Sữa Việt Nam
Liên kết chuỗi – Giải pháp giảm rủi ro trong chăn nuôi
Từ 7 thành viên ban đầu tham gia nuôi thử nghiệm theo dự án chăn nuôi bò sữa Việt – Bỉ, đến nay, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch có 44 hộ tham gia nuôi bò sữa với tổng đàn lên đến gần 500 con.
Mô hình liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa ở Thái Hòa không chỉ giúp đời sống của các nông hộ đổi thay mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Minh Luân, Giám đốc Hợp Tác xã (HTX) chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa cho biết: Mô hình chăn nuôi bò sữa ở Thái Hòa được phát triển từ năm 2002, nhưng do kinh tế khó khăn, mỗi hộ chỉ nuôi từ 1-2 con.
Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, huyện Lập Thạch đã phối hợp với Công ty cổ phần sữa Hà Lan bao tiêu sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất khép kín từ đầu vào cho tới đầu ra.
Thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao nhất, hỗ trợ 50% giá trị khi mua máy vắt sữa bò, hỗ trợ phí bảo hiểm vật nuôi, cấp thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hỗ trợ tinh bò làm con giống cũng như đầu tư xây dựng điểm thu mua sữa tươi động vật đạt tiêu chuẩn châu Âu với công suất thu gom 6 tấn sữa tươi/ngày.
Cùng với đó, Đảng ủy xã Thái Hòa đã ban hành Nghị quyết về phát triển chăn nuôi bò sữa; có cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai các chương trình tập huấn, hỗ trợ, ưu đãi nguồn vốn để người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ đó, tình trạng dịch bệnh trên đàn bò sữa được phát hiện, khống chế kịp thời, chất lượng sữa đồng đều, đảm bảo, giá bán ổn định. Đến nay, trung bình mỗi hộ nuôi từ 10-15 con bò sữa, sau khi trừ đi chi phí, thu lãi từ 150- 200 triệu đồng/năm/1 hộ.
Từ làm nông nghiệp, nuôi chim, nuôi lợn nhỏ lẻ, ăn bữa trước lo bữa sau, năm 2015, anh Trần Văn Hùng, thôn Phủ Yên I, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường đã đầu tư, xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi khép kín theo liên kết chuỗi với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam.
Đến nay, mô hình này không chỉ giúp anh xóa đói, giảm nghèo mà còn có của ăn của để và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Với tổng diện tích 2 ha, trong đó diện tích chuồng nuôi 3.500 m2, gia đình anh Hùng nuôi 80 lợn nái, 2.000 lợn thịt, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng/năm.
Anh Hùng chia sẻ: Chăn nuôi khép kín theo liên kết chuỗi sẽ hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm rủi ro vì cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn từ khâu thiết kế chuồng trại, quản lý chất thải, sổ tay ghi chép đến cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh và bao tiêu đầu ra.
Do đó, hơn 5 năm qua, trong khi nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng vì “bão giá” lợn hơi, vì dịch bệnh tả lợn châu Phi, lở mồm, long móng, tai xanh, nhưng gia đình tôi vẫn phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên, hỗ trợ các ngành hàng chủ lực theo chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ, trong đó, ngành hàng chủ lực được lựa chọn cho chăn nuôi là bò sữa, bò thịt và lợn.
Những mô hình liên kết đã và đang phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển KT-XH trên địa bàn.
Cùng với những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi giá trị đã được các công ty lớn trong, ngoài nước như: Công ty Cổ phần sữa Hà Lan, Vinamilk, Japfa Comfeed Việt Nam, Dabaco, CP… đem lại hiệu quả cao cho các đối tượng tham gia, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm hộ chăn nuôi khác tự liên kết với nhau từ khâu cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng hội nhập, Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới, phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Phát triển các HTX nông nghiệp, trang trại theo hướng chú trọng việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Khuyến khích DN, HTX tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm…