới, vì khí hậu, thổ nhưỡng của Tuyên Quang được đơn vị đánh giá là phù hợp để phát triển tốt đàn bò sữa.
Trang trại chăn nuôi của Công ty Hồ Toản hiện có hơn 800 con bò sữa giống HF nhập khẩu từ Úc. Ông Lương Huy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao Hồ Toản cho biết, trang trại luôn luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn tốt, thực hiện cho ăn đúng giờ, đúng khẩu phần. Tùy từng loại bò như bò cao sản, thấp sản, bê, bò chờ phối… cần cho ăn khẩu phần riêng đảm bảo sức khỏe. Vùng nguyên liệu của trang trại Hồ Toản có khoảng 11 ha trồng cỏ. Với diện tích này không đủ nguyên liệu thức ăn, vì vậy trang trại mua thêm ngô, cỏ trong dân. Để kiểm soát thức ăn an toàn, nguồn cỏ, ngô nhập vào đều qua hệ thống KCS (kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm) từng lô. Thực hiện tốt các quy trình chăm sóc, hiện nay sữa tươi của trang trại được Công ty Vinamilk thu mua toàn bộ. Tổng sản lượng sữa cung cấp ra thị trường hơn 4.500 tấn/năm. Theo ông Toản, hiện đơn vị đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng thêm một trang trại chăn nuôi quy mô trên 600 con bò sữa/năm trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tuyên Quang là tỉnh có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; việc kiểm soát dịch bệnh cũng được thực hiện chặt chẽ, triệt để. Những lợi thế này đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đã đầu tư, khảo sát tại Tuyên Quang. Ngoài 4 trang trại chăn nuôi bò sữa hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đến Tuyên Quang tìm hiểu nhu cầu đầu tư, xây dựng trang trại chăn nuôi như Tập đoàn TH True Milk, Công ty TNHH Đại toàn cầu xanh...
Không chỉ mở ra triển vọng cho một ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa ngay tại chỗ trong vài năm tới, hiện tại người nông dân Tuyên Quang cũng được hưởng lợi nhờ trồng cỏ, trồng ngô cung cấp cho các trang trại chăn nuôi. Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, từ 5 năm nay, đơn vị đã đứng ra ký hợp đồng với Trang trại chăn nuôi bò sữa Phú Lâm cung cấp ngô sinh khối. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp trên 3.000 tấn ngô làm thức ăn, với giá bán 650 đồng/kg. Ông Hộ cho biết, nguồn thu nhập này tương đối ổn định, nên nhiều năm nay, diện tích ngô sinh khối mà bà con Yên Nguyên trồng, cung cấp cho trang trại luôn giữ ổn định trên 150 ha.
Sản phẩm bê đực từ các trang trại chăn nuôi bò sữa trở thành nguồn cung ứng con giống cho chuỗi liên kết chăn nuôi trâu bò vỗ béo của các hợp tác xã trong tỉnh. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, đơn vị hiện đã ký hợp đồng với Công ty Vinamilk và tiếp tục làm việc với các trang trại chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh để thu mua số bê đực, cung cấp cho các hợp tác xã.
Có thể thấy, dư địa cho phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Hiện, Tuyên Quang đang tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng, tính cạnh tranh và an toàn thực phẩm cho ngành chăn nuôi.